Chiều 22/5, các ĐBQH thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về miễn, hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học Chương trình GDPT tại các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 - 5 tuổi.
Chia sẻ tại đây, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội) cho hay, những ý kiến góp ý của các đại biểu bên cạnh tán thành, ủng hộ cao thì có sự quan tâm đến một vài chi tiết có tính kỹ thuật cũng như bày tỏ mong muốn.
Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục ghi nhận, ghi chép, nghiên cứu để trình Quốc hội xem xét kỹ trước khi thông qua. Khi nghị quyết được thông qua, Chính phủ sẽ xây dựng đề án chi tiết để triển khai.

Đại biểu Nguyễn Thị Lan (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội) đánh giá cao các nội dung, chính sách ưu việt trong dự thảo Nghị quyết. Tuy nhiên, đại biểu bày tỏ băn khoăn liệu việc miễn học phí trường công lập có thể khiến học sinh trường tư quay sang đăng ký học tại trường công, có thể dẫn tới quá tải. Do đó, đại biểu đề nghị cần dự báo tình hình để không bị động. Ngoài ra, đại biểu đồng tình với việc bố trí ngân sách nhà nước để thực hiện miễn, hỗ trợ học phí nhưng cần đánh giá kỹ lưỡng khả năng cân đối của địa phương chưa cân đối được ngân sách; nếu không đủ nguồn lực có thể chậm trễ trong triển khai thực hiện chính sách.
Về lo lắng của ĐBQH Nguyễn Thị Lan, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, số lượng học sinh của Hà Nội rất đông, xấp xỉ 10% tổng học sinh cả nước, tỷ lệ trường công lập chiếm đa số. Sự quan tâm của lãnh đạo thành phố với ngành Giáo dục trên địa bàn đóng vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao chất lượng Giáo dục cả nước.
"Nhiều trường ngoài công lập ở Thủ đô chú trọng đầu tư, nâng cao uy tín. Từ năm 2024, ngành giáo dục Thủ đô triển khai tuyển sinh đầu cấp trực tuyến, tránh tình trạng xếp hàng xuyên đêm như trước. Số lượng tuyển sinh vào trường tư thục cũng áp lực không kém trường công. Lo lắng của GS Nguyễn Thị Lan cũng phải nghĩ đến nhưng không quá lo lắng", Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trao đổi.
Về hình thức hỗ trợ học phí cho trẻ mầm non và học sinh các trường tư thục, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, với các cơ sở giáo dục ngoài công lập, nhà nước không nộp thay học phí mà chỉ hỗ trợ một phần. Phụ huynh, người giám hộ vẫn đóng học phí cho nhà trường theo thoả thuận với cơ sở giáo dục.
Tính toán kỹ các phương án

Cũng theo thông tin từ Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn tại phiên họp, hiện toàn quốc đã có 10 tỉnh/thành áp dụng miễn học phí cho học sinh. Đối với các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách, ngân sách Trung ương sẽ cấp bù và hỗ trợ. Tổng ngân sách để thực hiện đề cập trong dự thảo đã bao gồm tất cả các tỉnh chưa tự cân đối được ngân sách.
Sau khi các chính sách được thông qua và có hiệu lực sẽ làm căn cứ thực hiện. Dù triển khai vào tháng 9/2025, HĐND các tỉnh/thành phải có căn cứ để ra các nghị quyết, quyết định mức hỗ trợ học phí mới thực hiện trong năm học. Vì nguyên tắc tính học phí là theo định mức kinh tế kỹ thuật và tính đủ chi phí cho học sinh, sau đó mới cấp cho các trường.
Về vấn đề dạy thêm học thêm, Thông tư 29/2024 đã quy định rõ 3 đối tượng trong nhà trường được tổ chức dạy thêm gồm: Các em học tập còn yếu, ôn thi học sinh giỏi, học sinh cuối cấp ôn thi tốt nghiệp. Việc cấp kinh phí chi trả cho giáo viên làm công tác ôn thi tuỳ theo điều kiện của các địa phương, nhưng trách nhiệm của nhà trường là không được thu phí của người học.
Thông báo kết luận của Tổng Bí thư Tô Lâm gửi ngành Giáo dục có đề cập đến nội dung lên phương án tổ chức dạy học buổi 2 trong nhà trường nhưng không thu phí của học sinh. Bộ GD&ĐT đang chuẩn bị phương án tổ chức dạy học buổi 2 với tinh thần không được thu chi phí, học phí từ người học; đồng thời lên phương án triển khai từ năm học mới 2025-2026.
Đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh (Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai) đề nghị cần bổ sung quy định về nguyên tắc xác định mức hỗ trợ, bảo đảm tính công bằng, hợp lý và ưu tiên vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Điều này vừa bảo đảm tính nhân văn của chính sách, vừa góp phần thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng miền...