Cách tô trắc nghiệm
Học sinh chuẩn bị bút chì ngòi to loại 2B -6B, không nên gọt bút chì quá nhọn, không sử dụng bút chì kim. Để giấy thi ngay ngắn trên mặt bàn tránh quăn góc bài thi. Khi tô, lưu ý cầm bút thẳng, cần tô chậm từ bên ngoài rồi tô nhanh vào bên trong, tô kín ô.
Hướng dẫn làm bài thi
Do thời gian 50 phút làm 40 câu, có những câu phải tính toán, nên với bài thi trắc nghiệm môn Địa lý, trung bình học sinh có 1 phút /1 câu, đòi hỏi học sinh phải làm nhanh những câu tự luận dễ, dành thời gian cho những câu khó và tính toán, câu sử dụng Atlat.
Đọc đề: Thí sinh đọc kĩ câu dẫn ít nhất 2 lần rồi đọc 4 đáp án; làm từ câu 1 đến câu 40, câu nào chắc chắn tô trước, câu nào chưa chắc chắn, khó để lại, đánh dấu to ra lề bên trái (hoặc phải) cùng một phía để dễ nhận biết khi quay lại.
Với những câu có thể làm được: Mỗi câu hỏi đều phải đọc ít nhất câu dẫn hai lần, chú ý những câu dạng phủ định như KHÔNG, SAI để nhanh chóng chọn đáp án đúng và tô vào giấy thi.
Sau đó, quay lại làm những câu khó, một số câu không hỏi dùng Atlat, thí sinh có thể mở Atlat cùng nội dung với câu hỏi để tái hiện kiến thức hoặc tìm kiếm nhanh.
Còn hai phút cuối: học sinh nên chọn theo cảm tính những câu mà mình chưa hoàn thành được. Lưu ý mỗi câu chỉ có một phương án duy nhất.
Để nâng cao hiệu quả học, ôn thi THPT quốc gia, cô Hoàng Thị Thủy Hương cho rằng, trong từng tiết học, bài học, giáo viên cần trang bị đầy đủ kiến thức cơ bản cho học sinh. Giảng dạy theo lối diễn dịch, cuối mỗi bài cần khái quát hóa kiến thức bằng sơ đồ tư duy. Chú ý việc khai thác kênh hình trong từng bài học tạo kĩ năng sử dụng bản đồ (chính là kĩ năng sử dụng Atlat sau này).
Giáo viên cũng cần hiểu đúng: việc thi trắc nghiệm chỉ là thay đổi về hình thức thi còn nội dung và mức độ phân hóa kến thức vẫn như thi tự luận; giáo viên cũng cần khơi sâu kiến thức, giúp học sinh hiểu đúng bản chất của sự vật, hiện tượng, những mối quan hệ nhân quả trong địa lí.