Theo thống kê của ngành Giáo dục các tỉnh miền núi phía Bắc, giáo viên tại các trường đa số là người dưới xuôi lên lập nghiệp. Thậm chí, có tỉnh thầy cô giáo bản địa chỉ chiếm vài chục phần trăm.
Thế nhưng, ngày Tết cổ truyền không phải thầy cô nào cũng có may mắn đón Tết ở quê cùng người thân. Bởi thực tế, vài năm các thầy cô mới có đủ điều kiện vượt rừng, hạ sơn gần nghìn cây số về xuôi với gia đình, để đoàn tụ trong những ngày Tết.
Vì thế, mảnh đất lập nghiệp đã trở thành quê hương thứ hai gắn bó với các thầy, cô. Không ít GV vùng sâu, vùng xa, các cặp vợ chồng nhà giáo đã gắn bó trọn đời mình cho sự nghiệp giáo dục dân tộc thiểu số. Chính vì thế, cuộc chia tay kẻ ở, người về quê ăn Tết bao giờ cũng chan chứa, buồn vui lẫn lộn.
Thầy Đồng Văn Tướng là người Thái Sơn La, nhưng lên lập nghiệp tại Trạm Tấu (Yên Bái) đã gần 20 năm. Vợ thầy cũng là đồng nghiệp cùng trường. Có với nhau hai mặt con nhưng hai vợ chồng thầy cũng chỉ vài lần được về quê đón Tết. Năm thì ở nhà bố mẹ, năm ở quê vợ Bắc Giang.
Sống lâu cùng đồng nghiệp, cùng dân bản, cùng các em HS nên cuộc chia tay lần nào các thầy cô cũng ở hai tâm trạng đối nghịch xen lẫn. Thoắt buồn đấy vì phải chia tay lũ học trò nhỏ, rồi lại thoắt vui vì được về quê đón Tết. Phút chia tay lưu luyến ấy nhiều đôi mắt học trò, dân bản và thầy cô cùng ngân ngấn lệ.
Có lẽ vì thế, nhiều thầy cô đã kể lại, khi chia tay học trò, cứ bịn rịn mãi mới dứt được đi. Học trò chạy chân trần đưa thầy cô ra tận cửa ô tô, cả quãng đường cứ níu áo cô giáo, cứ như sợ cô đi rồi không quay trở lại với mình.
Thương lắm. Thầy cô lên xe rồi mà các em vẫn lếch xếch, có đứa còn cõng em nhỏ ngơ ngác trên lưng, chạy theo một đoạn đường, cố nói với: “Thầy cô nhớ lên đây sớm với chúng em… ”.
Ngồi trên chiếc xe đang ngoằn ngoèo men theo đường cua tay áo hướng về xuôi, quay nhìn lại đằng sau, chợt ước có một ngày được ăn Tết ở cả hai nơi. Ước thôi, vì biết là chẳng thể nào như thế được!
Còn cô giáo tiếng Anh Nguyễn Thị Thu Hiền - Trường PTDT bán trú – THCS Lao Chải (Mù Cang Chải, Lào Cai) lại chia sẻ: Thực ra xa nhà lâu, cũng mong Tết lắm. Nhưng về nhà ăn Tết, lại thấy nhớ trên này, nhớ học sinh, nhớ cái lớp học thông thốc gió lùa của mình.
Nằm trong chăn ấm thì lại nhớ đến gian phòng cạnh lớp, tối đến mưa đập lanh canh trên mái tôn. Hay sáng dậy thấy cành đào cắm trong lọ ở phòng khách, lại nhớ cây đào cây mận hoa nở bung ở triền núi…
Nhớ sáng mùng Một Tết năm ngoái, mở cửa phòng ra đã thấy đám trò nhỏ đứng so ro bên ngoài, tay cầm măng rừng, có đứa cạp quần giắt chục trứng, nách cắp con gà, ngập ngừng giúi vào lòng cô giáo nói: “Của bố mẹ đưa cô ăn Tết”…
Cứ có sự so sánh thường trực như vậy. Để rồi biết rằng mình đã gắn bó với nơi đó quá rồi. Mong hết Tết để được trở lại trường, mong thời gian trôi nhanh nhanh để được lên lớp trở lại, được dạy chữ cho các em.
Cô giáo – người mẹ hiền ở trường |
Trĩu nặng tấm lòng miền ngược
Ở lâu với dân bản, thầy cô nói tiếng dân tộc gần như người bản địa, được dân bản yêu thương, coi như người thân. Có lẽ vì thế, trong những dịp lễ, tết, những bữa cơm Tết mới trong gia đình người Mông, người Thái, người Tày… thầy cô giáo bao giờ cũng coi là khách quí không thể vắng mặt.
Tết, có cô giáo lặng lẽ về mà không dám chào nhiều gia đình trong bản, bởi sợ phải gánh quà cáp vượt núi rồi ôm ngồi mấy ngày ô tô. Nhưng, cũng chẳng thể lặng về được.
Nhiều phụ huynh nhà ở gần trường, biết thầy cô sắp về quê ăn Tết bao giờ cũng làm bánh dày, mổ lợn sớm, chọn măng khô ngon mang biếu, còn cử các con loanh quanh nơi phòng cô giáo, để thấy cô chuẩn bị túi xách là ới bố mẹ sang mời cô qua nhà.
Ở bản Nậm Chua 5, cô giáo trẻ Kim Anh dạy lớp mầm non trong hành trang về quê ăn Tết không thể thiếu bánh dày đặc sản của bà con người Mông, một hai bắt cô giáo phải “gùi” về quê làm quà biếu tặng. Ngày Tết về nhà lại lỉnh kỉnh quà miền ngược gửi miền xuôi, nặng trĩu là tình.
Còn vợ chồng cô giáo Thân Thị Ninh, dù đi 4 - 5 chặng tàu xe mới về đến quê nhưng bao giờ trong hành trang cũng có những lọ măng ớt do chính bà con bản Mông làm tặng, hoặc những món nước chấm độc đáo, thơm ngon đi kèm với các món ăn.
Khi được bà con bày cho cách muối măng ớt, có năm vợ chồng cô muối đến 50 kg măng chua, cho vào can lớn mang về quê làm quà Tết người thân. Cũng có thầy cô, chọn măng khô, những cân miến, gạo nếp nương biếu cho người thân nơi quê nhà.
Háo hức với đặc sản vùng xuôi
Và trong hành trang khi trở lại lớp, trở lại trường với lũ trò nhỏ, với bà con dân bản, thầy cô giáo bao giờ cũng chọn mua bánh kẹo, đặc sản quê mình mang lên trường làm quà.
Cô Nguyễn Thị Thúy dạy ở điểm trường lẻ Nà Khoa (Mường Nhé, Điện Biên) cho biết: Kể từ khi thực hiện bán trú, HS của trường tăng lên nhiều, hiện có hơn 400 em. Thấy thầy cô về quê đón Tết khi lên các em rất háo hức, chạy lên nhà thăm.
Do đó, cô Thúy cũng giống như các đồng nghiệp của mình không quên chuẩn bị kẹo, bánh, mứt Tết mang ra chia cho các em. Giờ học đầu tiên trở thành buổi liên hoan gặp mặt, cô trò quây quần ăn bánh kẹo, chúc Tết, và cô không quên dặn các em đi học chuyên cần, chăm chỉ học bài.
Còn cô Ninh chia sẻ: Ngoài quà bánh kẹo cho học sinh, vợ chồng cô còn mua quà lên liên hoan với các bạn đồng nghiệp ở lại trường ăn Tết, đi chúc năm mới dân bản và bác trưởng bản.
Gói mì chính, cân đường là món quà đầu xuân bà con nơi đây rất ưa thích. Gia đình cô không biết tự bao giờ đã trở thành một gia đình dân bản thực thụ, được bà con đùm bọc, chia sẻ và yêu thương.
Một mùa xuân ấm áp lại về. Trong cái rét ngọt của khí trời miền Bắc, trong cái Tết của sum họp, đầm ấm, yêu thương, vẫn còn có biết bao đồng nghiệp là những thầy cô giáo không về quê đón Tết.