Lường trước tình huống phát sinh trong tuyển sinh ở Thủ đô

GD&TĐ - Nhiều ý kiến cho rằng, nếu Hà Nội phân tuyến tuyển sinh theo thực tế nơi ở của học sinh thay vì địa giới hành chính sẽ tạo thuận lợi cho người dân.

Cô trò lớp 1, Trường Tiểu học Yên Nghĩa, quận Hà Đông. Ảnh: Đình Tuệ
Cô trò lớp 1, Trường Tiểu học Yên Nghĩa, quận Hà Đông. Ảnh: Đình Tuệ

Vì lợi ích người học

Ông Trần Thế Cương - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, Sở đang nghiên cứu phương án phân tuyến tuyển sinh theo vị trí thực tế nơi ở của học sinh thay vì địa giới hành chính từ năm học 2026 - 2027. Mục tiêu của việc làm này nhằm giảm thiểu tối đa thời gian đi lại và tạo thuận lợi cho phụ huynh, học sinh cũng như giáo viên các trường.

Có con học tiểu học ở xã Đông La (huyện Hoài Đức), giáp ranh với địa bàn phường Yên Nghĩa (quận Hà Đông), chị Nguyễn Thị Nhung cho hay, nếu sở GD&ĐT áp dụng quy định mới thì phụ huynh rất phấn khởi vì có nhiều lựa chọn hơn cho con. Bố mẹ đỡ mất thời gian di chuyển mà con vẫn có chỗ học phù hợp.

Nhiều năm nay, thành phố thực hiện phân tuyến tuyển sinh theo thông tin thường trú/tạm trú - tức học sinh cư trú ở xã/phường nào sẽ học ở trường thuộc khu vực đó. Tuy nhiên, không ít gia đình lâm vào tỉnh cảnh “gần nhà xa ngõ” do ở khu vực giáp ranh, không được học trường gần nhà bởi thuộc diện trái tuyến.

Anh Nguyễn Văn Hà trú quận Hoàng Mai chia sẻ: “Không thiếu trường hợp nhà cách trường đúng một con đường nhưng phải cho con học xa 3km chỉ vì ở địa bàn giáp ranh giữa hai phường. Các trường cũng nên thực hiện nghiêm việc này để giúp người dân đỡ vất vả đi lại”.

Tuyển sinh theo nơi ở thực tế sẽ giúp học sinh đỡ phải di chuyển xa. Bày tỏ mong muốn, chị Lê Thị Hương trú tại phường Tây Mỗ (quận Nam Từ Liêm) đồng thời cho hay: Người dân luôn mong muốn có một hệ thống tuyển sinh công bằng và hợp lý hơn, ưu tiên khoảng cách địa lý chứ không nên cứng nhắc theo địa giới hành chính. Câu chuyện phụ huynh “quây cổng trường” ở Trường Tiểu học Tây Mỗ 3 vào tháng 8/2024 hy vọng sẽ không lặp lại.

Là địa phương có quy mô học sinh lớn nhất Thủ đô, bà Phạm Thị Lệ Hằng - Trưởng phòng GD&ĐT quận Hà Đông thông tin, những năm qua đơn vị áp dụng linh hoạt quy định tuyển sinh đầu cấp; trong đó ưu tiên những học sinh ở địa bàn giáp ranh có thể học ở trường gần nhà (nếu còn chỉ tiêu) chứ không nhất thiết ở cùng một phường.

“Chúng tôi đã tiệm cận với phương thức phân bố tuyển sinh theo nơi ở gần nhất cho phụ huynh học sinh. Những hộ dân nơi giáp ranh, gần trường trên địa bàn phường khác sẽ được phân tuyến tuyển sinh học trường gần nhà. Dù vậy, biện pháp lâu dài vẫn là đầu tư đồng đều về chất lượng dạy và học cũng như cơ sở vật chất để học sinh không phải đi học trái tuyến, xa nhà”.

tuyen-sinh-tai-ha-noi-1.jpg
Nhiều năm nay, công tác tuyển sinh đầu cấp tại Hà Nội được triển khai theo hình thức trực tuyến và địa giới hành chính. Ảnh: Đình Tuệ

Lường trước tình huống

Theo kế hoạch, tuyển sinh đầu cấp của thành phố năm nay thực hiện từ ngày 1/7. Khi đó áp dụng mô hình chính quyền địa phương hai cấp xã và tỉnh, bỏ cấp huyện đồng nghĩa phòng GD&ĐT các quận/huyện/thị xã cũng hoàn thành sứ mệnh. Chia sẻ của bà Phan Thị Thu Hương - Trưởng phòng GD&ĐT thị xã Sơn Tây, công tác chỉ đạo, tập huấn, phân tuyến trong tuyển sinh từ 1/7 được thành phố duy trì liên tục.

Bày tỏ quan điểm đồng tình với chủ trương trên, ông Phạm Văn Ngát - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thanh Trì cho rằng, dù theo phương án nào thì mục tiêu cuối cùng vẫn là tạo điều kiện thuận lợi nhất cho học sinh và phụ huynh. Thời gian tới khi bỏ cấp huyện, việc phân tuyến tuyển sinh cũng được Sở GD&ĐT Hà Nội tập huấn đầy đủ tới các phòng GD&ĐT, nhà trường để triển khai theo đúng kế hoạch, không làm ảnh hưởng tới phụ huynh học sinh.

Với trường công lập, các quận huyện đã lên phương án duyệt kế hoạch tuyển sinh trên cơ sở điều tra dân số. Tuy nhiên, theo bà Lê Thị Thu Hường - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đô thị Sài Đồng, sau khi sắp xếp lại đơn vị hành chính sẽ có một số nơi học sinh được phân tuyến không phù hợp. Sở GD&ĐT đang có phương án cho học sinh đi học gần nhà, dựa trên vị trí nơi ở thông qua định vị GPS cũng là bước tiến tích cực.

Dưới góc nhìn chuyên gia, PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học quản lý giáo dục, Học viện Quản lý giáo dục nhấn mạnh, ngành Giáo dục Thủ đô còn nhiều vấn đề cần giải quyết, trong đó có giảm “sức nóng” của tuyển sinh đầu cấp hằng năm. Đồng thời, thành phố cần ưu tiên nguồn lực để nâng cao chất lượng đội ngũ, hệ thống cơ sở vật chất trường lớp, tránh tình trạng thiếu trường lớp như thời gian qua.

“Để giảm áp lực tuyển sinh đầu cấp cần nhiều giải pháp, trong đó sẽ phân tuyến tuyển sinh theo nơi ở thực tế của học sinh thay vì địa giới hành chính cũng là cách làm hay.

Tuy nhiên, để triển khai tốt chủ trương này, thành phố cần chuẩn bị kỹ lưỡng và xây dựng kế hoạch cụ thể, thống nhất phương pháp thực hiện để tạo điều kiện tối đa cho phụ huynh, học sinh. Về cơ bản, Hà Nội vẫn phải chú trọng bồi dưỡng đội ngũ và xây thêm trường lớp”, PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền trao đổi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ẩn sâu dưới vẻ đẹp siêu thực như tranh vẽ, dãy núi cầu vồng ở Trung Quốc là kết quả của hàng triệu năm va chạm địa chất và biến đổi khoáng chất.

Giải mã Dãy Núi Cầu Vồng

GD&TĐ -Tựa như một hộp bút chì màu khổng lồ, công viên núi Cầu Vồng tại Trung Quốc gây hấp dẫn với những màu sắc sặc sỡ, tuyệt đẹp.