Hình ảnh chú bé Lượm trong bài thơ “Lượm” của nhà thơ Tố Hữu đã dựng lên một bức tượng đài về chú bé liên lạc, một hình tượng đẹp và ngời sáng về tuổi trẻ dũng cảm trong văn học nói riêng và trong lòng nhân dân Việt Nam nói chung…
Sinh động, giàu sức gợi
Mở đầu bài thơ, nhà thơ Tố Hữu không đi vào kể lể hay mô tả về lai lịch, quê hương của nhân vật trữ tình mà đã đặt hình ảnh chú bé Lượm trong bối cảnh chiến tranh.
Đó là những ngày cách mạng bùng nổ ở Huế như để tạo tác một chú bé Lượm bước ra từ trong những ngày tháng cam go của đất nước, từ trong cái ác liệt của giặc thù: “Ngày Huế đổ máu/ Chú Hà Nội về/ Tình cờ chú cháu/ Gặp nhau hàng Bè.”
Từ đó, câu chuyện về Lượm, một cậu bé còn nhỏ tuổi làm liên lạc được kể một cách tự nhiên, sinh động và giàu sức gợi. Hình ảnh chú bé Lượm như con chim non được đặt trong sự đối lập với hoàn cảnh chiến tranh ác liệt.
Nhờ đó, câu chuyện về cậu bé liên lạc nhỏ tuổi mà dũng cảm được khơi dòng, gợi lên trong tâm hồn người đọc một ấn tượng ban đầu về một thiếu nhi hồn nhiên mà dũng cảm.
Vẻ đẹp riêng trong phẩm chất của Lượm cũng là vẻ đẹp của tuổi trẻ Việt Nam khi đất nước có chiến tranh. Những dòng thơ tự sự - trữ tình như kể tiếp về Lượm, về những bản tính vốn có của một đứa trẻ đang lớn lên giữa đạn bom, nhà thơ Tố Hữu là tạo tác một chân dung thiếu nhi với đầy đủ nét tính cách đáng yêu của trẻ thơ: “Chú bé loắt choắt/Cái xắc xinh xinh/Cái chân thoăn thoắt/Cái đầu nghênh nghênh”.
Nhà thơ Tố Hữu đã sử dụng thể thơ bốn chữ cùng với một loạt từ láy gợi hình như “loắt choắt, xinh xinh, thoăn thoắt, nghênh nghênh” để miêu tả Lượm. Nhờ đó, người đọc đặc biệt ấn tượng về một chú bé liên lạc với dáng hình nhỏ nhắn, tinh nghịch với bước đi nhanh nhẹn, thỉnh thoảng lại đá chân sáo trên đường, cái đầu nhỏ như nhìn ngó khắp nơi để khám phá cảnh vật trên đường đi.
Đặc biệt, tuy nhỏ nhưng chú bé Lượm đã đeo trên mình cái xắc, một vật dùng để đựng thư từ, giấy tờ. Đeo xắc bên mình, chú bé Lượm như vừa vui sướng, tự hào, vừa chững chạc và nhanh nhẹn: “Ca-nô đội lệch/ Mồm huýt sáo vang/ Như con chim chích/ Nhảy trên đường vàng…”.
Hình ảnh chiếc mũ ca - lô đội lệch bên đầu gợi lên vẻ nhí nhảnh, đáng yêu của Lượm.
Lượm bước đi trên đường liên lạc mà như đang chạy đi chơi cùng bè bạn trên đường làng, như đang huýt sáo líu lo để chơi đùa với những chú chim đang ríu rít trên cành. Không có một cử chỉ nào, dáng điệu nào thể hiện sự lo âu về những điều hiểm nguy rình rập trên đường, không có một chút do dự hay đắn đo trong mỗi bước đi. Đó là niềm vui chú bé Lượm và cũng là niềm vui của thế hệ thiếu nhi trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Khi đi làm liên lạc, một công việc cực kỳ nguy hiểm và đòi hỏi sự bí mật đến cao độ nhưng chú bé Lượm lại luôn bộc lộ vẻ hồn nhiên, vô tư đến lạ. Đó chính là nguyên nhân để nhà thơ Tố Hữu đi sâu vào những dòng suy nghĩ, dòng tâm tư cũng rất hồn nhiên mà chân thật của Lượm qua đoạn đối thoại: “Cháu đi liên lạc/ Vui lắm chú à/Ở đồng Mang Cá/Thích hơn ở nhà”.
Lời trò chuyện của Lượm như một lời kể đậm chất trẻ thơ về niềm vui của mình khi được đi làm liên lạc, góp sức mình cho kháng chiến. Những cụm từ: “Vui lắm chú à/ Thích hơn ở nhà” như dấy lên niềm vui tươi, hào hứng trong tâm trạng của Lượm khi tham gia làm liên lạc.
Niềm vui của Lượm hòa vào điệu cười dí dỏm và đôi má bồ quân căng mọng, hồng hào đã đủ để nói lên tinh thần tự nguyện, lòng quả cảm và niềm lạc quan của chú bé khi còn nhỏ tuổi đã dấn thân vào con đường đầy chông gai, nguy hiểm. Phẩm chất đó của Lượm chính là những điều đáng quý của tuổi thơ trong những ngày đất nước có chiến tranh.
Người chiến sĩ nhỏ tuổi dũng cảm
Trong cuộc sống hồn nhiên, hiếu động bao nhiêu thì trong công việc, Lượm lại nhanh nhẹn, dứt khoát và dũng cảm bấy nhiêu: “Một hôm nào đó/ Như bao hôm nào/Chú đồng chí nhỏ/Bỏ thư vào bao/ Vụt qua mặt trận/Đạn bay vèo vèo/Thư đề “Thượng khẩn/ Sợ chi hiểm nghèo”.
Chỉ cần một vài từ ngữ cũng đủ để đặc tả tư thế liên lạc đầy quả quyết và dứt khoát của chú bé Lượm.
Trong đạn bom ác liệt, Lượm vẫn thực hiện công việc đều đều của mình “Như bao hôm nào/ Bỏ thư vào bao”, vẫn bước đi “nhấp nhô” giữa cánh đồng mà không sợ đến hiểm nguy đang rình rập.
Nếu ở những đoạn thơ đầu, ý thơ nghiêng về miêu tả vẻ hồn nhiên, trong trẻo và niềm vui của chú bé Lượm khi tham liên lạc thì ở những đoạn thơ sau, ý thơ dựng lên chân dung một chiến sĩ nhỏ tuổi làm liên lạc đầy dũng cảm, với niềm tin và ý chí đầy quyết tâm. Đó là phẩm chất vô cùng đáng quý ở một con người nhỏ tuổi, giàu lòng yêu nước và tinh thần chiến đấu trước bom đạn kẻ thù.
Viết về chú bé Lượm, về tuổi thơ yêu nước trong những ngày đất nước bị kẻ thù xâm lược, nhà thơ Tố Hữu không hề né tránh sự hy sinh, mất mát, đau thương khi ý thơ như ngưng lại để nói về sự hy sinh anh dũng của Lượm: “Bỗng lòe chớp đỏ/ Thôi rồi, Lượm ơi!/ Chú đồng chí nhỏ/ Một dòng máu tươi”.
Cái chết đến với Lượm quá bất ngờ khi chú bé đang trên đường đi làm liên lạc. Chỉ vài câu thơ, vài hình ảnh và câu từ, nhà thơ Tố Hữu đã bật lên tiếng khóc đau thương về sự ra đi đột ngột của Lượm chỉ trong một khoảnh khắc của đạn thù.
Dòng máu tươi trên cánh đồng lúa đang trổ đòng vừa là hiện thực sinh động minh chứng cho tội ác của kẻ thù, vừa ngời lên sự hy sinh anh dũng của một chú bé liên lạc nhỏ tuổi. Đó là chứng tích đau thương của tuổi thơ nói riêng và của con người Việt Nam nói chung trong những năm tháng đau thương của dân tộc.
Lượm nằm xuống giữa cánh đồng lúa bát ngát, đôi tay như vẫn đang nắm chặt lấy sự sống, linh hồn như hòa vào vị thơm của hương lúa đang trào dâng giữa đồng: “Cháu nằm trên lúa/Tay nắm chặt bông/Lúa thơm mùi sữa/ Hồn bay giữa đồng”.
Cánh đồng, hương lúa như vòng tay quê hương đang chở che, dang rộng để đón Lượm trở về với đất mẹ thân yêu. Để rồi, trong hương lúa nồng nàn, cánh đồng quê như cất lên lời ru Lượm giấc ngủ vĩnh hằng.
Câu hỏi: “Lượm ơi, còn không?” xoáy sâu vào tâm hồn người đọc, vang lên như hòa lời vào gió, vào hương lúa, vào cánh đồng và cất tiếng gọi thân thương, trìu mến từ trong sâu thẳm tâm hồn tác giả. Tình đồng chí hòa vào tình chú cháu gần gũi, thân mật mà nặng tình dân tộc. Tiếng gọi như thổn thức, như vỗ về đầy xót đau và tự hào trước sự hy sinh của Lượm.
Ý thơ ngân vang mãi trong lòng người đọc. Sau những lời thơ chất chứa những đau thương về sự hy sinh của một con người trẻ tuổi mà dũng cảm, người đọc được lại một chú bé Lượm bằng da, bằng thịt như đang tung tăng, bay nhảy giữa đường làng với bao vẻ hồn nhiên, tinh nghịch và đáng cảm phục: “Ca-nô đội lệch/Mồm huýt sáo vang/Như con chim chích/Nhảy trên đường vàng…”. Đó là cách để nhà thơ Tố Hữu bất tử hình tượng chú bé Lượm trong lòng người đọc.
Cho dù Lượm đã hy sinh nhưng chú bé trở nên bất tử trong tâm hồn dân tộc, trở thành tượng đài bi tráng sáng mãi về tinh thần yêu nước, lòng quả cảm của tuổi trẻ Việt Nam trong những năm tháng đất nước có chiến tranh. Hình tượng Lượm đã góp phần làm tỏa sáng bức tượng đài về tuổi thơ yêu nước với những tấm gương sáng ngời như Trần Quốc Toản, Lý Tự Trọng, Kim Đồng, Vừ A Dính…
Hình tượng chú bé Lượm trong bài thơ là biểu tượng cho ý chí, khát vọng, tinh thần chiến đấu quả cảm và sự hy sinh anh dũng của thế hệ trẻ Việt Nam không chỉ trong giai đoạn đất nước có chiến tranh mà có sức lan tỏa cho đến hôm nay và mai sau.