Lục Yên (Yên Bái): Rước họa vì cúng giải hạn… hàn long mạch

GD&TĐ -Con đi làm ăn xa, không liên lạc được, nghe “thầy phán” là “động long mạch” nên phải cúng. Có trường hợp “thầy” nói: “có hạn lớn” cần phải “giải”. Thế là kéo nhau đi mời “thầy” về cúng. Không ít người ở huyện vùng cao Lục Yên (Yên Bái) đã phải dồn tiền để “giải hạn”, song “tiền mất” mà “tật” thì vẫn mang.

Công an xã Tân Phượng tuyên truyền, vận động nhân dân không mê tín, dị đoan.
Công an xã Tân Phượng tuyên truyền, vận động nhân dân không mê tín, dị đoan.

“Bói ra” là cúng

Tân Phượng là xã xa nhất của huyện Lục Yên, có trên 90% đồng bào Dao đỏ sinh sống. Ngày nay, đời sống của người dân đã khá hơn xưa nhiều, thu nhập bình quân đạt trên 30 triệu đồng/người/năm.

Xã này phấn đấu đến năm 2025 phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới. Thế nhưng, đằng sau những tán rừng xanh mướt, dưới nếp nhà sàn kia còn tồn tại những hủ tục cần phải xóa bỏ. Đáng phải kể đến là tục cúng tế cứu người.

Vợ chồng anh Triệu Tài Hương, ở thôn Khe Pháo cách trung tâm xã chưa đầy 2km. Hai vợ chồng anh chị có người con trai đi làm ăn xa từ đầu tháng 3 năm nay. Đã hơn 2 tháng nhưng gia đình không liên lạc được.

Lo lắng cho con và nghe người quen giới thiệu, anh Hương lên Lào Cai tìm “thầy” xem bói. “Thầy” phán “long mạch” nhà anh có vấn đề, cần phải làm lễ cúng thì con trai mới trở về.

Anh Hương tin tưởng mời “thầy” về làm lễ cúng “hàn long mạch” và “gọi vía con trai”. Gia đình khó khăn, nay lại mất cả chục triệu đồng cho lễ cúng. Riêng tiền mặt đưa cho “thầy” là 5 triệu đồng. Sau hơn một tháng làm lễ cúng, người con trai vẫn “biệt vô âm tín”. Anh Hương và gia đình chỉ biết trông chờ vào may mắn.

Anh Hương chia sẻ: “Đi xem bói thì thấy thầy phán như vậy, gia đình cũng thấy lo lắng. Mình nghĩ nếu không làm theo lời thầy bói nói, sau này chẳng may có chuyện gì xảy ra thì sẽ hối hận. Thực hiện cúng xong mình mới nghĩ: Chẳng lẽ bà thầy cúng đó lừa mình? Mà nếu có lừa thì nhiều nhà bị chứ có riêng mình đâu?”.

“Cúng thì cứ cúng thôi, chứ còn có đạt được những gì mình mong muốn không thì không thể biết được. Ngay cả thầy cúng cũng nói như vậy.” chị Bàn Thị Nái vợ anh Hương cho biết thêm.

Cách nhà anh Hương khoảng 300m là nhà ông Bàn Văn Lâm. Ông Lâm có người con trai út vừa bỏ nhà đi làm ăn xa được hơn 1 tháng mà không liên lạc với gia đình.

Khi đi xem lễ cúng ở nhà anh Hương, vợ ông Lâm nhờ “thầy” gieo quẻ và được phán rằng: Con trai của vợ chồng ông đang gặp hạn lớn. Có thể bị tai nạn trong thời gian tới và mất mạng. Vì thế, cần phải làm lễ cúng mới giải hạn được.

Mặc dù là người không tin vào những chuyện nhảm nhí nhưng vì nghĩ đến lời phán của thầy bói, lo lắng cho con đến mất ăn mất ngủ nên ông Lâm vẫn quyết định nhờ “thầy” làm lễ. Giá cúng cho cái lễ này là 3 triệu đồng tiền công. Vừa đi viện chữa bệnh về, trong nhà không còn tiền, ông Lâm phải vay mượn của người con trai cả để thực hiện lễ cúng.

“Bố mẹ nào cũng lo lắng cho con cái, khi nghe thấy những lời như vậy thì tôi thấy hoang mang lắm. Không tin nhưng bói ra thì phải thực hiện cúng thôi”, ông Lâm bộc bạch.

Có biểu hiện biến tướng, trục lợi

Người dân Tân Phượng thực hiện lễ cúng được cho rằng không phù hợp phong tục, tín ngưỡng.

Người dân Tân Phượng thực hiện lễ cúng được cho rằng không phù hợp phong tục, tín ngưỡng.

Trong khi chúng tôi đi thực tế để tìm hiểu vấn đề này ở xã vùng cao Tân Phương thì ngay tại thôn Khe Pháo cũng có một gia đình đang chuẩn bị tổ chức lễ cúng với mục đích chữa bệnh, giải hạn. “Thầy cúng” vẫn là người thực hiện 2 lễ cúng trước trên địa bàn và mức giá được yêu cầu là 3,5 triệu đồng.

Anh Phùng Văn Hạnh - Trưởng công an xã Tân Phượng cho biết: “Nắm bắt thông tin, Công an xã đã tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân. Đồng thời, lực lượng chức năng sẽ theo dõi chặt chẽ tình hình, sẽ xử lý nghiêm hành vi mê tín dị đoạn, lừa đảo để trục lợi cá nhân.”

Một điểm chung cho những lễ cúng này là, trước khi đề nghị gia đình tổ chức lễ cúng, “thầy” xem bói và nói những vận hạn, xui xẻo mà gia đình sẽ gặp phải. Do đó cần phải tổ chức lễ cúng và được ra giá cụ thể cho từng lễ cúng. Mục đích của lễ cúng cũng không phải cầu an, cầu may mắn mà là: “Giải hạn”, “chữa bệnh”, “hàn long mạch”...

Ông Triệu Kim Thanh - Người uy tín trong cộng đồng xã Tân Phượng chia sẻ: Trực tiếp xem, theo dõi các buổi cúng vừa qua trên địa bàn, ông nhận thấy một số điểm không phù hợp với phong tục, tín ngưỡng của đồng bào nơi đây. Đó là từ việc chuẩn bị các đồ lễ cúng cũng có sự khác biệt.

Việc “thầy” vừa xem bói, đồng thời là người trực tiếp làm lễ cúng là không phù hợp. Còn về việc đưa ra giá cho mỗi buổi cúng đó, thầy cúng phải xin âm dương là không đúng. Ông cho rằng không có thần, thánh nào quyết định điều đó. Người thầy cúng thực hiện phải từ cái tâm của mình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ