Luật Thủ đô được Quốc hội thông qua

Luật Thủ đô được Quốc hội thông qua

Luật Thủ đô sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2013 với 4 chương, 27 điều quy định rõ vị trí, vai trò, chính sách, trách nhiệm xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô đã được Quốc hội thông qua vào chiều qua (21/11) với sự tán thành của hơn 75% đại biểu.

Không phải là Hồ Gươm, Chùa Một Cột hay Cột cờ Hà Nội mà Khuê Văn Các tại Văn Miếu Quốc Tử Giám đã được đại đa số các đại biểu nhất trí tán thành chọn là biểu tượng của Thủ đô.

Khuê Văn Các
Khuê Văn Các tại  Văn Miếu Quốc Tử Giám nơi tập trung của mọi tinh hoa đất trời, biểu tượng cho tinh thần hiếu học của người dân Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung (ảnh/internet)

Liên quan đến vấn đề quản lý dân cư Luật Thủ đô quy định việc đăng ký thường trú vào ngoại thành cơ bản giữ nguyên điều kiện đăng ký như quy định của Luật cư trú. Còn những trường hợp đăng ký vào nội thành sẽ được áp dụng đối với các trường hợp được điều động, tuyển dụng đến làm việc tại cơ quan, tổ chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước, làm việc theo hợp đồng làm việc, hợp đồng lao động không xác định thời hạn, về ở cùng với người thân hoặc trước đây đã từng có hộ khẩu trong nội thành...
 
Với những trường hợp khác muốn đăng ký thường trú ở nội thành, phải có điều kiện tạm trú liên tục tại nội thành từ 3 năm trở lên, có nhà ở thuộc sở hữu của mình hoặc nhà thuê ở nội thành của tổ chức, cá nhân có đăng ký kinh doanh nhà ở, bảo đảm điều kiện về diện tích bình quân theo quy định của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội và được sự đồng ý bằng văn bản cho đăng ký thường trú vào nhà thuê của tổ chức, cá nhân có nhà cho thuê.

Một điểm đáng chú ý đó là, Thủ đô được sử dụng các khoản thu ngân sách trung ương vượt dự toán, trừ các khoản sau: khoản thu thuế giá trị gia tăng hàng nhập khẩu; khoản chênh lệch thu, chi của Ngân hàng Nhà nước; khoản thu không giao Thủ đô quản lý thu, không phát sinh trên địa bàn Thủ đô nhưng hạch toán nộp ở Thủ đô.

Luật Thủ đô cũng cho phép Hội đồng nhân dân Hà Nội quy định mức tiền phạt cao hơn không quá 2 lần đối với một số hành vi vi phạm hành chính chỉ trong ba lĩnh vực văn hóa, đất đai và xây dựng.

Ngoài ra, một số điều về cơ chế tài chính, Vùng Thủ đô; quy hoạch xây dựng phát triển Thủ đô; quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan và xây dựng đô thị, vấn đề bảo tồn phát triển văn hóa, quản lý đất đai, phát triển khoa học công nghệ, phát triển giao thông vận tải…. cũng được quy định cụ thể trong Luật Thủ đô.

Đức Trí (tổng hợp)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ