Luật Thủ đô chưa được Quốc hội thông qua

Luật Thủ đô chưa được Quốc hội thông qua

(GD&TĐ) - Trong buổi họp phiên bế mạc Kỳ họp thứ 9, QH khóa XII, chiều nay 29/3 các ĐB làm việc tại Hội trường, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu và Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên các ĐB đã biểu quyết thông qua 3 dự án Luật:  Luật phòng, chống mua bán người; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật Tố tụng dân sự và Luật Kiểm toán độc lập. Riêng về dự án Luật Thủ đô đa số ĐB đã biểu quyết không tán thành thông qua.

Bộ Tài chính chịu trách nhiệm quản lý Nhà nước đối với kiểm toán độc lập

Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên, chiều nay, QH đã thông qua toàn bộ nội dung của Dự án Luật Kiểm toán độc lập với VIII Chương, 64 Điều với tỷ lệ tán thành đạt 87,22%.

Theo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật kiểm toán độc lập do ông Hà Văn Hiền, Chủ nhiệm Ủy Ban Kinh tế của QH trình bày, qua thảo luận ở tổ, lẫn ở Hội trường về dự án Luật này, về cơ bản các ý kiến ĐB QH đều nhất trí với những nội dung được nêu trong Báo cáo của Ủy ban Thường vụ QH.

Về những vấn đề còn có ý kiến khác nhau, liên quan đến nội dung quản lý nhà nước đối với kiểm toán độc lập, ông Hiền cho biết, có ý kiến đề nghị nên giao trách nhiệm Cấp giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán và Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán cho Sở Tài chính, không nên tập trung tại Bộ Tài chính.

Về vấn đề này, theo ông Hiền, UBTVQH nhận thấy hoạt động của doanh nghiệp kiểm toán thường không gắn với một địa phương cụ thể mà trên phạm vi toàn quốc. Mặt khác, đây là ngành nghề đòi hỏi chuyên môn sâu, phải cập nhật kiến thức hàng năm và được kiểm tra, giám sát bởi cơ quan có năng lực chuyên môm và đủ thẩm quyền. Kinh nghiệm hầu hết các quốc gia cho thấy, việc cấp phép hành nghề kiểm toán đều tập trung ở cơ quan chuyên môm cấp quốc gia chứ không đặt tại địa phương. Vì vậy, việc giao cho Bộ Tài chính, với tư cách là cơ quan quản lý Nhà nước có đội ngũ cán bộ chuyên môn sâu, thẩm quyền quản lý trên toàn quốc, chịu trách nhiệm cấp các loại giấy chứng nhận nêu trên là phù hợp. Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng là cơ quan chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát hoạt động của Tổ chức nghề nghiệp về kiểm toán.

Về điều kiện đăng ký hành nghề kiểm toán của kiểm toán viên hành nghề, ông Hiền cho biết, qua thăm dò ý kiến ĐB có đến 74,1% ĐB đề nghị không nên quy định bắt buộc kiểm toán viên hành nghề phải là Hội viên của Tổ chức nghề nghiệp về kiểm toán. Vì vậy, quy định này được điều chỉnh theo hướng đó.

Liên quan đến doanh nghiệp kiểm toán, ông Hiền giải trình, có ý kiến để nghị không nên cho phép tổ chức được góp vốn thành lập doanh nghiệp TNHH kiểm toán vì các doanh nghiệp này nếu thực hiện kiểm toán các đơn vị có liên quan sẽ không đảm bảo minh bạch.

Tại dự thảo trình UBTVQH thông qua lần này, ông Hiền cho biết vẫn để 2 phương án: Phương án 1, cho phép tổ chức được góp vốn thành lập doanh nghiệp TNHH kiểm toán với mức vốn theo quy định của Chính phủ; Phương án 2, không cho phép tổ chức được góp vốn thành lập doanh nghiệp TNHH kiểm toán.

Biểu quyết về nội dung này, tại Hội trường, các ĐB nhất trí với phương án 1.  

Liên quan quy định nội dung không được ngoại trừ trong báo cáo kiểm toán, sau khi lấy ý kiến ĐB, theo ông Hiền, UBTVQH thống nhất với phần đông ý kiến 61,8% là quy định giao cho Bộ Tài chính có trách nhiệm quy định nội dung không được ngoại trừ trong báo cáo kiểm toán báo cáo tài chính.

Luật kiểm toán độc lập có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2012.

Luật Thủ đô chưa được Quốc hội thông qua ảnh 1

Viện kiểm sát được tham dự ở tất cả các phiên tòa

Với 89,86% tỷ lệ ĐB tán thành, chiều nay QH đã thông qua toàn văn dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng dân sự.

Giải trình trước QH về nội dung còn có ý kiến khác nhau của Luật này, liên quan đến quy định về việc kiểm soát việc tuân thủ theo pháp luật trong tố tụng dân sự (khoản 2, Điều 1),có ý kiến đề nghị quy định Viện kiểm sát chỉ tham gia phiên tòa đối với một số vụ việc nhằm bảo vệ đượng sự yếu thếm bảo vệ tài sản công, tài sản Nhà nước, các vụ án dân sự do Tòa án thu thập chứng cứ mà đương sự khiếu nại; có ý kiến đề nghị quy định Viện kiểm sát tham gia tất cả các phiên tòa để thực hiện chức năng kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự chứ không phải chỉ tham gia phiên tòa, phiên họp “ khi xét thấy cần thiết” để tránh tùy tiện; có ý kiến đề nghị giữ nguyên quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát như Bộ luật tố tụng dân sự hiện hành, theo bà Lê Thị Thu Ba, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH , UBTVQH cho rằng, trong điều kiện thực tiễn của Việt Nam, khi trình độ dân trí còn hạn chế, người dân còn gặp khó khăn trong việc chứng minh để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình trước tòa án, khi có tranh chấp nhiều người dân chưa có điều kiện mời luật sư bảo vệ quyền lợi của mình và đội ngũ luật sư hiện nay cũng chưa đáp ứng được yêu cầu tham gia tất cả các phiên tòa thì phải cần sửa đổi quy định này để Viện kiểm sát được tham gia các phiên tòa dân sự, qua đó thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình.

Cũng theo bà Ba, qua lấy ý kiến ĐB, có 59,95% số ĐB đồng ý với phương án này, do vậy UBTVQH đã chỉ đạo, chỉnh lý theo hướng Viện kiểm sát nhân dân kiểm sát việc tuân thủ theo pháp luật trong tố tụng dân sự, và được tham gia các phiên họp sơ thẩm đối với các việc dân sự, tất cả các phiên tòa…

Liên quan đến thẩm quyền của Tòa án đối với quyết định của cơ quanm, tổ chức ( khoản 8, Điều 1), bà Ba giải trình, qua lấy ý kiến, có 69,3% ĐB tán thành với việc khi giải quyết các vụ việc dân sự, Tòa án có quyền hủy các quyết định cá biệt rõ ràng trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền của cơ quan, tổ chức đó xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trong vụ việc dân sự mà Tòa án có nhiệm vụ giải quyết…

Liên quan đến thời hiệu giải quyết vụ việc dân sự, khoản 22, Điều 1, có ý kiến đề nghị xem lại quy định về thời hiệu khởi kiện đối với tranh chấp phát sinh từ hệ hệ sở hữu tài sản là quá rộng.

Theo bà Ba giải trình, tiếp thu ý kiến ĐB, UBTVQH đã chỉnh lý lại quy định này theo hướng: Thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự được thực hiện theo quy định của pháp luật. Trường hợp pháp luật không có quy định thì tại mục a và b của khoản này đã quy định cụ thể.

Vê cơ chế kiến nghị và xem xét lại quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao ở các khoản 51, 52 của Điều 1. Liên quan đến quy định này, có ý kiến đề nghị không quy định cơ chế đặc biệt, theo bà Ba, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân trong khi ở nước ta chưa có Tòa bảo hiến hay Tòa án hiến pháp thì việc sửa đổi Bộ Luật tố tụng dân sự lần này quy định một cơ chế đặc biệt để Hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao được tự mình xem xét lại quyết định giám đốc thẩm có sai lầm nghiêm trọng là hợp lý.

Luật phòng, chống mua bán người

Với 91,28% tỷ lệ ĐB tán thành, chiều nay QH đã thông qua toàn bộ nội dung của Dự án Luật phòng, chống mua bán người gồm VIII Chương, 58 Điều.

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý trước QH về dự thảo Luật phòng, chống mua bán người, theo bà Lê Thị Thu Ba, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH, hầu hết các ý kiến ĐB phát biểu tại tổ hay tại Hội trường đều thống nhất cao về các nội dung của dự án luật.

Về những vấn đề còn ý kiến khác nhau, trước một số ý kiến đề nghị bổ sung thêm một số nội dung bị nghiêm cấm vào Điều 3 của Luật, trong đó có đề nghị bổ sung hành vi bị nghiêm cấm đối với cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trong hỗ trợ nạn nhân nhưng không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm của mình, theo bà Ba, UBTVQH cho rằng, dự thảo đã quy định “ nghiêm cấm hành vi khác vi phạm các quy định của luật này” là bao gồm cả các hành vi trên, do vậy đề nghị không bổ sung thêm hành vi cấm nêu trên vào luật.

Về những cụm từ “ tuyển mộ”, có ý kiến đề nghị cân nhắc và cho rằng khái niệm tuyển mộ trong từ điển khá rộng trong khi việc tuyển mộ quy định trong luật này phải là hành vi lén lút để tuyển mộ người, theo bà Mai, UBTVQH nhận thấy, cụm từ “tuyển mộ” trong luật này được hiểu thống nhất với khái niệm tuyển mộ được giải thích trong từ điển tiếng Việt. Tuy nhiên hành vi tuyển mộ quy định tại khoản 3 Điều này còn phải gắn liền với những mục đích đặc trưng của việc mua bán người như tuyển mộ để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động….

Về ý kiến đề nghị bổ sung hành vi “đẻ thuê” vào Điều này, theo bà Ba, UBTVQH cho rằng hành vi đẻ thuê là hiện tượng mới phát sinh trong đời sống xã hội, các cơ quan chức năng đang nghiên cứu, xác định bản chất về mặt pháp lý của hành vi, do đó, đề nghị trước mắt chưa quy định vào nội dung này.

Liên quan đến một số điều như: quyền và nghĩa vụ của nạn nhân, Điều 6; về công tác phòng ngừa mua bán người ( chương II), về xử lú vi phạm ( Điều 23); về tiếp nhận và xác minh nạn nhân bị mua bán người trong nước; về giấy tờ, tài liệu chứng minh nạn nhân ( Điều 28)tại dự thảo lần này không có chỉnh lý thêm.

Theo bà Ba, UBTVQH nhận thấy, Cơ sở bảo trợ xã hội do Nhà nước thành lập hay Cơ sở bỗ trợ nạn nhân do tổ chức, cá nhân thành lâpj không sử dụng ngân sách nhà nước thì đều thực hiện nhiệm vụ chung tại khoản 1 Điều 40, nên cơ bản đảm bảo yêu cầu. Vì vậy, đề nghị cho giữ như dự thảo luật.

Tuy nhiên, theo bà Mai, trước ý kiến đề nghị cần bổ sung trách nhiệm của các Cơ sở hỗ trợ nạn nhân này trong việc phối hợp với cơ quan Công an xác minh nạn nhân, tiếp thu ý kiến ĐB, dự thảo Luật đã bổ sung điểm g khoản 1 vào Điều 40.

Đối với quy định hỗ trợ nạn nhân ( Chương V), có ý kiến đề nghị quy định trách nhiệm hỗ trợ nạn nhân của Cơ sở bảo trợ xã hội và cơ sở hỗ trợ nạn nhân phải như nhau và cho rằng, nếu quy định như Điều 40 của dự thảo luật thì nạn nhân được đưa vào Cơ sở bảo trợ xã hội có thể đoợc hỗ trợ khác với nạn nhận được đưa vào Cơ sở hỗ trợ nạn nhân…

Luật phòng, chống mua bán người có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2012.

Chưa thông qua Luật thủ đô

Dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu, QH đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự án Luật thủ đô.

Dự thảo Luật Thủ đô có IV và 32 điều khoản thi hành.

Về một số vấn đề cụ thể của dự án Luật, tại Báo cáo Giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự án Luật Thủ đô, theo ông Nguyễn Văn Thuận, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH, theo đó UBTVQH tán thành với nhiều ý kiến của ĐB QH cho rằng không cần thiết phải quy định mục tiêu xây dựng và phát triển thủ đô, những vấn đề này đã được quy định trong Nghị quyết của Đại hội Đảng, trong dự án Luật chỉ quy định các cơ chế, chính sách đặc thù để thực hiện mục tiêu đó.

Liên quan đến nhiệm vụ xây dựng, phát triển và bảo vệ thủ đô Điều 4, tiếp thu ý kiến ĐB, UBTVQH đã chỉnh lý theo hướng “ xây dựng, phát triển bảo vệ thủ đô là nhiệm vụ thường xuyên, trực tiếp của các cấp chính quyền thành phố Hà Nội, là quyền và nghĩa vụ của mỗi người thủ đô, là trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và nhân dân cả nước”.

Về danh dự vinh dự công dân thủ đô, có ý kiến đề nghị chỉ nên tặng thưởng danh hiệu này cho người nước ngoài có công lao đóng góp trong xây dựng, phát triển thủ đô. UBTVQH đã bỏ quy định tặng thưởng danh hiệu vinh dự này cho những người là cgông dân Việt Nam và cho rằng công dân Việt Nam khi có công lao đóng góp trong xây dựng, phát triển Thủ đô thì đã được khen thưởng theo quy định chung của pháp luật.

Về quy hoạch Thủ đô Điều 10. Theo giải trình của UBTVQH, việc lập và phê duyệt quy hoạch thành phố Hà Nội cũng như các tỉnh, thành phố khác đều được quy định cụ thể trong Luật quy hoạch đô thị. Trong luật đô chỉ quy định một số điểm đặc thù về quy hoạch chung của Thủ đô. Đối với quy hoạch ngành, theo UBTVQH được chỉnh lý theo hướng quy hoạch ngành liên quan đến Thủ đô phải được xây dựng phù hợp với quy hoạch chung Thủ đô và phải lấy ý kiến của UBND thành phố Hà Nội; với việc quy hoạch các bệnh viện trong nội đô, UBTVQH tán thành với đề nghị cần thiết có quy định cấm mở rộng diện tích sử dụng đất, tăng quy mô giường bệnh của các bệnh viện trong nội thành.

Về quản lý quy hoạch, UBTVQH cũng tán thành với nhiều ý kiến đề nghị quy định quy định rõ trong Luật về trách nhiệm của các cơ quan hữu quan xây dựng lộ trình và ban hành chính sách hỗ trợ về tài chính, đất đai để di dời một số cơ sở ra khỏi nội thành. Những quy định khác, giữ nguyên như dự thảo luật.

Liên quan đến cơ chế, chính sách, phát huy, sử dụng có hiệu quả nguồn lực tài chính và quản lý đất đai (điều 22), UBTVQH tán thành là Luật này chỉ quy định những điểm đặc thhù áp dụng đối với Thủ đô Hà Nội là dành toàn bộ phần ngân sách thu vượt kế hoạch để lại cho Hà Nội để đầu tư xây dựng, phát triển Hà Nội.

Về những vấn đề khác như: phát triển kinh tế thủ đô (điều 13), quản lý giao thông vận tải (điều 20), về vấn đề quản lý dân cư (điều 21) và một số điều khác tại dự thảo lần này không có thay đổi.

Tuy nhiên khi biểu quyết toàn văn dự án Luật, chỉ có 35,9% ĐB biểu quyết tán thành thông qua Luật Thủ đô.

Như vậy, Luật Thủ đô không được QH thông qua tại Kỳ họp này.

Nam Khánh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ