Luật chống tin giả của Singapore có hiệu lực

GD&TĐ - Công báo của chính phủ Singapore ngày 2/10 đã công bố Luật Bảo vệ khỏi sự giả mạo và thao túng trực tuyến (POFMA), bao gồm luật chống tin giả và các luật phụ liên quan.  Chính phủ Singapore khẳng định, luật này nhằm bảo vệ lợi ích công chúng và sự ổn định, thống nhất trong xã hội. 

Các cá nhân gieo rắc tin giả có thể bị truy tố và phạt tiền
Các cá nhân gieo rắc tin giả có thể bị truy tố và phạt tiền

Hình phạt nghiêm khắc

POFMA được thông qua từ ngày 8/5 sau các cuộc điều trần công khai trong Quốc hội từ năm ngoái. Luật quy định, việc phát tán các tuyên bố, dữ kiện sai sự thật là bất hợp pháp trong các trường hợp thông tin được coi là “định kiến” với an ninh, an toàn công cộng, sự yên tĩnh công cộng hoặc mối quan hệ thân thiết của Singapore với các nước khác, cùng nhiều trường hợp khác nữa. Luật định nghĩa một thông tin là giả mạo nếu nó là bịa đặt hoặc gây hiểu lầm, dù là một phần hay toàn phần, dù là tự thân thông tin đó hay trong bối cảnh mà nó xuất hiện.

Luật cho phép truy tố các cá nhân gieo rắc tin giả và phạt những người này tới 50.000 dollar Singapore (hơn 36.000 USD) và/hoặc tới 5 năm tù giam. Nếu tin giả được đăng qua một tài khoản trực tuyến giả hoặc do người máy kiểm soát, tổng hình phạt với công ty công nghệ có thể lên tới 100.000 SGD (73.000 USD) và tới 10 năm tù giam.

Còn các công ty bị kết tội gieo rắc tin giả sẽ đối mặt với hình phạt cao nhất tới 1 triệu SGD (khoảng 735.000 USD).

Các bộ trưởng chính phủ được quyền quyết định liệu có ra lệnh cho một thông tin được coi là giả phải hạ xuống, hay là phải đính chính và đăng kèm tin giả. Tuy nhiên, bộ trưởng sẽ phải giải thích lý do của quyết định đó, chứ không phải chỉ đơn giản ra lệnh là xong.

Các bộ trưởng cũng có thể yêu cầu các công ty công nghệ như Facebook hay Google ngăn chặn các tài khoản, trang web gieo rắc tin giả. Cả hai công ty này đều có những phản đối rất mạnh mẽ trong quá trình dự luật chống tin giả được xem xét ở Quốc hội Singapore. Tuy nhiên, theo tờ Straits Times, các công ty này được tạm thời miễn áp dụng một số điều khoản để có thời gian thích ứng với luật mới.

Ủng hộ và phản đối

Chính phủ Singapore cho rằng luật mới sẽ giúp xã hội được bảo vệ trước những kẻ tung tin độc hại, cố tình truyền bá tin giả và hành động ngược lại lợi ích công cộng. Chính phủ nhấn mạnh, luật nhằm vào thông tin giả, chứ không phải các ý kiến đối lập hay sự chỉ trích, châm biếm hay giễu nhại.

Nhiều nhà lập pháp cũng bày tỏ lo ngại rằng, xã hội Singapore, vốn nhỏ bé, đa sắc tộc, đa tôn giáo, rất dễ bị tổn thương trước những nội dung gây hiểu lầm được tung lên mạng. Bộ trưởng Nội vụ và Luật pháp Shanmugam nói, luật sẽ trao cho Chính phủ công cụ để xử lý tin giả trên

Internet, những thứ có thể lan truyền nhanh chóng chỉ trong vài phút và gây tổn hại không thể tính hết cho xã hội.

Tất nhiên không hiếm những người chỉ trích luật. Họ cho rằng luật sẽ bị sử dụng để ngăn chặn tự do ngôn luận, ngay cả khi các quyết định phát sinh từ đó được đưa ra tòa án và tư pháp xem xét. Họ cho rằng một bộ trưởng có thể phá vỡ quy trình kháng cáo bằng cách không nhất quán khi ra quyết định, bởi một người phải kháng nghị lên bộ trưởng trước khi lên tòa, hơn nữa chi phí khởi kiện có thể rất đắt đỏ.

Song Bộ trưởng Nội vụ và Luật pháp K. Shanmugam hứa rằng quá trình kháng cáo rất nhanh và không hết nhiều chi phí với cá nhân. Theo luật, phí tòa trong 3 ngày đầu kháng cáo sẽ được miễn, và việc kháng cáo có thể được đưa lên Tòa Tối cao trong vòng 9 ngày từ khi có một khiếu nại gửi lên bộ trưởng.

Sau khi luật được thông qua tháng 5/2019, Google nói rằng luật sẽ “làm tổn hại đến sự đổi mới và tăng trưởng của hệ sinh thái thông tin số”. Một nhóm khoảng 100 học giả trên thế giới cũng bày tỏ sự lo ngại về luật và hồi đầu năm cảnh báo rằng luật này có thể ảnh hưởng đến tự do học thuật.

Nhưng Singapore vẫn đẩy mạnh việc thông qua luật chống tin giả. Phát biểu khi Quốc hội Singapore xem xét luật, Thủ tướng Lý Hiển Long nói: “Nếu chúng ta không tự bảo vệ mình, các thế lực thù địch sẽ rất dễ dàng biến các nhóm khác nhau chống lại nhau hoặc gây mất trật tự trong xã hội”.

Các nước đồng loạt chống tin giả

Hàng loạt quốc gia gần đây đã đưa ra các quy định để ngăn chặn gieo giắc tin giả hoặc các nội dung cực đoan trên mạng. Tháng Tư vừa qua, Australia đã đưa ra luật mới sau khi xảy ra vụ thảm sát trong nhà thờ ở Christchurch của New Zealand và kẻ thủ ác đã livestream gần như cả quá trình gây án. Theo luật của Australia, các công ty Internet như Facebook hay Google bị buộc phải xóa các nội dung bạo lực hoặc chịu phạt thật nặng và có thể cả ngồi tù.

Nhưng luật chống tin giả đã được thực thi ở nhiều nước. Đức thông qua Luật Cải thiện hành pháp trên mạng xã hội từ tháng 6/2017, cho chính phủ quyền phạt các công ty truyền thông khổng lồ tới 50 triệu euro nếu họ không rút đi những nội dung bất hợp pháp trong vòng 24 giờ sau khi nhận khiếu nại. Với những nội dung cần được đánh giá kỹ hơn, các công ty phải có hành động phong tỏa thông tin đó trong vòng 7 ngày, nếu không sẽ bị phạt.

Tại Pháp, tháng 10/2018, hai luật đã được thông qua để kiềm chế tin giả trong các chiến dịch bầu cử. Các luật này cho phép ứng cử viên hoặc đảng chính trị xin lệnh của tòa để ngăn chặn việc xuất bản các thông tin giả trong 3 tháng trước bầu cử quốc gia. Cơ quan phát thanh của Pháp cũng có quyền rút sóng bất kỳ kênh nào “bị kiểm soát hoặc chịu ảnh hưởng của một thế lực nước ngoài” nếu kênh đó cố tình gieo rắc tin giả để tác động đến tính thống nhất của bầu cử.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ