Luật Bảo hiểm y tế mới: Nhiều khúc mắc nảy sinh

Luật Bảo hiểm y tế mới: Nhiều khúc mắc nảy sinh

Băn khoăn về mức trần BHYT chi trả

Báo cáo của đoàn giám sát cho thấy tỷ lệ bệnh nhi khám chữa bệnh tại BV Nhi TW (HN) bằng thẻ y tế tăng cao. Trung bình một ngày, BV nhi tiếp nhận 1.000-1.200 trẻ đến khám, trong đó số trẻ khám ngoại trú bằng thẻ chừng 2% trong tổng số trẻ khám ngoại trú, tỷ lệ trẻ điều trị nội trú bằng thẻ BHYT là 15-20%. Tuy nhiên, sau khi Luật BHYT có hiệu lực, tỷ lệ trẻ đến khám ngoại trú và điều trị nội trú đều tăng vọt (trên 80%). Tại BV Nhi đồng 1 (TP. HCM), tình trạng gia tăng bệnh nhi khám bằng thẻ cũng phổ biến. Tỷ lệ trẻ khám ngoại trú bằng thẻ tăng từ 1% lên 5%, trẻ chữa bệnh nội trú bằng thẻ tăng từ 15-20% lên 30-40% sau khi thực hiện Luật BHYT. Tình trạng bệnh nhân vượt tuyến cũng gia tăng sau khi Luật BHYT có hiệu lực. Điển hình nhất là tại BV Nhi đồng 2 (TP. HCM), trước ngày 1/10, mỗi ngày BV chỉ có 5-10 bệnh nhân vượt tuyến trong tổng số 4.000-5.000 bệnh nhân đến khám nhưng hiện nay số bệnh nhân vượt tuyến lên tới 58-114 người/ngày.

Băn khoăn được Ban giám đốc BV Bạch Mai đưa ra khi thực hiện Luật BHYT chính là vấn đề cùng chi trả 5% và 20%. Theo Giám đốc BV Bạch Mai Nguyễn Quốc Anh, khi đưa quy định này vào áp dụng sẽ gây thắc mắc trong bệnh nhân. TS Quốc Anh cũng cho rằng, việc quy định trần cũng sẽ có vướng mắc. Ví dụ, quy định trần trong Luật BHYT là 26 triệu đồng, nếu bệnh nhân khám tại khoa này xong đạt mức trần bằng đó, nhưng phải chuyển sang khoa khác điều trị thì lại không được tính từ đầu mà cộng dồn. Như thế sẽ khó cho bệnh nhân và bệnh viện. Theo Luật BHYT mới, với các trường hợp sử dụng dịch vụ y tế, kỹ thuật cao, chi phí lớn, BHYT cũng khống chế mức thanh toán tối đa không quá 40 tháng lương tối thiểu. Trong khi đó, rất nhiều bệnh nặng, chi phí điều trị lên đến cả trăm triệu đồng/đợt điều trị do buộc phải áp dụng dịch vụ kỹ thuật cao như tim mạch, ung thư thì bệnh nhân sẽ vẫn phải đóng vai trò chính trong thanh toán viện phí. Vì 40 tháng lương cơ bản hiện tương đương 26 triệu đồng, có thể chỉ chiếm 20-30% chi phí điều trị. Quy định này khiến nhiều bệnh nhân mất cơ hội được điều trị bệnh do khó khăn về kinh tế…, chị Nguyễn Thị Nga, bệnh nhân khoa Thận nhân tạo (BV Bạch Mai) bức xúc.

Cần có những điều chỉnh hợp lý để BHYT phù hợp với thực tế. Ảnh: Phan Nam
Cần có những điều chỉnh hợp lý để BHYT phù hợp với thực tế.
Ảnh: Phan Nam

PGS.TS. Nguyễn Thanh Liêm, GĐ BV Nhi TW cho biết: Hiện tại lệ phí làm công thức máu, bảo hiểm quy định chỉ có 9.000 đồng nhưng thực tế làm mất 20.000 đồng. Bên cạnh đó, những thủ thuật, phẫu thuật như mổ tim hở hết khoảng 34 triệu đồng nhưng giá được BHYT phê duyệt chỉ có 6 triệu đồng. Như vậy 28 triệu đồng còn lại ai là người sẽ trả khi thực hiện chính sách BHYT mới trong khi đó bệnh nhi đến khám tại BV chủ yếu là trẻ dưới 6 tuổi, trẻ mắc bệnh hiểm nghèo… Ngoài ra, những xét nghiệm sinh học phân tử trong chẩn đoán bệnh di truyền hiện chưa có trong danh mục của BHYT.

Cán bộ làm không xuể

Tại BV Thanh Nhàn (HN), theo báo cáo của đoàn giám sát: Mặc dù đã bổ sung thêm nhân lực, máy vi tính cho bộ phận thanh quyết toán phí chữa bệnh bằng BHYT, tổ chức xét nghiệm máu 1 lần, trả kết quả tại khoa khám bệnh… nhưng vẫn làm không hết việc. Tình trạng ùn tắc bệnh nhân do chưa giải quyết xong thủ tục về BHYT thường xuyên diễn ra. Nhiều bệnh nhân khám chữa bệnh hoặc ra viện từ hôm trước nhưng vẫn phải đến viện lần nữa để hoàn thành thủ tục. Tình trạng tương tự trên cũng xảy ra ở BV Xanh-pôn, Bạch Mai…

Với bệnh nhân cấp cứu, quy định mới chỉ cần có thẻ BHYT gây khó khăn cho BV trong việc thống kê, tổng hợp chi phí khám và điều trị. Tại BV Việt Đức, Phó GĐ Đoàn Mạnh Huy chia sẻ, khoảng 20% bệnh nhân đến BV Việt Đức thuộc đối tượng tai nạn giao thông, nên việc yêu cầu bệnh nhân chứng minh mình không phạm luật là điều khó khăn. Và nếu không cẩn thận từ những khó khăn này dễ nảy sinh tiêu cực. Vì vậy, ông Huy đề xuất với những trường hợp tai nạn giao thông nếu có chứng nhận thì áp dụng thanh toán BHYT luôn, nếu chưa có thì phải tạm ứng trước viện phí...

Trước những vướng mắc của Luật BHYT mới, Thứ trưởng Bộ Y tế khẳng định sẽ có điều chỉnh cho phù hợp thực tế. Cụ thể Bộ sẽ có hướng dẫn chi tiết hơn về việc thanh toán chi phí khám chữa bệnh bằng BHYT với bệnh nhân vượt tuyến; Ban hành danh mục thuốc, vật tư y tế đồng thời hướng dẫn việc đăng ký khám chữa bệnh cho trẻ dưới 6 tuổi để đảm bảo quyền lợi cho các em nhưng cũng không gây khó cho bệnh viện tuyến trên. Để Luật BHYT mới thực sự đi vào cuộc sống, được toàn dân đón nhận, Bộ Y tế tiếp tục cử 22 đoàn giám sát tại các cơ sở KCB trên toàn quốc để theo dõi và giải quyết vướng mắc, Thứ trưởng Xuyên khẳng định.

Hải Phan

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cha mẹ có thể để trẻ bình tĩnh rồi nói chuyện. Ảnh minh họa

Làm gì khi con hay giận dỗi?

GD&TĐ - Trẻ nhỏ thường giận dỗi, buồn rầu vì không thể nói ra được nỗi bực bội của mình hoặc chưa được đáp ứng mong muốn nào đó.