Lớp dạy bơi giữa núi rừng Thanh Thủy

GD&TĐ - Với sự phối hợp của Đoàn xã Thanh Thủy (huyện Thanh Chương, Nghệ An) và Chi đoàn Đồn Biên phòng cửa khẩu Thanh Thủy (BĐBP Nghệ An), lớp trang bị kỹ năng thoát hiểm đuối nước, dạy bơi miễn phí giữa núi rừng được tổ chức cho 120 học sinh từ 9 - 14 tuổi trên địa bàn.

Chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu Thanh Thủy (BĐBP Nghệ An) hướng dẫn học sinh tập bơi. Ảnh: Đồn BP cung cấp
Chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu Thanh Thủy (BĐBP Nghệ An) hướng dẫn học sinh tập bơi. Ảnh: Đồn BP cung cấp

Lớp dạy bơi đặc biệt

Thanh Thủy thuộc xã vùng cao biên giới, điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, học sinh đến trường thường qua nhiều khe lạch, sông suối và đối diện với mưa rừng, lũ quét, sạt lở. Thế nhưng, đa số trẻ lại không có điều kiện học kỹ năng phòng chống đuối nước, bơi lội để bảo vệ bản thân, thoát hiểm khi gặp nạn.

Mặt khác, như Trung tá Nguyễn Ngọc Tú, Chính trị viên Đồn Biên phòng cửa khẩu Thanh Thủy, trao đổi, tình trạng trẻ em đuối nước trong dịp hè ở nhiều địa phương đang gia tăng; Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác phòng, chống đuối nước trẻ…

Đây là những lý do cấp thiết thúc đẩy Chi đoàn Đồn Biên phòng cửa khẩu Thanh Thủy phối hợp cùng Đoàn xã Thanh Thủy mở lớp dạy bơi miễn phí cho trẻ em trên địa bàn xã để trang bị các kỹ năng cơ bản về phòng, chống đuối nước. Hai bên đã nhanh chóng tuyên truyền về tầm quan trọng và vận động gia đình, phụ huynh đưa có con trong độ tuổi 9 - 14 tuổi tới lớp dạy bơi. Hiểu được tầm quan trọng, cần thiết nên nhiều gia đình đã ủng hộ và đăng ký cho con tham gia đông đảo.

Dạy kỹ năng thành thạo trên bờ trước khi thực hành dưới nước. Ảnh: Đồn BP cung cấp

Dạy kỹ năng thành thạo trên bờ trước khi thực hành dưới nước. Ảnh: Đồn BP cung cấp

Ngày 10/6, lớp học bắt đầu triển khai với số lượng vượt ngoài dự kiến. Với 120 em đăng ký buộc ban tổ chức tách thành 2 lớp. Các trang thiết bị hỗ trợ học bơi như áo phao, dây căng… được huy động từ Đồn biên phòng. Nhân lực dạy bơi và quan sát trên bờ là 18 chiến sĩ và đoàn viên xã; Đồng thời yêu cầu gia đình khi đưa con tới lớp sẽ kiêm luôn nhiệm vụ giám sát trẻ trong quá trình học bơi.

Trung tá Nguyễn Ngọc Tú chia sẻ thêm: Để tìm địa điểm mở lớp dạy bơi không dễ dàng bởi xã có địa hình đồi núi, sông suối chỗ sâu, chỗ cạn… không đảm bảo an toàn, yêu cầu để dạy bơi. Xã cũng không có bất kỳ khách sạn, khu resort có bể bơi để tận dụng. Duy nhất khúc suối có đập chắn ngang, đủ độ rộng, chiều sâu và độ chảy của nước không “nuốt” người, phía dưới đá không lổn nhổn… đảm bảo được việc dạy bơi nên sau khảo sát, cán bộ chiến sĩ đồn nhanh chóng chọn địa điểm này để triển khai dù cách đồn tới 25km.

Ngày 20/6, ban tổ chức lớp đã hoàn thành xong khóa bơi cho lớp thứ 1 với 90 học sinh, 30 trẻ của lớp thứ 2 dự kiến kết thúc trong tháng 7. Gần 100% trẻ sau khóa học đã nắm được kỹ thuật bơi cơ bản, có thể bơi thành thạo, nhớ các kỹ năng thoát hiểm khi gặp vùng nước trũng, mưa lũ bất ngờ.

Đoàn viên thanh niên cùng chiến sĩ Biên phòng vừa hướng dẫn bơi, vừa đảm bảo an toàn cho học sinh khi thực hành dưới nước. Ảnh: Đồn BP cung cấp

Đoàn viên thanh niên cùng chiến sĩ Biên phòng vừa hướng dẫn bơi, vừa đảm bảo an toàn cho học sinh khi thực hành dưới nước. Ảnh: Đồn BP cung cấp

Trách nhiệm cùng tương lai

Đại úy Trần Văn Quyết, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy, trao đổi: Quá trình làm nhiệm vụ trên địa bàn, anh từng chứng kiến nhiều tình huống học sinh gặp nguy hiểm nơi sông, suối, nước lũ trên đường đi học, vui chơi… nhưng các em lại hoàn toàn không biết bơi lội, trống kỹ năng thoát hiểm. Vì vậy, khi được cán bộ đồn huy động dạy bơi cho trẻ, các chiến sĩ đều sẵn sàng và sắp xếp thời gian, công việc để đảm trách lớp học. Tất cả coi đây như trách nhiệm, tình cảm dành cho thiếu nhi nơi biên cương Tổ quốc.

Tuy lớp dạy bơi có tổng số 18 chiến sĩ và đoàn viên xã kiêm nhiệm, song để an toàn tuyệt đối suốt quá trình trẻ học bơi và hoàn thành khóa học chậm nhất trong tháng 7 (khi các em nghỉ hè), đảm bảo tất cả đều biết bơi, có kỹ năng thoát hiểm… thì các thành viên phải bố trí luân phiên, hàng tuần lên lớp 2 - 3 buổi, mỗi lớp có ít nhất 6 người cùng hướng dẫn, quan sát.

Dù khóa học diễn ra trong thời gian ngắn nhưng phải trang bị đủ cho các em kiến thức môn bơi lội, kỹ thuật bơi cơ bản như cách thở dưới nước, cách tập nổi, kỹ thuật bơi, cách đạp chân, quạt tay, kỹ năng phòng ngừa đuối nước, cách nhận biết vùng nước nguy hiểm, cứu người đuối nước…

Anh Nguyễn Đình Thế, Bí thư Đoàn xã Thanh Thủy, chia sẻ: “Thông qua lớp học, chúng tôi mong muốn đào tạo bài bản cho các em kỹ năng bơi lội cũng như cách phòng tránh tai nạn đuối nước. Đặc biệt muốn tạo ra môi trường học tập, vui chơi lành mạnh, an toàn cho trẻ vùng cao trong dịp hè, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về bảo đảm an toàn tính mạng của trẻ em trước tình trạng đuối nước đang xảy ra ở nhiều nơi”.

Theo anh Thế, thời gian đầu lớp học bơi không tránh khỏi khó khăn, song vượt lên tất cả, đoàn viên xã và chiến sĩ đã hoàn thành tốt nhiệm vụ. Ông Nguyễn Duy Lâm, nhà tại thôn Thủy Phong, xã Thanh Thủy vui mừng khi con trai Nguyễn Duy Quang Nam, 12 tuổi, sau khi tham gia lớp học đã bơi thành thạo và nắm được nhiều kỹ thuật bơi dưới nước, kỹ năng thoát hiểm… “Năm sau nếu lớp học tiếp tục được tổ chức, tôi không chỉ đưa con tới luyện tập hoàn thiện hơn kỹ năng bơi, mà còn vận động thêm nhiều gia đình trong thôn đăng ký cho con tham gia. Người dân thực sự biết ơn chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu Thanh Thủy và đoàn viên xã Thanh Thủy đã mang tới hoạt động, sân chơi bổ ích, thiết thực…”, ông Lâm trao đổi.

Hoạt động này thực sự ý nghĩa, thiết thực cho học sinh vùng núi bởi trẻ thiếu thốn cả điều kiện học tập lẫn cuộc sống, đặc biệt kỹ năng bơi lội. Điều này giúp cha mẹ giảm bớt nỗi lo trong việc đảm bảo an toàn tính mạng con trẻ mỗi khi hè đến hoặc mùa mưa bão, lũ lụt. - Ông Nguyễn Duy Lâm

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Bình dân học vụ số

GD&TĐ - Sáng 18/11, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm có cuộc gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam.