Lớn lên từ đôi quang gánh của mẹ

GD&TĐ - Thầy tôi mất khi anh em tôi đứa mới lên năm, đứa chưa tròn ba tuổi. Nhà không lưới, không thuyền, mẹ tôi đòn gánh đè vai, sớm chiều chợ gần, chợ xa, buôn thúng bán mẹt nuôi con ăn học…

Lớn lên từ đôi quang gánh của mẹ

Làng quê tôi nằm bên bờ sông Ròn, một trong 5 con sông lớn của tỉnh Quảng Bình. Dân làng chủ yếu sống bằng nghề câu lưới, đánh bắt, chế biến thủy hải sản, vận tải đường biển và buôn bán khắp các chợ lớn nhỏ trong xứ, trong vùng. Nhờ vậy, làng tôi từ bao đời nay đã là một làng sầm uất và trù phú vào bậc nhất nhì của một tỉnh nằm ở Duyên hải miền Trung.

Chợ Hôm, chợ Mai quê tôi tọa lạc trên một khoảng đất rộng ở đầu làng; mỗi ngày họp 2 buổi nên có tên như vậy. Trên nền chợ mấy cây đa, cây đề cao lớn, cành lá sum suê, tỏa bóng xanh che mát cho kẻ bán, người mua. Mẹ tôi từ sáng sớm đã quang gánh lên các làng trên mạn ngược. Vài nồi cá kho, ít chai nước mắm… bà đi tới các làng Tùng Chất, Quảng Châu, Hòa Lạc… vào từng nhà bán cho bà con nông dân, rồi mua của họ mít, chuối, sắn, khoai, lạc, vừng… đem về bán ở chợ làng.

Khi đi thì gánh nhẹ, khi về thì nặng gánh, thật muôn vàn khó nhọc, nhất là vào những ngày mưa dầm, gió bấc, đường liên thôn, liên xã, chỗ thấp, chỗ cao trơn như đổ mỡ… Thuở còn học ở trường làng, vào những buổi chiều không phải đến lớp, anh em tôi thường thay nhau đi “đón mẹ, để san bớt gánh nặng cho mẹ khi mẹ đã xuôi được một, hai phần đường. Mẹ con tôi về đến chợ làng thường vào tầm hơn ba giờ chiều.

Lúc này, chợ đã đông kín người bán, người mua từ các nơi đổ đến. Mang tiếng là chợ quê, nhưng thực ra, chợ làng tôi từ mấy trăm năm nay đã trở thành chợ của cả một vùng đất phía Bắc huyện. Những lần theo mẹ về chợ, tôi thường rảo khắp chợ để xem mọi người mua bán. Hàng hóa được bày bán trong các lều quán hoặc sắp thành dãy dọc các lối đi; mỗi loại hàng có một nơi mua bán riêng với những cái tên gọi rất dân dã như hàng cá, hàng thịt, hàng gạo, hàng khoai, hàng rau, hàng xén…

Đi một vòng quanh chợ, người ta sẽ nhận ra ngay đặc sản của các làng quê trong vùng: Nào khoai, dưa Kẻ Sóc, Kẻ Càng, Hòa Lạc, nào mít, chuối Tùng Chất, Quảng Châu, nào tôm cá Cảnh Dương… Còn các thứ nồi, niêu, xoong chảo, áo quần, vải vóc, giấy bút… thì từ Vinh, Hà Nội… đưa vào, từ Huế, Đà Nẵng, Sài Gòn chở ra… không thứ hàng hóa nào cần dùng cho cuộc sống hàng ngày là không có.

Người làng tôi cũng như người nhiều làng khác trong vùng có thói quen mỗi ngày một lần đi chợ để mua thức ăn cho 2 bữa sáng chiều. Lương thực, thực phẩm họ mua về phần nhiều đều là thực phẩm tươi sống. “Gạo chợ, nước sông” thuở xưa thân thiết, gắn bó với người dân quê tôi như bát cơm, manh áo hàng ngày.

Cũng như phần đông các bà, các chị trong làng, mẹ tôi từ khi tóc mới chấm ngang vai cho đến lúc đã ở tuổi ngũ tuần, lục tuần mấy chục năm liền đã gắn bó với chợ làng, thời bình cũng như thời chiến, lúc chợ họp ban ngày cũng như khi chợ phải chuyển họp về đêm để tránh bom đạn của giặc ngoại xâm… Đôi quang gánh của mẹ đã giúp mẹ nuôi chúng tôi ăn học hết bậc phổ thông ở trường làng. Mỗi lần nhìn đôi bờ vai bầm đỏ đã thành chai của mẹ tôi lại chợ nhớ đến câu thơ của thi hào Nguyễn Du: “Đòn gánh tre chín dạn hai vai”…

Sau này, khi lớn lên, tôi đi dạy học ở các tỉnh xa. Hàng năm, có dịp về thăm quê, tôi thường ra chợ làng xem mọi người mua bán. Chợ làng vẫn đông vui, sầm uất như xưa, có điều hàng hóa thì phong phú, đa dạng hơn trước rất nhiều. Mẹ tôi khuất núi đã 35 năm rồi, nhưng mỗi lần bước chân vào chợ tôi vẫn thấy thấp thoáng đâu đây hình bóng của Người bên những buồng chuối, trái mít, củ khoai…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.