Cũng bởi, dù biểu diễn trực tiếp trước hàng nghìn khán giả ở Nhà thi đấu Quân khu 7 (TPHCM) vào cuối tuần qua, vậy mà KOSMIK live concert có không ít tiết mục vũ công mặc trang phục “thiếu vải” cùng những vũ điệu gợi dục, thô tục giữa vũ công và ca sĩ.
Nhiều người cho rằng, việc không kiểm soát độ tuổi khán giả lúc vào cửa trong đêm nhạc như thế là khó có thể chấp nhận từ phía ban tổ chức. Nhưng ban tổ chức cho rằng, họ đã “đề cập việc show diễn dành cho khán giả có độ tuổi từ 18 trở lên”.
Thế nhưng, tức cười thay vì ngay sau đó họ lại mở ngoặc theo kiểu úp mở: “Với phụ huynh dắt trẻ em theo chưa đủ 18 tuổi phải tự chịu trách nhiệm quản lý trẻ, nếu không thì sẽ không được vào concert”!
Vụ việc này cũng đã “đến tai” cơ quan quản lý văn hóa, câu trả lời đương nhiên là làm đúng chức trách nên “sẽ hậu kiểm” để “xử lý” còn lỗi biểu diễn gợi dục, lố lăng, phản cảm thuộc về nghệ sĩ biểu diễn! Đối với việc gắn nhãn 18+ thì cơ quan này lắc đầu vì “theo quy định của pháp luật, không có chương trình biểu diễn dán nhãn 18+. Sở chỉ cấp phép biểu diễn cho chương trình theo danh mục ca khúc được đăng ký”.
Xem ra, cuối cùng ban tổ chức cũng như cơ quan quản lý đã thực hiện và quản lý “đúng quy trình” nên nếu tiếp tục chiếu theo “đúng quy trình” thì lỗi thuộc về nghệ sĩ, khán giả và… luật!
Thực là, không riêng gì với KOSMIK live concert, có thể đôi khi nghệ sĩ không kiểm soát được hành vi biểu diễn - nhưng để phối hợp trong một chương trình lớn thì họ phải có cả quá trình luyện tập và chắc chắn chịu sự kiểm soát của ban tổ chức, nhất là sự kiểm tra, tổng duyệt “gắt gao” của cơ quan quản lý kia mà?
Có thể không ít khán giả chưa đủ tuổi và cũng đã nghe cảnh báo mà họ vẫn đến, song nếu ban tổ chức kiểm soát chặt chẽ từ cửa soát vé thì liệu rằng có trao cơ hội cho họ bước vào một đêm nhạc không dành cho họ hay không?
Thực tế này cũng khiến công chúng không khỏi hồ nghi: Việc tổng duyệt, thẩm định bấy lâu nay của cơ quan quản lý văn hóa như thế nào mà nhiều vụ việc chỉ đến khi khán giả phản ứng thì họ mới vội vã “cắp tráp” đến hậu kiểm, xử phạt và đổ lỗi cho… luật chưa quy định? Những nhà sản xuất, tổ chức các sự kiện văn hóa nghệ thuật có đang nhân danh mang trên vai sứ mệnh “làm phong phú đời sống tinh thần” để tranh thủ thu về hầu bao món lợi khổng lồ?
Vậy thì, đúng là khán giả thực “có lỗi” với bản thân khi quá cả tin vào hệ thống kiểm duyệt, nhà tổ chức thiếu trách nhiệm, thiếu cái tâm của người đại diện cho việc quảng bá và bảo vệ văn hóa. Và, khi đó gợi ra không ít âu lo: Liệu rằng, khán giả trẻ có đang dần bị “đầu độc” bởi những sản phẩm văn hóa thiếu lành mạnh vẫn lọt lưới và… giăng bẫy khắp nơi?