Lợi ích sức khỏe bất ngờ khi bạn có một con thú cưng từ nhỏ

Lợi ích sức khỏe bất ngờ khi bạn có một con thú cưng từ nhỏ

Mối liên hệ với sức khỏe

Bên cạnh việc tìm ra mối liên hệ về sức khỏe con người với sự tiếp xúc với vật nuôi, các chuyên gia vẫn chưa tìm ra câu trả lời cho việc liệu có mối liên hệ nào, tích cực hay tiêu cực, giữa việc nuôi dưỡng mèo với sự phát triển bệnh tâm thần phân liệt hoặc rối loạn lưỡng cực hay không.

“Rối loạn tâm thần nghiêm trọng có liên quan đến sự thay đổi hệ thống miễn dịch do phơi nhiễm môi trường ở giai đoạn đầu đời.

Và, bởi vật nuôi trong gia đình thường là một trong những điều đầu tiên mà trẻ em tiếp xúc gần gũi, nên việc chúng tôi khám phá khả năng kết nối giữa hai cá thể này là hoàn toàn hợp lý”, ông Robert Yolken - người đứng đầu Khoa Thần kinh Nhi Stanley, GS Khoa Thần kinh học tại Trung tâm Trẻ em Johns Hopkins và là tác giả chính của một nghiên cứu gần đây được đăng trên tạp chí PLOS One, nói.

Trong nghiên cứu, GS Yolken và các đồng nghiệp tại Hệ thống Y tế Sheppard Pratt ở Baltimore đã nghiên cứu mối quan hệ giữa chứng rối loạn tâm thần hoặc rối loạn lưỡng cực ở con người, khi tiếp xúc với các loài vật nuôi như mèo hoặc chó trong 12 năm đầu đời.

Các nhà nghiên cứu đã vô cùng ngạc nhiên khi nhận thấy sự giảm thiểu đáng kể trong nguy cơ con người mắc chứng rối loạn, nếu tiếp xúc với loài chó từ nhỏ. Tuy nhiên, đối với toàn bộ độ tuổi được nghiên cứu, không có mối liên hệ đáng kể nào giữa chó và rối loạn lưỡng cực, hoặc giữa mèo và rối loạn tâm thần.

Các nhà nghiên cứu nhận định, sẽ cần có nhiều nghiên cứu hơn để xác nhận những phát hiện này, nhằm tìm kiếm các yếu tố đằng sau sự liên kết, cũng như xác định chính xác hơn các rủi ro thực sự của việc phát triển rối loạn tâm thần khi để trẻ sơ sinh và trẻ dưới 13 tuổi tiếp xúc với mèo, chó.

Những con số cụ thể

Theo Khảo sát Chủ vật nuôi do Hiệp hội các sản phẩm vật nuôi Mỹ thực hiện, có 94 triệu con mèo và 90 triệu con chó được nuôi tại Mỹ.

Các nghiên cứu trước đây đã xác định, việc tiếp xúc sớm với vật nuôi trong nhà là mèo hoặc chó là các yếu tố có thể làm thay đổi hệ thống miễn dịch, thông qua các phương tiện khác nhau, bao gồm phản ứng dị ứng, tiếp xúc với vi khuẩn và động vật, thay đổi hệ vi sinh vật trong nhà...

Theo GS Yolken, “điều chế miễn dịch” này có thể làm thay đổi nguy cơ phát triển các chứng rối loạn tâm thần ở một người mắc bệnh di truyền hoặc có khuynh hướng khác.

Trong nghiên cứu hiện tại, GS Yolken và các đồng nghiệp đã xem xét 1.371 nam và nữ trong độ tuổi từ 18 - 65, bao gồm 396 người bị tâm thần phân liệt, 381 mắc chứng rối loạn lưỡng cực và 594 người tự chủ.

Thông tin được ghi nhận về mỗi người bao gồm tuổi tác, giới tính, chủng tộc /sắc tộc, nơi sinh và trình độ học vấn cao nhất của cha mẹ (như một thước đo về tình trạng kinh tế - xã hội).

Bệnh nhân tâm thần phân liệt và rối loạn lưỡng cực là các bệnh nhân nội trú từ chương trình phục hồi chức năng của Hệ thống Y tế Sheppard Pratt. Các thành viên nhóm tự chủ đến từ khu vực Baltimore và được sàng lọc nhằm loại trừ bất kỳ nguy cơ rối loạn tâm thần ở hiện tại hoặc quá khứ.

Những người tham gia nghiên cứu được hỏi rằng, họ có nuôi mèo hay chó trong gia đình hay trong 12 năm đầu đời hay không. Mối quan hệ giữa độ tuổi tiếp xúc với vật nuôi trong gia đình và chẩn đoán tâm thần được xác định bằng mô hình thống kê.

Nếu lấy tỷ lệ nguy hiểm là 1 thì kết quả cho thấy, không có sự khác biệt giữa các nhóm. Trong khi đó, tỷ lệ lớn hơn 1 cho thấy khả năng mắc bệnh tâm thần phân liệt hoặc rối loạn lưỡng cực tăng lên. Tương tự như vậy, tỷ lệ nhỏ hơn 1 cho thấy cơ hội giảm.

Phân tích được thực hiện cho 4 độ tuổi: Từ khi chào đời đến lúc 3 tuổi, 4 – 5 tuổi, 6 – 8 tuổi và 9 – 12 tuổi. Theo GS Yolken, kết quả là, những người tiếp xúc với chó cưng trước 13 tuổi có ít khả năng bị tâm thần phân liệt hơn những người khác khoảng 24%.

“Hiệu quả rõ ràng nhất là đối với những trẻ có một chú chó trong gia đình khi mới chào đời hoặc khi chưa đến 3 tuổi”, ông Yolken nói.

Cũng theo GS Yolken, nếu giả định rằng, tỷ lệ nguy hiểm là sự phản ánh chính xác về rủi ro tương đối, thì khoảng 840.000 trường hợp bị tâm thần phân liệt (24% trong số 3,5 triệu người được chẩn đoán mắc chứng rối loạn ở Mỹ) có thể được ngăn chặn bằng việc tiếp xúc với chó được nuôi trong gia đình, hoặc các yếu tố liên quan đến việc này.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, không có mối liên hệ nào, cả tích cực và tiêu cực giữa nguy cơ mắc rối loạn lưỡng cực khi trẻ tiếp xúc với chó. Ngoài ra, nghiên cứu cũng không tìm ra mối lên hệ giữa loài mèo với nguy cơ mắc bệnh tâm thần phân liệt hoặc rối loạn lưỡng cực ở người.

“Tuy nhiên, chúng tôi tìm thấy nguy cơ mắc cả hai chứng rối loạn đối với những người lần đầu tiếp xúc với mèo trong độ tuổi từ 9 - 12. Điều này chỉ ra rằng, thời gian tiếp xúc có thể rất quan trọng dù nó có làm thay đổi rủi ro hay không”, GS Yolken nói.

Cũng theo GS Yolken, việc hiểu rõ hơn về các cơ chế liên quan đến mối liên hệ giữa tiếp xúc với thú cưng và rối loạn tâm thần sẽ cho phép các nhà khoa học phát triển những phương thức phòng ngừa và cách điều trị thích hợp.

Theo Science Daily

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ