Lợi - hại khi cho bé nuôi thú cưng: Cha mẹ phải là người am hiểu

GD&TĐ - Ngày nay, trẻ tiếp xúc với các thiết bị thông minh từ sớm. Song, nếu có một người bạn để trò chuyện và chơi cùng, trẻ sẽ sẵn sàng xa rời công nghệ.

Thú cưng giúp quá trình phát triển của trẻ tốt hơn. Ảnh minh họa.
Thú cưng giúp quá trình phát triển của trẻ tốt hơn. Ảnh minh họa.

Đặc biệt, các hoạt động vui chơi, vận động với thú cưng hằng ngày góp phần phát triển thể chất, tinh thần của trẻ.

Nếu được tiếp xúc và học cách đối xử tốt với động vật, trẻ sẽ trở thành người biết đồng cảm khi trưởng thành. Khi vật nuôi của gia đình qua đời, cha mẹ hãy kề bên dạy con đối phó với nỗi đau. Nhờ vậy, trẻ sẽ biết cách vượt qua những mất mát khác trong cuộc sống.

Lợi ích đầu đời

Theo các nhà nghiên cứu Phần Lan, những chú chó nuôi trong nhà không chỉ là người bạn thân thiết của con người. Việc nuôi thú cưng còn có thể tăng cường hệ miễn dịch ở trẻ sơ sinh. Đồng thời, chống lại các vấn đề đường hô hấp và những bệnh nhiễm trùng khác.

Nghiên cứu được tiến hành ở Phần Lan với 397 trẻ sơ sinh. Các nhà khoa học kết luận, việc nuôi thú cưng giúp cải thiện hệ miễn dịch của trẻ, đặc biệt là trong năm đầu tiên của cuộc đời.

Trong 44 tuần đầu, trẻ sơ sinh rất dễ gặp các vấn đề sức khỏe. Những vấn đề phổ biến bao gồm sốt, nhiễm trùng tai, viêm mũi, ho, thở khò khè. Một số bệnh có thể phải dùng đến thuốc kháng sinh. Tuy nhiên, tại các gia đình nuôi mèo, tỷ lệ mắc bệnh giảm 6%.

Cũng theo nghiên cứu, có 31% trẻ em khỏe mạnh hơn khi gia đình nuôi một chú chó. Trẻ em lớn lên trong gia đình với nhiều chó thậm chí có sức đề kháng tốt hơn so với bạn cùng lứa. Trong khi đó, những em bé sinh ra trong gia đình không nuôi thú cưng thường phải sử dụng nhiều thuốc kháng sinh hơn.

Nghiên cứu từ Đại học Texas (Mỹ) cũng cho biết, nếu cha mẹ chọn đúng loại thú để nuôi, những con vật này sẽ hoàn toàn vô hại. Bên cạnh đó, việc coi thú cưng như người bạn đồng hành sẽ tốt cho quá trình phát triển của trẻ. Đồng thời, tính cách của trẻ cũng hình thành theo chiều hướng tốt.

Ngoài ra, nuôi thú cưng trong nhà còn mang lại rất nhiều lợi ích khác. Các nhà tâm lý học chứng minh, khi còn nhỏ, nếu được tiếp xúc và học cách đối xử tốt với động vật, trẻ sẽ biết đồng cảm hơn khi trưởng thành. 

Nuôi dưỡng tình yêu và sức khỏe

Theo ThS.BS Trần Thu Nguyệt - Viện Y học Ứng dụng Việt Nam, nuôi thú cưng có thể mang lại nhiều lợi ích. Trong đó, không thể bỏ qua tác dụng giảm stress.

“Nghiên cứu của Trường Đại học Johns Hopkins cho thấy, chỉ cần vuốt ve một chú chó có thể làm giảm lượng cortisol - một loại hormone liên quan đến căng thẳng, stress. Đồng thời, chính sự tương tác giữa con người và thú cưng sẽ làm tăng mức oxitocin - một loại hormone giúp cảm thấy vui vẻ, dễ chịu”, bác sĩ này dẫn chứng.

Bên cạnh đó, một cuộc khảo sát khác cũng cho thấy, chó là bạn đồng hành tốt. Bởi, có 80% bệnh nhân bị stress sau chấn thương đã giảm đáng kể các triệu chứng. Trong khi đó, 40% trong số họ có thể giảm liều thuốc.

Ngoài ra, sự thay đổi của nồng độ một số hormone, đặc biệt là việc giảm cortisol và tăng oxytoxin sẽ giữ huyết áp cơ thể ổn định. Việc nuôi thú cưng cũng giúp tăng các hoạt động thể chất. Bởi, một chú chó sẽ là động lực để người chủ đi tập thể dục, vận động hoặc ngắm cảnh. Khi đó, mọi người sẽ tăng hoạt động thể chất lành mạnh một cách tự nhiên.

“Một số nghiên cứu khác cho thấy, thú cưng sẽ giúp bạn có những mối quan hệ xã hội tốt. Từ đó, giúp hạn chế nguy cơ trầm cảm. Chăm sóc thú cưng sẽ tạo ra những động lực tuyệt vời.

Thêm vào đó, thú cưng sẽ là chất xúc tác cho những cuộc gặp gỡ và chia sẻ với những người cùng nuôi thú cảnh, hoặc những em bé và người bạn mới”, ThS.BS Nguyệt chia sẻ.

Ngoài việc là một người bạn đồng hành, chó còn hỗ trợ những người gặp vấn đề về thị lực hoặc di chuyển khó khăn. Nhiều nghiên cứu cũng cho thấy, chó được sử dụng để nhận diện triệu chứng của bệnh động kinh hoặc ung thư.

Yêu vật nuôi cũng là cách để trẻ bảo vệ các loài động vật.

Yêu vật nuôi cũng là cách để trẻ bảo vệ các loài động vật.

Giúp con vượt qua mất mát

Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Mỹ Dung - Đơn vị Tâm lý, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TPHCM) - chia sẻ, thú cưng có thể là một người bạn tuyệt vời. Ngay cả khi đang có một ngày tồi tệ, gặp khó khăn trong công việc, học tập hay các mối quan hệ khác, thú cưng vẫn yêu quý và bên cạnh chúng ta.

Theo chuyên gia Mỹ Dung, chào đón trẻ đầu tiên vào buổi sáng và sau giờ học thường là những con thú cưng. Chúng cũng có thể an ủi và bầu bạn khi trẻ ốm, hoặc cảm thấy buồn, tự ti hay khó chịu.

“Đối với trẻ em cũng vậy, con vật cưng không chỉ là động vật mà gia đình trẻ sở hữu. Chúng được coi là thành viên của gia đình và cũng là những người bạn tốt nhất. Nhưng ở đâu đó mỗi ngày, đều có nhiều người phải trải qua nỗi đau buồn khi mất một người bạn - đó là con vật cưng của mình. Cho dù đó là lúc già, bệnh tật, hay một tai nạn, động vật sẽ chết một lúc nào đó”, chuyên gia cho biết.

Khi thú cưng của trẻ ra đi, cha mẹ có thể là người kề bên giúp con ứng phó với nỗi đau mất mát. Bởi, bà Mỹ Dung cho rằng, cái chết của thú cưng có thể là lần đầu tiên trẻ đối mặt với mất mát. Quá trình đau buồn có thể giúp trẻ học cách ứng phó với những nỗi đau khác trong cuộc đời.

“Một trong những phần khó khăn nhất khi mất con vật cưng là thông báo tin này cho trẻ. Cha mẹ cố gắng thực hiện từng việc ở nơi mà trẻ cảm thấy an toàn, thoải mái và đánh giá khả năng của trẻ về độ tuổi, sự hiểu biết khi con nhận thông tin. Nếu con vật cưng của gia đình đã quá nhiều tuổi hoặc mắc bệnh lâu năm, hãy cân nhắc trò chuyện với trẻ trước khi cái chết xảy ra”, chuyên gia gợi ý.

Trong khi đó, nếu vật cưng của gia đình có sự hỗ trợ của bác sĩ thú y, cha mẹ có thể giải thích rằng: “Các bác sĩ đã làm mọi thứ có thể”, hoặc “Đây là cách tốt nhất để xoa dịu nỗi đau cho thú cưng”. Phụ huynh cũng nên nhấn mạnh rằng, thú cưng của trẻ đã ra đi yên bình, không cảm thấy đau hay sợ.

“Độ tuổi, mức độ trưởng thành và các câu hỏi của trẻ sẽ giúp xác định xem có nên đưa ra lời giải thích rõ ràng và đơn giản cho những gì sắp xảy ra hay không. Nhiều đứa trẻ muốn có cơ hội để nói lời tạm biệt trước và một số đủ lớn hoặc trưởng thành về mặt cảm xúc để có thể an ủi con vật cưng trong suốt quá trình này”, chuyên gia chia sẻ.

Nếu thú cưng đột ngột qua đời, phụ huynh hãy giải thích những gì đã xảy ra. Tuy nhiên, cha mẹ không nên nói dối. Bởi, hành động đó có lẽ sẽ không làm giảm nỗi buồn của trẻ khi mất thú cưng. Nếu trẻ biết sự thật, con có thể sẽ tức giận vì cha mẹ đã nói dối.

“Cha mẹ không cần che giấu nỗi buồn của mình về việc mất một con vật cưng. Thể hiện cảm xúc và nói về điều cha mẹ cảm nhận là một cách cởi mở, làm gương cho trẻ. Những đứa trẻ cảm thấy được an ủi khi biết rằng, chúng không cô đơn khi cảm thấy buồn. Chia sẻ những câu chuyện về vật cưng mà cha mẹ từng có - đã mất khi còn nhỏ và khó khăn như thế nào khi nói lời tạm biệt”, bà Mỹ Dung cho biết.

Sau khi cú sốc về việc thú cưng ra đi, điều quan trọng là phụ huynh giúp trẻ chữa lành. Cha mẹ có thể giúp trẻ tìm ra cách đặc biệt để luôn nhớ về người bạn của mình.

Phụ huynh có thể tổ chức một buổi lễ chôn cất con vật hoặc chia sẻ những kỷ niệm về khoảng thời gian vui vẻ mà gia đình đã có. Cùng nhau viết lời cầu nguyện hoặc đưa ra suy nghĩ về ý nghĩa của thú nuôi đối với mỗi thành viên trong gia đình.

Các thành viên cũng có thể chia sẻ những câu chuyện về khoảnh khắc vui nhộn của vật nuôi. Ngoài ra, cha mẹ có thể làm một cuốn sổ lưu niệm về những khoảnh khắc vui vẻ của trẻ và thú cưng.

“Hãy nhớ rằng, đối với trẻ em, mất đi một con vật cưng từng yêu thương và bầu bạn có thể khó hơn nhiều so với mất đi một người họ hàng xa. Cha mẹ có thể phải giải thích điều đó với bạn bè, thành viên gia đình hoặc những người khác không nuôi con vật cưng hoặc không hiểu điều đó”, chuyên gia Mỹ Dung nhấn mạnh.

Điều quan trọng là phụ huynh hãy nói về con vật cưng của gia đình với tình yêu thương. Hãy cho trẻ biết rằng, mặc dù nỗi buồn sẽ qua, nhưng những kỷ niệm vui vẻ về thú cưng sẽ luôn đọng lại. Khi đến thời điểm thích hợp, cha mẹ có thể cân nhắc việc nhận nuôi con vật mới. Thú cưng mới không phải để thay thế, mà là người bạn, thành viên mới trong gia đình.

“Nếu nỗi buồn, sự đau khổ của trẻ kéo dài hoặc khiến trẻ không thể tham gia những hoạt động trong cuộc sống hằng ngày. Cha mẹ cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ nhi khoa và chuyên gia tâm lý để được hỗ trợ”, bà Mỹ Dung chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.