Lời đề nghị thiết thực

Lời đề nghị thiết thực

Tại kỳ họp HĐND TPHCM lần thứ 20, khóa 9 diễn ra vào sáng ngày 9/7, có rất nhiều ý kiến nói về những bức xúc của người dân thành phố như chuyện ngập nước trong mùa mưa, tình trạng mất an ninh trật tự, các dự án chậm tiến độ, người dân gặp khó sau Covid-19…. 

Một ý kiến được cho là rất sát sườn với đời sống của người dân nhưng chưa từng được đem ra bàn bạc một cách rốt ráo và quyết liệt tại các kỳ họp trước đây là tình trạng ô nhiễm tiếng ồn từ việc hát karaoke bằng loa kẹo kéo. Bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch UB MTTQVN TPHCM đề nghị là nên chấm dứt hoàn toàn tình trạng hát karaoke bằng loa kẹo kéo, đưa hẳn vào hương ước, quy ước của khu phố, ấp; không có bất cứ một điều kiện nào để duy trì sự tồn tại của loại hình nặng tính "tra tấn" này.

Một tờ báo mạng đăng tải lời đề nghị này và lập tức hàng nghìn lượt người "like", chia sẻ cùng vô số lời bình luận kèm dưới bài báo! Trong số cả ngàn "bình luận" ấy, chỉ cần một ý kiến cho rằng, "không nên cấm hát karaoke bằng loa kẹo kéo nếu hát có giờ giấc" và "miễn sao hát trong nhà mình là được", là y rằng có hàng trăm ý kiến phản bác lại. 

Hầu hết các ý kiến phản biện đều cho rằng: "Ở một đô thị như TPHCM, người lao động đi làm nhiều ca, gần như suốt ngày đêm đều có người đi làm và người nghỉ thay ca thì "không có giờ nào là giờ "phù hợp" để hát karaoke bằng loa kẹo kéo cả", và "chỉ có hát karaoke trong các quán chuyên nghiệp chứ hát ở gia đình thì có hát trong nhà cũng ảnh hưởng đến người khác. Vì vậy, nên dẹp bỏ càng sớm càng tốt".

Sở dĩ ý kiến trên đây của bà Chủ tịch UB MTTQVN TPHCM nhận được sự đồng tình của đông đảo người dân là vì, lâu nay chuyện hát karaoke bằng loa kẹo kéo không còn là loại hình giải trí đơn thuần nữa mà thành vấn nạn ở tất cả các khu dân cư. Thực tế cho thấy, đã có rất nhiều vụ án mạng cũng từ việc hát karaoke bằng loa kẹo kéo mang tính "khủng bố" này. 

Tuy nhiên, vì chế tài không đủ mạnh, chỉ dừng lại ở mức "động viên" người hát nên vặn nhỏ âm lượng của loa, cùng lắm là nhắc nhở trong những lần họp khu phố là cùng. Vì vậy, tình trạng tra tấn nhau bằng loa kẹo kéo gần như diễn ra đều khắp cả nước. Đám cưới cũng hát, đám giỗ cũng hát, miễn có cớ là hát, hát đến quên cả phận nghèo. Người hát tốn tiền mua bia rượu, tốn tiền thuê dàn âm thanh đã đành, người không hát cũng hao tổn sức lực vì không thể ngủ nghỉ gì được.

Để đến khi câu chuyện về loa kẹo kéo đã thành "dịch", dẫn đến những vụ án mạng vô cùng đáng tiếc thì mới ngộ ra là cần phải chấm dứt. Lẽ ra chuyện dẹp bỏ loa kẹo kéo này phải được tiến hành từ sớm nhưng ý kiến muộn màng này vẫn hơn là xem nó như "chuyện vặt".

Hy vọng không chỉ là chính quyền TPHCM mà các địa phương trong cả nước cũng nên đồng lòng dẹp bỏ chuyện hát karaoke bằng loa kẹo kéo này càng sớm càng tốt.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ