Theo Cảng vụ Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, ngày 11/8 tại nhà ga quốc nội, nữ hành khách Lê Thị Hiền có chuyến bay VN248 từ TP.HCM đi Hà Nội.
Vì có mâu thuẫn với nhân viên hãng hàng không, nữ hành khách là cán bộ công an Hà Nội lập tức to tiếng, chửi bới. Trong đó, bà Hiền đề cập việc sẽ mua quảng cáo Facebook để "vạch mặt" nữ nhân viên Vietnam Airlines.
"Một ngày tao phải chạy 5 triệu Facebook vạch mặt mày. Mày có chồng, ế chồng, có con, con dị tật", bà Hiền quát lên trong cơn tức giận.
Quảng cáo "bóc phốt" - Trò bắt nạt nguy hiểm trên Facebook
Dưới góc nhìn của những người làm dịch vụ Facebook, phát ngôn trên của bà Hiền không phải là điều quá mới. Từ lâu, Facebook ngoài chức năng của một mạng xã hội còn được dùng như vũ khí "bóc phốt", cảnh báo, tố cáo, tấn công cá nhân, đòi nợ...
"Đây là chuyện tôi gặp thường ngày. Cộng đồng mạng thích những tin giật gân, bóc phốt người này người kia. Điều này khiến bà Hiền tin rằng nếu bà mua quảng cáo Facebook, câu chuyện của bà sẽ được lan truyền. Đồng thời, cô nhân viên kia sẽ nhục nhã và hãng hàng không cô làm cũng sẽ mất uy tín", Phan Tuấn - quản trị viên iSocial, nhóm cộng đồng quảng cáo Facebook lớn nhất Việt Nam nói với Zing.vn.
Theo ông Tuấn, việc bêu xấu người khác bằng quảng cáo trên Facebook ở Việt Nam không được mạng xã hội này ngăn chặn.
"Họ chỉ cần tạo một trang Facebook và đăng tải thông tin một chiều. Thường là tốt cho mình. Sau đó, họ nạp tiền vào một thẻ Visa hoặc Master rồi mua quảng cáo. Như đã nói, những nội dung bóc phốt rất thu hút người xem vì vậy chi phí bỏ ra thấp nhưng tầm tiếp cận rất rộng", ông Tuấn nói thêm.
Trong trường hợp mua quảng cáo, Facebook nhận tiền để truyền tải thông tin tới nhiều người hơn. Nếu đăng trạng thái bình thường, chỉ những người theo dõi hoặc bạn bè mới có thể tiếp cận được.
"Dòng thời gian trên Facebook thường được mua vị trí để quảng cáo cho các shop online, thương hiệu... Tuy vậy, người dùng vẫn có thể mua một mẫu quảng cáo để truyền đi thông điệp cá nhân đến những người, không nằm trong danh sách bạn bè", Nguyễn Đức Duy - quản lý truyền thông của một doanh nghiệp thương mại điện tử tại quận 10, TP.HCM cho biết.
Với mục đích bôi nhọ cá nhân, người chạy quảng cáo sẽ khoanh vùng khu vực mà nạn nhân sinh sống. "Người quảng cáo có thể chọn sở thích, giới tính, vị trí, bán kính vị trí để cố tiếp cận đến nhóm bạn bè của nạn nhân", Mai Thanh Phú - người làm dịch vụ quảng cáo lâu năm ngụ Phú Nhuận, TP.HCM cho biết.
Theo ông Phú, tùy vào độ hấp dẫn của bài bóc phốt, người mua quảng cáo có thể trả 100.000 đồng để nhận lại hơn 2.000 lượt tiếp cận. "Vậy là đủ cả làng, cả xóm đó biết rồi. Bà Hiền đòi chạy 5 triệu chắc đối tượng mục tiêu của bà phải cấp thành phố", ông Phú phân tích.
Thậm chí, nhiều trường hợp còn mua dữ liệu số điện thoại cư dân trong khu vực để hướng mục tiêu chính xác hơn.
Nếu một ngày tôi bị "bóc phốt" trên Facebook?
Tuy vậy, nhiều ý kiến cho rằng việc Facebook bán quảng cáo để lan truyền thông tin có những mặt lợi.
"Những khách hàng sử dụng dịch vụ tệ có thể mua quảng cáo để tố cáo, cảnh báo cho những người mua sau. Tuy vậy, nó chỉ tốt cho người cần dùng bởi việc kiểm duyệt đâu là sự thật thì Facebook không đủ khả năng.
Điều này tạo điều kiện cho các trò cạnh tranh không lành mạnh", Trọng Nhân, Giám đốc Marketing thương hiệu thời trang MEIU cho biết.
"Thử tưởng tượng, một buổi sáng ngủ dậy, tôi nhận ra toàn bộ cư dân khu vực mình ở đều nhìn thấy gương mặt xấu xí của tôi trong một bài "bóc phốt" Facebook, tôi sẽ làm gì lúc đó?", ông Tuấn đặt giả thiết.
Một mẫu quảng cáo "bóc phốt" trên Facebook năm 2018. |
Theo ông Tuấn, Facebook cho phép người dùng mua quảng cáo "bóc phốt". Đồng thời, mạng xã hội này cũng cung cấp tính năng báo cáo bài viết (report). Thế nhưng để gỡ bài viết thì số lượng báo cáo phải lớn.
"Nếu bị "bóc phốt", thật sự chỉ biết im lặng cho uy tín vơi đi chứ không biết làm gì hơn với Facebook", ông Tuấn nói.
Theo các chuyên gia, việc Facebook bán quảng cáo bừa bãi những nội dung "bóc phốt" tạo ra một thứ quyền lực ẩn trong mỗi người dùng.
"Bất kỳ ai cũng có thể nói xấu người khác với tốc độ lan truyền chóng mặt nhưng chỉ là ý kiến có lợi cho một phía", ông Đức Duy nói.