Loài nhện được đặt tên theo ca sỹ

Một nhà khoa học đã đặt tên cho giống nhện mới được phát hiện là John Lennon vì bản thân là fan hâm mộ cuồng nhiệt của nhóm nhạc The Beatles.

Cố danh ca John Lennon (trái) và loài nhện mới sẽ được đặt theo tên của ông (phải)
Cố danh ca John Lennon (trái) và loài nhện mới sẽ được đặt theo tên của ông (phải)

Mới đây, các nhà côn trùng học thuộc trường Đại học Cộng hòa ở Uruguay đã chính thức xác nhận sự xuất hiện của một loài nhện mới thuộc họ Tarantula. Tên khoa học của chúng là Bumba lennoni, sinh sống chủ yếu ở vùng Pará, Brazil.

Mặc dù có kích thước cơ thể chỉ ở mức vừa phải (khoảng 34mm), giống nhện mới này vẫn được xếp vào cùng gia đình với Theraphosa blondi – loài nhện lớn nhất thế giới hiện nay.

Điểm đặc biệt và gây chú ý nhất của loài nhện này, đó chính là tên gọi Bumba lennoni khá “dị”. Người đặt ra cái tên này chính là Fernando Pérez-Miles – trưởng nhóm chuyên gia có công phát hiện ra giống nhện trên. Ông cho biết, Bumba lennoni được đặt dựa theo tên của siêu sao John Lennon của nhóm nhạc The Beatles đình đám.

Lý giải về cảm hứng đặt tên này, Pérez-Miles nói rằng đơn giản vì ông là một fan hâm mộ cuồng nhiệt của nhóm nhạc tới từ nước Anh. Ông chia sẻ: “Tôi đã chờ đợi rất lâu để tìm được một loài vật nào đó và đặt theo tên của John Lennon. Và tới giờ thì tôi quyết định không đợi thêm phút nào nữa!”.

Trên thực tế, Bumba lennoni đã được phát hiện từ năm 2005. Pérez-Miles cho biết, ông cùng các đồng nghiệp đã tìm thấy loài này trong một chiếc bẫy đặt tại trạm khoa học ở vườn quốc gia Caxiuana – nơi vốn được biết tới cái tên “địa điểm toàn rắn” trong tiếng thổ ngữ Tupi. Song vào thời điểm đó, chưa có nghiên cứu nào cụ thể về sinh vật này nên nó chưa được công nhận là một chủng nhện mới.

Cho tới gần đây, sau nhiều năm nghiên cứu về các đặc tính cơ thể, nhóm chuyên gia trên đã có thể khẳng định rằng loài nhện này là một giống mới hoàn toàn. 

Khác với các loài thuộc họ Tarantula, nhện Bumba lennoni có cơ quan sinh dục (ở con đực) nhỏ hơn và sự xuất hiện rất nhiều các cấu trúc nốt sần nhỏ ở quanh miệng. Theo nhóm chuyên gia trên, họ cho rằng cấu tạo như vậy sẽ giúp Bumba lennoni nghiền nát con mồi dễ dàng hơn.

Nghiên cứu mới trên được đăng tải trên tạp chí Zookeys.

Theo Mask, National Geographic

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ