Mới đây, Phòng CSĐT tội phạm về ma túy , Công an TP Hải Phòng đã bắt giữ một vụ tàng trữ và sử dụng trái phép “nấm ma túy” hay còn gọi là “nấm thần” , “nấm thức thần”, “nấm ma thuật”... Loại nấm này có hình dạng bên ngoài tương tự các loại nấm thông thường, có mùi thơm giống nấm rơm.
Không xa lạ với giới trẻ
Những người tàng trữ khai nhận số nấm trên được họ lên mạng đặt mua ở nước ngoài, sau đó gửi theo đường bưu điện về Việt Nam.
Qua kiểm định, phát hiện trong nấm có chất psilocin và psilotcin. Hai hoạt chất này nằm trong danh mục 1 - các chất ma túy tuyệt đối cấm sử dụng cả trong y học lẫn đời sống xã hội của Nghị định 73/2018 quy định về danh mục chất ma túy và tiền chất.
Theo tìm hiểu của PV, thị trường buôn bán và trao đổi về cảm giác “lên mây” do loại nấm này mang lại rất sôi nổi. Không chỉ đặt các loại nấm thần từ nước ngoài về, các bạn trẻ còn truyền tai nhau cách tìm loại nấm này mọc hoang dại trong tự nhiên hoặc mua phôi nấm về trồng, hai tháng sau sẽ có nấm sạch để ăn. Loại nấm phơi khô được bán nhiều nhất là golden teacher với giá 300.000-350.000 đồng/3 g, nấm pancyan thì ăn tươi và pha với nước cam thì càng “thấm”.
“Gọi là thức thần mà, ăn vào thấy cái gì cũng đẹp lạ lùng chưa từng thấy, đầy màu sắc, cảm giác êm đềm như được mẹ ru trong nôi” - Thanh Tuấn, sống ở TP.HCM, kể cảm giác khi ăn nấm golden teacher phơi khô mua trên mạng. Tuy nhiên, Tuấn cũng cảnh báo có lần ăn một mạch 30 cây nấm pancyan và có cảm giác nhớ đời: “Do ăn nhiều quá nên tôi bị quá liều, thấy thằng bạn ngồi bên cạnh tan thành vũng nước, vườn cây vươn lá ra ôm lấy mình, không thể nào chạy thoát được”.
Một người chơi khác tên Tài cũng kể từng rơi vào cảm giác sợ hãi đỉnh điểm, chỉ muốn lao vào xe chết để giải thoát cảm giác sợ hãi khi đang “phê” nấm thần. Từ đó Tài không dám chơi nữa.
Những ảo giác nguy hại khôn lường
BS CK2 Huỳnh Thanh Hiển, BV Tâm thần TP.HCM, cho biết nấm ma thuật hay nấm thần hay còn gọi nấm Psilocybe, có tên khoa học là Psilocybe pelliculosa. Loại nấm này mọc ở nhiều nơi trên thế giới như Bắc và Trung Mỹ, bán đảo Scandinavia và vài vùng tại châu Á.
Dùng quá liều gây tử vong
Psilocin trong “nấm thức thần” gây các tác động trên hệ thần kinh tự chủ (thần kinh thực vật) và gây các rối loạn về huyết động như tăng/giảm nhịp tim, tăng/giảm huyết áp tùy thuộc vào liều sử dụng, giãn đồng tử, tăng thân nhiệt, đổ mồ hôi, buồn nôn/nôn… Các triệu chứng này gây ra do dùng quá liều và là nguyên nhân gây tử vong.
Có đến 200 loại nấm khác nhau thuộc họ này có chứa chất psilocybe với hàm lượng khác nhau nên mức độ gây độc (ảo giác) cũng khác nhau. “Điều này rất nguy hiểm vì nếu có loại ăn cả một tai nấm cũng chưa nguy hiểm tính mạng nhưng với loại nấm khác thì chỉ cần một lượng nhỏ đã có thể gây tử vong” - BS Hiển lưu ý.
Theo BS Hiển, không chỉ các loại nấm chứa chất psilocybe gây ảo giác, khoa học cũng từng ghi nhận nhiều loại nấm độc có chứa chất gây ảo giác như nấm cựa gà chứa chất ergotamine và được điều chế thành LSD (lysergic acid diethylamide), một chất gây ảo giác cực mạnh. Chất này đã được tẩm trong miếng tem giấy hay còn gọi “bùa lưỡi” mà giới trẻ ưa chuộng.
Vào năm 1959, nhà hóa học người Thụy Sĩ Albert Hofmann đã phân lập được psilocybin từ nấm Psilocybe mexicana. Ông cũng chính là người tìm ra LSD từ nấm cựa gà trước đó. Cả hai chất này được sử dụng thử nghiệm trong y học một thời gian ngắn nhưng sau đó bị cấm vào năm 1965 bởi một công ước quốc tế. Tại Việt Nam, hai chất LSD và psilocybin/psilocin đã có trong danh mục cấm từ năm 1995.
“Psilocybin khi vào cơ thể sẽ được chuyển hóa thành psilocin, tác động lên não bộ và gây ảo giác, thường là ảo thị. Hoang tưởng cũng thường gặp và hay có hoang tưởng bị hại. Điều này rất nguy hiểm và giải thích lý do người sử dụng hay có hành vi tấn công người khác do nghĩ rằng mình bị hại” - BS Hiển phân tích.