Gần 1/3 sinh viên Đức (khoảng một triệu người), đang học ở các trường này. Loại hình đại học này có điều gì đặc biệt?
Bắt đầu từ các kỹ sư
Cuối những năm 1960, nền kinh tế Tây Đức cần cán bộ và công nghệ. Không chỉ các giáo sư, bác sĩ, luật sư, giáo viên tương lai, mà cả đại diện của các ngành nghề đều muốn tiếp thu kiến thức. Học viên các trường kỹ thuật không được coi là sinh viên. Mức lương của họ thấp hơn so với sinh viên tốt nghiệp đại học, bằng tốt nghiệp không được công nhận ở các nước châu Âu khác. Sự bất mãn của các kỹ sư trẻ dẫn đến các cuộc biểu tình phản đối đồng loạt trên đường phố. Vì vậy, chính phủ CHLB Đức quyết định cải cách giáo dục.
Năm 1969, một đạo luật đã được ban hành, sau đó, các trường đại học chuyên nghiệp có tư cách pháp nhân như trường đại học tổng hợp đã được thành lập (với một ngoại lệ: Không được đào tạo sau đại học và phong học vị khoa học). Khác với trường đại học tổng hợp chuyên cung cấp học vấn hàn lâm cổ điển, các trường đại học khoa học ứng dụng đã và đang đào tạo cán bộ thực hành. Tính chất ứng dụng trong đào tạo, sự hợp tác với nền công nghiệp là đặc trưng của loại hình đại học này từ trước đến nay.
Sự khác biệt
Theo ông Thorben Sembritzki, cán bộ khoa học thuộc Trung tâm Nghiên cứu Khoa học và Giáo dục đại học Đức (DZHW), khác biệt lớn nhất giữa đại học khoa học ứng dụng và đại học tổng hợp là hình thức dạy học. Các trường đại học tổng hợp cung cấp cơ sở kiến thức lý thuyết và sinh viên tự quyết định sẽ làm gì với nó sau này. Các trường đại học khoa học ứng dụng đào tạo nghề ở trình độ hàn lâm.
Cả hai loại trường này đều đào tạo cử nhân và thạc sĩ trong các ngành kỹ thuật, kiến trúc, thiết kế, xã hội học ứng dụng, kỹ thuật y tế. Tuy nhiên, diện đào tạo của các trường đại học khoa học ứng dụng hẹp hơn. Các trường đại học khoa học ứng dụng còn đào tạo điều dưỡng viên, hộ lý, chuyên gia trị liệu ngôn ngữ. Một trong những mục tiêu của các trường đại học khoa học ứng dụng là đào tạo cán bộ cho nền kinh tế khu vực, nghĩa là đào tạo các ngành cụ thể, có tính đến nhu cầu của nhà tuyển dụng.
Tại các trường đại học khoa học ứng dụng, giáo sư là những nhà chuyên môn đã làm việc nhiều năm trên cương vị lãnh đạo một lĩnh vực kinh tế cụ thể nào đó. Họ chia sẻ kinh nghiệm của mình và có mối quan hệ với các ngành công nghiệp. Các dự án chung với các công ty, thực tập sản xuất bắt buộc là những cấu phần của chương trình giảng dạy. Tỷ lệ giáo sư - sinh viên ở các trường đại học khoa học ứng dụng là 1/50, còn ở trường đại học tổng hợp là 1/64.
Các nhà vô địch tiềm ẩn
Số lượng các trường đại học khoa học ứng dụng nhiều gấp đôi các trường đại học tổng hợp. Nhưng các trường này là những nhà vô địch tiềm ẩn. Bạn không thể tìm thấy chúng trong các bảng xếp hạng nổi tiếng về số lượng bài báo được công bố và hoạt động nghiên cứu khoa học. Đối với các trường đại học tổng hợp điều quan trọng là sự nổi tiếng trong cộng đồng khoa học thế giới. “Còn các trường đại học khoa học ứng dụng thực hiện các công trình nghiên cứu ở quy mô nhỏ hơn và hoạt động chủ yếu với các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong khu vực”, ông Thorben Sembritzki nói.
Nhưng dù sao, theo quan sát của nhà khoa học, trong những năm gần đây, các trường đại học khoa học ứng dụng đã tìm cách khẳng định mình. Họ muốn được công nhận như các tổ chức khoa học ở trình độ quốc tế. Nhiều trường đã thay đổi tên gọi.
Chuyển từ khoa học sang kinh doanh
Về mặt chính thức, các trường đại học khoa học ứng dụng và đại học tổng hợp có vị thế như nhau. Hiện nay, các trường đại học tổng hợp bắt đầu chú ý nhiều hơn đến thực tiễn, còn các trường đại học khoa học ứng dụng đang tích cực tham gia nghiên cứu. Công nghệ sinh học, giải pháp tự động hóa kỹ thuật, tin học y tế, kỹ thuật robot, công nghiệp 4.0 là những lĩnh vực họ đang hết sức quan tâm. Quả thật, các trường đại học tổng hợp chi nhiều tiền cho khoa học hơn.
Các trường này vẫn giữ độc quyền về đào tạo nghiên cứu sinh như trước. Về lý thuyết, một sinh viên tốt nghiệp cao học ở một trường đại học khoa học ứng dụng có thể bảo vệ luận án tiến sĩ tại một trường đại học tổng hợp. Nhưng trên thực tế, nghiên cứu sinh này khó tìm người hướng dẫn khoa học, đồng thời cần phải tham dự các cuộc hội thảo khoa học hoặc các kỳ thi tại trường đại học tổng hợp.
Trong những năm gần đây, đã diễn ra nhiều thay đổi. Một số trường đại học khoa học ứng dụng đã kết hợp với các trường đại học tổng hợp đào tạo nghiên cứu sinh. Từ năm 2016, tại bang Hessen, các trường đại học khoa học ứng dụng được quyền đào tạo nghiên cứu sinh trong các lĩnh vực mà họ đang tích cực tiến hành nghiên cứu.
Cơ hội của sinh viên tốt nghiệp
Xét về số lượng các bài báo công bố chung với các công ty và sự tác động đối với nền kinh tế khu vực, các trường đại học khoa học ứng dụng vượt các trường đại học tổng hợp. Ví dụ, trong bảng xếp hạng quốc tế của U-Multirank, Trường Đại học Kỹ thuật Nürnberg và Trường Đại học Khoa học ứng dụng Reutlingen xếp vị trí thứ hai và thứ ba. Nền kinh tế kỳ vọng vào các trường đại học khoa học ứng dụng, đặc biệt là trong điều kiện thiếu cán bộ. Hội đồng chuyên gia EFI tư vấn cho chính phủ Đức về các vấn đề khoa học và đổi mới, kêu gọi phổ biến và tăng số lượng sinh viên trong các trường này.
Một nghiên cứu của DZHW cho thấy, sinh viên tốt nghiệp các trường đại học khoa học ứng dụng nhận được hợp đồng dài hạn nhanh hơn so với sinh viên tốt nghiệp đại học tổng hợp. Và mức lương khởi điểm của họ cũng cao hơn một chút. Tuy nhiên, trong vòng 5 năm tiếp theo, thu nhập trở nên cân bằng.
Các công ty Đức đặc biệt coi trọng sinh viên tốt nghiệp Trường Đại học Khoa học ứng dụng Munich. Trong bảng xếp hạng do Tạp chí Kinh tế Wirtschaftswoche lập dựa trên khảo sát đối với 500 nhà tuyển dụng, trường này dẫn đầu về các chuyên ngành “kinh tế kỹ thuật”, “tin học” và “tin học kinh tế”. Về chuyên ngành “chế tạo máy” và “kỹ thuật điện”, vị trí đầu tiên trong bảng xếp hạng thuộc về Trường Đại học Khoa học ứng dụng Aachen.