Nhà nghiên cứu Erica Todd ở Đại học Otago, New Zealand, và cộng sự thu thập một số con cá bàng chài đầu xanh đực tại vài địa điểm ở rạn san hô ngoài đảo Key Largo ở Florida để thúc đẩy cá cái chuyển giới.
Sau đó, họ bắt những con cá cái đang chuyển giới và xem xét những gì diễn ra bên trong cơ thể chúng. Kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Science Advances hôm 10/7.
Các nhà nghiên cứu phát hiện việc mất con đực khiến một số con cái căng thẳng. Chúng trở nên hung dữ hơn và bắt đầu thể hiện hành vi tán tỉnh thường thấy ở con đực.
Ở những cá thể nổi trội trong đàn, gene gắn liền với hormone nữ tắt trong 1 - 2 ngày, màu sắc của chúng bắt đầu thay đổi. Thông thường, cá cái có màu vàng hoặc nâu trong khi cá đực có màu xanh lá cây và xanh dương.
Cùng lúc, mô sản sinh trứng trong buồng trứng của cá bàng chài đầu xanh cái bắt đầu thu nhỏ và bị thế chỗ bởi mô sản sinh tinh trùng. Chỉ sau 8 - 10 ngày, buồng trứng ở cá trưởng thành biến đổi thành tinh hoàn, con cá có thể giao phối với cá cái khác và sinh sản.
Sau 20 ngày, con cá có đủ màu sắc của cá đực và quá trình chuyển giới hoàn tất. "Cá bàng chài đầu xanh gây ấn tượng về tốc độ. Những loài khác mất thời gian lâu hơn", Todd nhận xét.
Khoảng 500 loài cá có thể chuyển giới. Phổ biến nhất là cá cái chuyển giới thành cá đực nhưng ở một số loài như cá hề, con đực có thể chuyển giới thành con cái.
Ít nhất một loài là cá diều hâu ở phía nam Nhật Bản, con cái không chỉ có khả năng chuyển giới thành con đực mà còn quay trở lại giới tính ban đầu được nếu cần.