Những người cầm cân nảy mực giải thưởng khoa học - công nghệ toàn cầu trị giá 4,5 triệu USD đều là những tên tuổi kì cựu trong các lĩnh vực mũi nhọn có triển vọng định hình sự phát triển của nhân loại trong tương lai.
Thành viên các hội đồng khoa học VinFuture mùa 5 là những chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực robot, trí tuệ nhân tạo, hóa sinh, khí tượng và vật lý khí quyển, khoa học và kỹ thuật vật liệu…
Đây đều là những “địa hạt” đang thu hút sự quan tâm lớn của thế giới và được dự đoán sẽ định hình khoa học - công nghệ cũng như sự phát triển của nhân loại trong tương lai.
Đáng chú ý, ở mùa giải thứ 5, hai hội đồng VinFuture chào đón thêm thành viên mới, gồm: GS. Daniela Rus (Viện công nghệ Massachusetts, Hoa Kỳ) gia nhập Hội đồng Giải thưởng.
Hội đồng Sơ khảo cũng có thêm 3 thành viên mới: GS. Ana Belén Elgoyhen (Đại học Buenos Aires, Argentina), TS. Filippo Giorgi (Trung tâm Vật lý Lý thuyết Quốc tế Abdus Salam, Ý) cùng TS. Jayshree Seth (Tập đoàn 3M, Hoa Kỳ).
Nhận lời tham gia Hội đồng Giải thưởng VinFuture, GS. Daniela Rus chia sẻ: “Giải thưởng VinFuture là một sáng kiến tuyệt vời, tôn vinh những cống hiến xuất sắc cho khoa học và công nghệ. Tôi rất vui mừng khi thấy các nhà nghiên cứu và những thành tựu của AI nhận được sự công nhận xứng đáng. Tôi kỳ vọng sự hợp tác này sẽ trở thành một điểm tựa, truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ, các nhà nghiên cứu và phát triển trên toàn cầu, để họ không ngừng chinh phục những đỉnh cao mới trong lĩnh vực AI và robot.”
GS. Daniela Rus - thành viên mới của Hội đồng Giải thưởng có học vị Tiến sĩ về Khoa học Máy tính tại Đại học Cornell (Hoa Kỳ). Bà hiện là Giáo sư Andrew và Erna Viterbi về Kỹ thuật Điện và Khoa học Máy tính, đồng thời là Giám đốc Phòng thí nghiệm Khoa học Máy tính và Trí tuệ Nhân tạo (CSAIL) tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT, Hoa Kỳ). Bà cũng là thành viên của Viện Hàn lâm Kỹ thuật Quốc gia và Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Hoa Kỳ. Các lĩnh vực nghiên cứu của bà bao gồm robot, trí tuệ nhân tạo và học máy, với mục tiêu tạo ra một thế giới tốt đẹp hơn. Bà đã nhận nhiều giải thưởng danh giá như Giải thưởng Engelberger, Giải thưởng Kỹ thuật IEEE RAS, Huy chương John Scott và Huy chương Edison của IEEE.
Ở lĩnh vực hóa sinh, Hội đồng Sơ khảo năm nay có sự tham gia của GS. Ana Belén Elgoyhen - nhà nghiên cứu cấp cao kiêm Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Công nghệ Gene và Sinh học Phân tử thuộc Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia Argentina (CONICET), đồng thời là thành viên của Viện Hàn lâm Khoa học Thế giới, Viện Hàn lâm Khoa học Mỹ Latin và Viện Hàn lâm Khoa học Argentina. Bà cũng là chủ nhân Giải thưởng L’Oréal-UNESCO dành cho Nhà khoa học nữ khu vực Mỹ Latin (2008), Nhà khoa học của Quốc gia Argentina được Tổng thống phong tặng (2012)...
Góp mặt trong Hội đồng Sơ khảo còn có TS. Filippo Giorgi – chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực Khí tượng và Vật lý Khí quyển với những đóng góp xuất sắc trong nghiên cứu khí hậu và sự phát triển khoa học ở các quốc gia đang phát triển.
Ông hiện là Nhà khoa học Danh dự tại Trung tâm Vật lý Lý thuyết Quốc tế Abdus Salam (ICTP) tại Trieste, Ý. Năm 2020, một nghiên cứu của Đại học Stanford dựa trên nhiều chỉ số thư mục đã xếp ông ở vị trí thứ 11 trong danh sách gồm số 54.940 nhà khoa học có ảnh hưởng lớn nhất thế giới trong lĩnh vực Khí tượng và Vật lý Khí quyển.
Trong sự nghiệp, TS. Giorgi đã nhận được nhiều giải thưởng danh giá, bao gồm Huy chương Alexander von Humboldt năm 2018 của Liên hiệp Khoa học Địa chất Châu Âu (EGU).

Hội đồng Sơ khảo còn chào đón TS. Jayshree Seth - chuyên gia hàng đầu và là Trưởng nhóm phát triển khoa học đầu tiên của Tập đoàn 3M (Hoa Kỳ). Sự nghiệp của bà đầy ấn tượng với 80 bằng sáng chế đã công bố cùng loạt giải thưởng uy tín hàng đầu thế giới, điển hình như Giải thưởng Thành tựu danh giá nhất từ Hiệp hội Nữ Kỹ sư Hoa Kỳ (SWE), người đầu tiên giành Giải Vàng ở hạng mục Nữ Lãnh đạo Tư tưởng của năm tại Giải thưởng Stevie lần thứ 18 dành cho Phụ nữ trong Kinh doanh. Bà cũng được vinh danh trong danh sách Thinkers50 Radar nhằm tôn vinh những người có tiềm năng định hình tư duy của ngành quản lý trong tương lai.
Giải thưởng VinFuture mùa 5 sẽ tiếp nhận đề cử cho đến 14h ngày 17/4/2025 (theo giờ Việt Nam, GMT+7). Những đề cử nộp sau thời hạn này sẽ được tự động chuyển sang xét duyệt cho mùa giải năm 2026.
Sau 4 năm triển khai, Giải thưởng đã thu hút gấp gần 3 lần số lượng đề cử - từ 599 dự án ở năm đầu tiên lên đến 1.469 dự án vào mùa giải năm 2024. Nhiều chủ nhân Giải thưởng VinFuture đã tiếp tục được vinh danh ở hàng loạt giải thưởng quốc tế danh giá khác, như Nobel, Breakthrough…
Hội đồng Giải thưởng VinFuture 2025 gồm 10 thành viên:
1. Chủ tịch Hội đồng là GS. Sir Richard Henry Friend, FRS – Đại học Cambridge, Vương quốc Anh, Giải thưởng Millennium Technology năm 2010
- GS. Pascale Cossart, FRS – Viện Pasteur, Paris, Pháp
- GS. Đặng Văn Chí – Viện Nghiên cứu Ung thư Ludwig và Đại học Johns Hopkins, Hoa Kỳ
- GS. Soumitra Dutta – Đại học Oxford, Vương quốc Anh
- GS. Martin Andrew Green – Đại học New South Wales, Úc, Giải thưởng Millennium Technology năm 2022, Giải thưởng Chính VinFuture năm 2023
- GS. Daniel Kammen – Đại học California, Berkeley, Hoa Kỳ
- GS. Sir Konstantin (Kostya) S. Novoselov, FRS – Đại học Manchester, Vương quốc Anh và Đại học Quốc gia Singapore, Singapore, Giải thưởng Nobel Vật Lý năm 2010
- GS. Pamela Christine Ronald – Đại học California, Davis, Hoa Kỳ, Giải Wolf về Nông nghiệp năm 2022 và Giải Đặc biệt VinFuture năm 2022
- GS. Daniela Rus – Viện công nghệ Massachusetts, Hoa Kỳ
- GS. Leslie Gabriel Valiant, FRS – Đại học Harvard, Hoa Kỳ, Giải thưởng A.M. Turing năm 2010
Thông tin chi tiết về những thành viên của các Hội đồng khoa học VinFuture xem thêm tại trang web https://vinfutureprize.org/prize-councils/