Lo bùng phát gian dối xin cấp lại GPLX

Lo bùng phát gian dối xin cấp lại GPLX

Sau khi Nghị định 100 có hiệu lực, hàng loạt hành vi vi phạm vừa bị phạt tiền rất nặng, đồng thời còn bị tước GPLX với thời gian tới 23 tháng. Thực tế, chỉ sau thời gian ngắn, số người bị tước GPLX ngày càng nhiều, dấy lên lo ngại gia tăng GPLX giả hoặc báo mất để được cấp lại. Vậy, việc kiểm soát để chống gian lận đang được các cơ quan chức năng thực hiện ra sao?

Số người khai báo mất GPLX tăng mạnh

Ngoài quy định nghiêm cấm và tăng mức phạt tiền đối với người điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn, Nghị định 100/2019 có rất nhiều lỗi vi phạm khác bị tăng mức phạt tiền so với quy định cũ, đặc biệt là tăng thời gian tước GPLX lên đến 2 năm.

Trước lo ngại về tình trạng người vi phạm bị giữ GPLX cố tình gian dối, báo mất để xin cấp lại nhằm sử dụng nhiều GPLX không đúng mục đích, ông Lương Duyên Thống, Vụ trưởng Vụ Phương tiện và người lái (Tổng cục Đường bộ VN) cho biết, dù chưa có con số thống kê trong cả nước do chưa đến thời gian 2 tháng cấp lại GPLX theo quy định, nhưng chỉ riêng tại Phòng Cấp đổi GPLX của Tổng cục, số người đến khai báo mất GPLX xin cấp lại đã tăng trên 30%.

“Dù đến thời điểm này chưa phát hiện được trường hợp nào gian dối, song từ 38 người tháng 12/2019, trong tháng 1/2020 đã tăng lên 52 người. Đến 1/3, sau hai tháng theo quy định, khi có thống kê trong cả nước, con số này chắc chắn lớn hơn rất nhiều”, ông Thống thông tin.

Cũng theo ông Thống, không chỉ lái xe kinh doanh vận tải sợ mất nghề mà ngay cả người lái xe không chuyên nghiệp cũng rất sợ thu giữ GPLX. Sau khi Nghị định 100 ban hành, có tình trạng người dân chưa vi phạm giao thông nhưng vẫn giả khai báo mất GPLX, làm sẵn vài chiếc đề phòng khi vi phạm bị CSGT giữ hoặc tước.

“Theo quy định, sau hai tháng cơ quan quản lý xác minh không phát hiện họ vi phạm bị tước hoặc giữ bằng lái thì phải cấp lại theo yêu cầu. Tiếp tục như thế, sau hai tháng họ có thể lại làm tiếp thêm một chiếc GPLX. Nếu không có trao đổi, không tra cứu thì không phát hiện được người đó sử dụng GPLX đã giả khai báo mất. Dữ liệu GPLX của tổng cục đầy đủ thông tin, cái chính là lực lượng CSGT có tra cứu hay không”, ông Thống nói.

Vẫn còn kẽ hở

Keyword đầu tiên có dấu

Người dân làm thủ tục cấp, đổi GPLX tại Phòng Quản lý sát hạch và cấp GPLX, số 252 Lý Chính Thắng, quận 3, TP HCM. Ảnh: Vĩnh Phú

Tuy nhiên, ông Thống cho biết, mỗi GPLX đều có số GPLX và số phôi khác nhau. Cơ sở dữ liệu sẽ lưu lại số phôi của GPLX hợp lệ sau cùng, còn GPLX đã báo mất là không hợp lệ và không được phép sử dụng. Nếu lực lượng CSGT không tra cứu trên cơ sở dữ liệu, chỉ ra quyết định thu giữ thì thu giấy phép này họ sẽ có GPLX khác.

Để phát hiện ra hành vi này, trong quá trình tuần tra kiểm soát, lực lượng CSGT thu giữ GPLX cần tra cứu vào cơ sở dữ liệu của Tổng cục Đường bộ VN để biết GPLX đó có hợp lệ hay không. Nếu đã bị thu giữ GPLX và được cập nhật vào cơ sở dữ liệu sẽ không cấp lại được. Trong trường hợp làm giả, hành vi đó sử dụng giấy tờ giả.

Thông tư 38/2019 của Bộ GTVT đã có chế tài xử phạt rất nặng những trường hợp gian dối xin cấp thêm bằng thứ 2, thứ 3, thậm chí bằng thứ 4. Theo đó, người sử dụng GPLX đã báo mất, trong quá trình điều khiển phương tiện nếu bị CSGT phát hiện sẽ bị thu hồi tất cả GPLX đã được cấp. Sau 5 năm người đó mới được học và thi lại.

“Còn trong trường hợp tài xế đã bị CSGT tạm giữ GPLX mà gian dối để làm thêm GPLX, tra cứu trên dữ liệu vi phạm của CSGT sẽ phát hiện được ngay. Tuy nhiên, cũng có trường hợp “lọt” nếu như CSGT không cập nhật vào hệ thống hay không gửi sang ngành giao thông”, ông Thống cho biết thêm.

Chưa có kết nối liên thông dữ liệu chung

“Theo Thông tư 38/2019 của Bộ GTVT, người tẩy xoá, làm sai lệch các thông tin trên GPLX; sử dụng GPLX hoặc hồ sơ lái xe giả; sử dụng GPLX đã khai báo mất để điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ; có hành vi gian dối khác để được đổi, cấp lại, cấp mới GPLX, ngoài việc bị cơ quan quản lý GPLX ra quyết định thu hồi GPLX hồ sơ gốc và cập nhật dữ liệu quản lý trên hệ thống giấy phép lái xe còn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và không được cấp GPLX trong thời hạn 5 năm.”
Tìm hiểu của PV Báo Giao thông, từ ngày 1/6/2019, Tổng cục Đường bộ VN đã phối hợp với Cục CSGT kết nối chia sẻ dữ liệu quản lý GPLX và cập nhật dữ liệu xử lý vi phạm của CSGT. Khi CSGT kiểm soát trên đường có thể tra cứu vào phần mềm bất cứ lúc nào để biết ngay được lái xe có GPLX thật hay giả, nơi cấp, thời gian cấp, hạng GPLX.

Ngược lại, cơ quan cấp GPLX qua phần mềm cũng biết được tình trạng GPLX, bao nhiêu lần bị CSGT tạm giữ, bị xử lý vi phạm khi cấp lại GPLX. Sau 6 tháng hai đơn vị sẽ tổng kết đánh giá việc phối hợp. Tuy nhiên đến thời điểm này vẫn chưa có kết quả tổng kết đánh giá cụ thể.

Mặc dù vậy, theo nhiều địa phương, từ đó đến nay, CSGT các tỉnh, thành phố và các lực lượng khác của ngành Công an vẫn gửi thông báo vi phạm bằng bản giấy. Khi thực hiện tra cứu trên trang web http://www.csgt.vn/tracuu, có vi phạm đã được cập nhật, có vi phạm hiển thị không tìm thấy kết quả.

Đơn cử mới đây, Sở GTVT Đắk Lắk phải đề xuất Tổng cục Đường bộ VN kiến nghị Cục CSGT chỉ đạo Phòng CSGT các tỉnh, thành phố kịp thời cập nhật dữ liệu vi phạm vào phần mềm quản lý dữ liệu GPLX vi phạm của Cục CSGT và yêu cầu không gửi bản giấy.

Liên quan vấn đề kết nối dữ liệu, ông Lương Duyên Thống cho biết, hiện mới chỉ phối hợp ở mức tra cứu thông qua tài khoản mà chưa có sự kết nối liên thông cơ sở dữ liệu dùng chung. Việc tra cứu vẫn mang tính thủ công, khi cấp lại GPLX, cơ quan cấp GPLX truy cập vào cơ sở dữ liệu xử lý vi phạm của lực lượng CSGT thông qua tài khoản để tra cứu.

“Trong khi đó, thông tin cơ sở dữ liệu này cũng không đầy đủ, số liệu thu giữ GPLX từ phòng CSGT các tỉnh hay lực lượng cảnh sát trật tự chưa được cập nhật. Theo phản ánh của các sở GTVT, phần khi tra cứu vào phần mềm của lực lượng CSGT mất khá nhiều thời gian, đến cả chục phút. Dữ liệu cũng không đầy đủ, chỉ có số GPLX đã tạm giữ mà không có tên tuổi, quê quán nên không biết GPLX đó là mô tô hay ô tô, gây khó khăn trong quá trình tra cứu”, ông Thống cho biết thêm.

Ông Thống cho rằng, cần tăng cường tuyên truyền kết hợp với xử lý vi phạm nghiêm, xử phạt một vài trường hợp gian dối bị cấm lái xe 5 năm, sau đó tuyên truyền nâng cao tính răn đe. Lực lượng CSGT trong quá trình tuần tra kiểm soát tăng cường tra cứu, phối hợp với ngành giao thông để xử lý theo chế tài của Thông tư 38. Trong tháng 5 này GPLX sẽ được quét mã QR kết nối ngay vào cơ sở dữ liệu GPLX của Tổng cục.

Trong khi đó, Thượng tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Tuyên truyền và phổ biến pháp luật (Cục CSGT) cho biết, thông qua chia sẻ dữ liệu quản lý tài xế với Tổng cục Đường bộ VN, CSGT kiểm soát trên đường có thể tra cứu vào phần mềm bất cứ lúc nào để biết ngay được lái xe có GPLX thật hay giả, hạng GPLX được phép điều khiển phương tiện...

Và lực lượng CSGT cũng chia sẻ thông tin dữ liệu về các trường hợp GPLX đang bị tước và tạm giữ quá thời hạn (trường hợp không đến chấp hành quyết định xử phạt) để Tổng cục Đường bộ VN tra cứu thông tin, phục vụ công tác cấp đổi GPLX.

“Quá trình xử lý, nếu nghi tài xế dùng GPLX giả, CSGT sẽ tiến hành tra cứu qua hệ thống dữ liệu để xác định. Tổng cục Đường bộ VN cũng cần sớm công bố các điểm nhận biết GPLX giả để cơ quan chức năng thuận hơn trong việc kiểm tra xử lý vi phạm”, Thượng tá Nhật đề xuất.

Tước hơn 2.668 GPLX trong 1 tuần

Được biết, qua công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm đảm bảo trật tự ATGT từ ngày 23 - 29/1 lực lượng CSGT Công an các đơn vị, địa phương đã xử lý 19.933 trường hợp vi phạm, phạt tiền 19,3 tỷ đồng, tạm giữ 179 ô tô, 2.651 mô tô, tước 2.688 GPLX. Riêng tại Hà Nội, lực lượng chức năng tạm giữ 55 ô tô, 1.187 xe máy, tước 804 GPLX.

V.Huế

Người vi phạm bỏ hàng chục nghìn GPLX

Đại diện Phòng CSGT Công an TP HCM cho biết, số liệu GPLX bị người vi phạm bỏ lại trong năm 2019 tại các đơn vị CSGT phải đợi hết tháng 2/2020 mới có thể thống kê. Tuy nhiên, con số này chắc chắn nhiều hơn so với năm 2018 (hơn 25.000 GPLX các loại).

Vừa qua, Phòng đã gửi thông báo tước GPLX đến các cơ quan cấp GPLX gần 24.000 GPLX các loại. Trong đó có gần 16.000 thông báo tên tuổi cụ thể từng người, số GPLX… đề nghị các cơ quan chức năng ngăn chặn những người bị CSGT tạm giữ GPLX khi vi phạm nhưng bỏ luôn không đến đóng phạt và lấy lại GPLX. “Những người này sau đó về địa phương viện cớ mất để làm thủ tục cấp lại GPLX mới. Phòng đã yêu cầu các địa phương hướng dẫn người vi phạm phải quay lại các đơn vị CSGT để thực hiện quyết định xử phạt mới được cấp lại GPLX. Tuy nhiên, hồi âm chúng tôi nhận được còn hạn chế…”, đại diện Phòng CSGT cho biết.

Phòng Quản lý sát hạch và cấp GPLX (Sở GTVT TP HCM) cho biết, qua đề nghị của Phòng CSGT, Phòng đã phát hiện gần 320 GPLX giả các loại (xe gắn máy chiếm 2/3). Qua công tác cấp mới hoặc đổi GPLX mới (từ bằng giấy sang thẻ PET), phát hiện gần 60 GPLX giả.

Mai Huyên

Công nghệ làm giả tinh vi

Một Đội trưởng CSGT thuộc Phòng CSGT Công an TP HCM cho biết, công nghệ làm GPLX giả hiện nay rất tinh vi, thẻ giả được in y chang thẻ thật (thẻ nhựa PET) nên CSGT làm nhiệm vụ ngoài đường rất khó phân biệt.

“Ví dụ: nhóm làm giả lấy GPLX thật của anh A. rồi copy nguyên số seri ngày cấp, số bằng, nơi cấp rồi đưa hình anh B. vào, sau đó in ra thẻ PET y chang thật. Trong lúc tuần tra, nếu CSGT phát hiện người sử dụng GPLX nghi vấn thì tra cứu tại chỗ bằng máy tính có kết nối internet và trang chính của cơ quan cấp bằng vẫn hiện lên đúng như GPLX thật. Lỗi ở chỗ là tra cứu không hiển thị được hình ảnh người thật trong GPLX xe thật. Chính vì thế nên có đưa hình giả vào GPLX thật thì CSGT cũng bó tay! Nếu nghi vấn sâu hơn, CSGT phải lập biên tạm giữ và chuyển sang cơ quan điều tra giám định và khi có kết quả thì CSGT mới dám kết luận GPLX đó là thật hay giả. Tuy nhiên, thủ tục này mất thời gian, phải hơn 10 ngày…”, vị Đội trưởng nói.

M.Huyên

Theo baogiaothong.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ