Không có đất xây nhà thể chất
Theo cô Bạch Thanh Huyền - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội), Giáo dục thể chất là môn học bắt buộc thuộc Chương trình GDPT 2018. Môn học nhằm trang bị cho học sinh những kiến thức, kỹ năng vận động cơ bản, hình thành thói quen luyện tập thể dục, thể thao để nâng cao sức khỏe, phát triển thể lực, góp phần thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện.
Năm nay, Trường Tiểu học Trần Quốc Toản có hơn 900 học sinh. Tuy nhiên, do đặc thù địa phương nên nhà trường không đủ diện tích để xây dựng nhà thể chất. Mọi hoạt động dạy và học môn Giáo dục thể chất được thực hiện ở sân trường. Trường có 3 giáo viên dạy bộ môn này, tùy vào tình hình thời tiết sẽ bố trí học sinh của 2 hoặc 3 lớp ra sân tập để đảm bảo không ảnh hưởng đến giờ học các lớp còn lại.
Theo cô Huyền, nhà trường tận dụng tối đa mọi không gian có sẵn như hành lang, sân trường để tổ chức các hoạt động thể chất cho học sinh. Việc sắp xếp các dụng cụ tập luyện được thực hiện khoa học và linh hoạt giúp tiết kiệm diện tích, tạo không gian tập luyện đa dạng. Để tránh tình trạng quá tải về không gian, trường đã xây dựng lịch học linh hoạt, phân chia học sinh thành các nhóm nhỏ để tổ chức hoạt động khác nhau.
Tương tự, Trường Tiểu học Mỹ Đình 1 (quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội) chưa có nhà thể chất riêng mà phải dùng chung với Trường THCS Mỹ Đình 1 nên gặp nhiều bất tiện. Chia sẻ của thầy Hiệu trưởng Trần Thanh Bình, với hơn 1.300 học sinh, giáo viên dạy môn Giáo dục thể chất dưới sảnh tầng 1, nếu thời tiết mát thì có thể ra sân để tập. Nhà trường dự kiến đầu tư mái che ở sân để các em học giáo dục thể chất và tránh mưa nắng.
“Diện tích đất hạn chế nên không thể xây dựng thêm nhà thể chất. Hơn nữa, khi dùng chung nhà thể chất với Trường THCS Mỹ Đình 1 thì việc xếp lịch gặp nhiều khó khăn, chồng chéo. Thời lượng mỗi tiết học ở hai cấp khác nhau. Dù có nhiều điểm bất khả kháng nhưng nhà trường linh hoạt giải pháp để đảm bảo nội dung chương trình cho học sinh theo quy định. Trường cũng tận dụng không gian góc nhà để xe của giáo viên để dạy giáo dục thể chất”, thầy Bình nhấn mạnh.
Nghị quyết 29-NQ/TƯ của Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo nhấn mạnh coi trọng phát triển thể chất để phát triển toàn diện đức - trí - thể - mỹ cho học sinh. Cùng đó, nhiều nghị định, nghị quyết của Đảng và Chính phủ cũng khẳng định vai trò quan trọng của giáo dục thể chất đối với sự hình thành và phát triển thể chất, nhân cách học sinh.
Hiểu rõ vai trò của môn học, tuy nhiên, từ thực tế đơn vị, thầy Đinh Văn Đam - Hiệu trưởng Trường THCS Hải Hưng (Hải Hậu, Nam Định) chia sẻ: Với 17 lớp, mỗi lớp phải học 2 tiết/tuần nhưng chỉ có 1 giáo viên giáo dục thể chất nên việc bố trí lịch học môn này cho học sinh đang là khó khăn. Giải pháp trước mắt của trường là phân công cả giáo viên bộ môn khác tham gia hỗ trợ giảng dạy giáo dục thể chất. Về lâu dài, thầy Đam cho rằng cần cơ chế linh hoạt để tuyển dụng giáo viên dạy bộ môn này về trường.
“Cái khó ló cái khôn”
Toàn trường có 28 lớp với hơn 1.000 học sinh, Trường Tiểu học Hội Hợp B (TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc) chưa có nhà thể chất đạt tiêu chuẩn. Thầy Hiệu trưởng Đào Chí Mạnh cho hay, nhà trường tập trung rèn học sinh thói quen đọc sách và tập luyện thể chất với nhiều hình thức khác nhau. Việc này cần được thực hiện thường xuyên để các em hình thành thói quen, nâng cao sức khỏe.
Từ tháng 1 - 3 hằng năm, nhà trường tổ chức hoạt động thể thao hướng tới “Ngày hội Sport’s Day” diễn ra theo hình thức trực tiếp và trực tuyến. Trường cũng tổ chức cho học sinh tham gia phong trào tập nhảy Dance Sport, đi bộ, chạy bộ và có sự kết nối giữa cha mẹ, thầy cô với học sinh. Khi nắm bắt được xu hướng của học sinh, giáo viên sẽ truyền cảm hứng để các em mạnh dạn tham gia các phong trào hoạt động thể dục thể thao.
Cũng theo thầy Đào Chí Mạnh, công nghệ thông tin đã và đang được nhiều thầy cô ứng dụng rộng rãi trong dạy - học giáo dục thể chất. Các video hướng dẫn tập luyện, ứng dụng thể dục trên điện thoại di động giúp học sinh có thể tập luyện mọi lúc mọi nơi.
Để giải quyết vấn đề thiếu nhà thể chất, nhà đa năng trong các trường học cần có sự chung tay của cả xã hội. Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ về tài chính để các trường học có thể đầu tư xây dựng cơ sở vật chất phục vụ việc dạy và học giáo dục thể chất. Các doanh nghiệp cũng có thể tham gia vào việc tài trợ xây dựng sân chơi, trang thiết bị thể dục thể thao cho trường học.
Dưới góc nhìn chuyên môn, thầy Nguyễn Đức Trường - giảng viên môn Giáo dục thể chất, Học viện Quản lý Giáo dục cho biết, trong bối cảnh nhiều trường phổ thông không có nhà thể chất, việc dạy bộ môn Giáo dục thể chất cần linh hoạt. Các trường có thể tận dụng những khoảng không gian có sẵn để tiết giảm tối đa chi phí đầu tư xây dựng mới nhưng phải đảm bảo an toàn.
Mặt khác, giáo viên có thể áp dụng các phương pháp giảng dạy linh hoạt và sáng tạo như phương pháp trò chơi, thi đấu nhỏ hoặc các bài tập nhóm. Điều này giúp tăng cường sự hứng thú và tham gia của học sinh. Thầy cô cũng nên áp dụng các công nghệ như video hướng dẫn, ứng dụng thể dục trên điện thoại để hỗ trợ giảng dạy và theo dõi tiến độ của học sinh.
Nhà trường có thể kêu gọi sự hỗ trợ từ các tổ chức, doanh nghiệp hoặc cá nhân để xây dựng, cải thiện cơ sở vật chất cho môn Giáo dục thể chất. Tổ chức các hoạt động thể thao ngoại khóa để bù đắp việc thiếu cơ sở vật chất. Điều này không chỉ giúp học sinh rèn luyện thể chất, mà còn phát triển kỹ năng xã hội và tinh thần đồng đội. - Thầy Nguyễn Đức Trường (Học viện Quản lý Giáo dục)