Liệu pháp vắc-xin có gì đáng chú ý?

Liệu pháp vắc-xin có gì đáng chú ý?

Với y dược học hiện đại, nên kể liệu pháp vắc-xin do bác sĩ Edward Jenner thử nghiệm thành công lần đầu tại Anh vào năm 1796.

Giúp cơ thể người tăng sức đề kháng để phòng và chống dịch bệnh – ấy là chế phẩm mang tính kháng nguyên tạo miễn dịch đặc hiệu chủ động do bác sĩ (BS) người Anh Edward Jenner tạo lập và thử nghiệm thành công lần đầu tiên vào năm 1796.

Vắc-xin qua các thứ tiếng

Chế phẩm nọ được ngành y dược gọi bằng thuật ngữ tiếng Latinh vaccina. Lưu ý rằng vacca, tiếng Latinh, mang nghĩa con bò cái. Hoàn toàn phù hợp thực tế, bởi khởi thủy, đó là virus gây bệnh đậu bò, đem chủng cho người nhằm chiến thắng bệnh đậu mùa.

Vaccinium qua vài thứ tiếng:

* Anh, Đan Mạch: Vaccine

* Pháp, Hà Lan, Thụy Điển: Vaccin

* Bồ Đào Nha, Galicia: Vacina

* Tây Ban Nha, Catalan:Vacuna

* Đức: Vakzine

* Esperanto / Quốc tế ngữ: Vakcino

* Nga, Ukraina, Bulgaria: вакцина

* Việt Nam: Vacxin / vắc-xin

Gọi chế phẩm này cũng có những thứ tiếng chẳng dùng đôi âm tiết vắc-xin (có hoặc không chuyển biến ngữ âm cùng giống, số, cách), ví dụ với phiên âm giữa đôi ngoặc vuông:

* Ba Lan: szczepionka

* Croatia: cjepivo

* Xứ Wales: brechlyn

* Xứ Basque: txerto

* Hy Lạp: εμβόλιο [emvólio]

* Ả Rập: لقاح [liqah]

* Hoa: 疫苗 [bính âm: yìmiáo; âm Hán-Việt: dịch miêu]

Lần đầu thử nghiệm thành công

Năm 1796, châu Âu suy thoái trầm trọng bởi đại dịch đậu mùa. Căn bệnh quái ác ấy gây nên triệu chứng sốt, cúm, lắm mụn độc nổi trên mặt và khắp cơ thể, gây quá nhiều ca tử vong. Thuở nọ, hầu khắp thế giới, các ngành khoa học, nhất là y dược, dốc tâm sức nghiên cứu hầu tìm biện pháp khả thi để diệt trừ bệnh đậu mùa.

Ở thị trấn Berkeley, hạt Gloucestershire (nay thường được viết tắt Glos.), Tây Nam nước Anh, BS đa khoa cũng là nhà phẫu thuật thiện nghệ Edward Jenner (1749 - 1823) suy ngẫm về kinh nghiệm dân gian: Nông dân vắt sữa bò có thể bị lây bệnh đậu bò, tuy nhiên sau khi khỏi bệnh đậu bò thì họ miễn nhiễm với bệnh đậu mùa. Dựa vào cơ sở đầy hy vọng nọ, BS Edward Jenner tiến hành thử nghiệm: Lấy dịch từ các vết loét trên bàn tay và cánh tay của nữ bệnh nhân Sarah Nelmes bị bệnh đậu bò, đoạn cấy dịch kia vào cánh tay của cậu bé James Phipps 8 tuổi, khỏe mạnh, ở cùng địa phương.

Liên tục theo dõi, BS Edward Jenner nhận thấy cậu bé Phipps xuất hiện những triệu chứng bệnh đậu bò: Bị sốt nhẹ và đau nách sau khi chủng; 9 ngày sau bị ớn lạnh và ăn không ngon. Đáng lưu ý là 48 ngày sau, Phipps khỏi hẳn bệnh đậu bò, BS Edward Jenner bèn tiêm chích mầm bệnh đậu mùa vào cơ thể cậu bé nhưng James Phipps chứng tỏ đề kháng được căn bệnh ghê gớm.

Kết quả thử nghiệm của BS Edward Jenner thành công tốt đẹp, xác lập bằng chứng khoa học đầy thuyết phục cho liệu pháp mới: Đưa vào cơ thể người (và động vật nói chung) một chế phẩm mang tính kháng nguyên, tức lượng nhỏ mầm bệnh không gây hại của dịch truyền nhiễm, là cách phòng tránh rất hiệu quả dịch bệnh tương tự. Nhờ vậy, con người đã chiến thắng đại dịch đậu mùa tại châu Âu năm 1796, tại Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Liên bang Nam Tư năm 1972.

Liệu pháp vắc-xin có gì đáng chú ý? ảnh 1
Có 3 cách dùng vắc-xin là chủng, tiêm, uống. Một trẻ sơ sinh uống vắc-xin. Ảnh: Minh Thượng

Phân loại và sử dụng

Tập 4 Từ điển bách khoa Việt Nam (Hà Nội, 2005) chia vắc-xin thành 4 loại theo cách sản xuất:

1. Vắc-xin sống: Chế từ những vi sinh vật đã được làm giảm độc (vắc-xin phòng bại liệt, vắc-xin sởi);

2. Vắc-xin chết: Chế từ vi sinh vật đã bị giết chết (vắc-xin phòng ho gà);

3. Giải độc tố chế từ độc tố của vi khuẩn đã được giải độc (vắc-xin phòng uốn ván, vắc-xin bạch hầu);

4. Chỉ dùng 1 kháng nguyên từ vi sinh vật rồi nhờ công nghệ sinh học để sản xuất ra kháng nguyên đó với số lượng đủ làm vắc-xin như vắc-xin viêm gan B thế hệ thứ 2 gọi là vắc-xin tái tổ hợp.

Sách công cụ nọ in vacxin, ở đây ghi vắc-xin. Như đã nhắc, vắc-xin còn áp dụng trong thú y. Tùy bản chất ký sinh và tác nhân gây bệnh, cùng cấu trúc và hoạt tính của từng vắc-xin, mà ngành y chọn 1 trong 3 phương pháp sử dụng vắc-xin nhằm đạt hiệu quả tối ưu: Chủng, tiêm, uống. Bách khoa từ điển mở Wikipedia cho biết 3 phương pháp dùng vắc-xin:

1. Chủng: Lấy dao sắc rạch da rớm máu, rồi cho tiếp xúc

vắc-xin; phương pháp này thuở trước được dùng đối với vắc-xin đậu mùa và vắc-xin lao.

2. Tiêm: Sử dụng ống và kim tiêm dưới da hoặc trong da, không được tiêm vào mạch máu; phương pháp này phổ thông nhất hiện nay, kể cả vắc-xin BCG phòng lao.

3. Uống: Cách dùng với các vắc-xin Sabin ngừa bệnh bại liệt, vắc-xin Rotavirus chống tiêu chảy, vắc-xin chống bệnh giun phổi bò.

Toàn cầu đang khủng hoảng quá nặng nề do

Covid-19 là đại dịch gây bệnh hô hấp cấp tính truyền nhiễm bởi virus Corona chủng mới khởi phát từ Vũ Hán, Hồ Bắc, Trung Quốc. Về vắc-xin phòng và chống Covid-19, trong cuộc họp ngày 16/5/2020 tại TP Geneva, Thụy Sĩ, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết hiện có 8 loại tiềm năng được thử nghiệm lâm sàng cùng 110 loại khác trên tiến trình nghiên cứu ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Canada, Đan Mạch, Pháp, Đức, Ấn Độ, Nhật Bản…

Giới chuyên môn nhận định rằng, mỗi loại vắc-xin từ khởi sự khảo sát đến sản xuất và phân phối hàng loạt phải trải qua nhiều công đoạn, thời gian có khi hàng thập kỷ; hiện nhờ nỗ lực hợp tác quốc tế, quy trình hoàn thiện mỗi loại vắc-xin phòng và chống Covid-19 cũng mất ít nhất 18 tháng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ