Lãnh đạo liên minh gồm Mỹ - Anh - Australia (AUKUS) ngày 14/3 tuyên bố đạt thỏa thuận cung cấp các tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân cho Australia.
Phát biểu tại buổi lễ công bố ở căn cứ Hải quân Mỹ ở San Diego, Tổng thống Mỹ Joe Biden nhấn mạnh rằng thỏa thuận này nằm trong khuôn khổ hợp tác AUKUS 2021.
Ông cũng khẳng định đây là một phần trong cam kết của Washington với hai đồng minh nhằm hướng tới mục tiêu Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở.
Tổng thống Mỹ cũng nêu rõ các tàu ngầm sẽ cung cấp cho Australia chạy bằng năng lượng hạt nhân chứ không phải được trang bị vũ khí hạt nhân. Trong khi đó, Thủ tướng Australia Anthony Albanese cho biết, thỏa thuận này là khoản đầu tư vào năng lực quốc phòng lớn nhất trong lịch sử Australia, phản ánh quyết tâm củng cố an ninh quốc gia và sự ổn định trong khu vực của nước này.
Còn Thủ tướng Anh Rishi Sunak đánh giá thỏa thuận trên đánh dấu lần đầu tiên, 3 hạm đội tàu ngầm cùng hợp tác xuyên Đại Tây Dương và Thái Bình Dương để giữ cho các đại dương được tự do trong nhiều thập kỷ sắp tới.
Tuy nhiên, viễn cảnh này sẽ không thể diễn ra sớm mà cần ít nhất gần một thập kỷ nữa mới có thể trở thành hiện thực.
Theo thỏa thuận, phải đến đầu những năm 2030, Mỹ mới có thể tiến hành bán cho Australia 3 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân lớp Virginia, do hãng General Dynamics chế tạo.
Sau đợt giao hàng này, Australia sẽ có điều khoản được phép mua thêm ít nhất 2 tàu ngầm hạt nhân bổ sung vào hạm đội của mình nếu cần thiết.
Ngoài ra, 3 nước Mỹ, Anh và Australia cũng công bố dự án chế tạo tàu ngầm mới, trong đó Anh và Australia sẽ sản xuất lớp tàu ngầm có tên SSN - Aukus, loại tàu được phát triển 3 bên dựa trên thiết kế tàu thế hệ tiếp theo của Anh và công nghệ của Mỹ. Nhưng thời điểm hải quân Australia được biên chế loại tàu ngầm mới này thậm chí còn xa hơn so với lúc nhận tàu ngầm hạt nhân từ Mỹ.
Cụ thể, Anh sẽ cho ra mắt chiếc tàu ngầm SSN-Aukus đầu tiên vào cuối những năm 2030 và Australia sẽ cho ra chiếc đầu tiên vào đầu những năm 2040. Các tàu này sẽ do hãng BAE Systems và Rolls-Royce hợp tác chế tạo.
Giới chức quốc phòng Australia cho biết, chương trình tàu ngầm của nước này với Anh và Mỹ sẽ tiêu tốn khoảng 245 tỷ USD đến năm 2055, chiếm khoảng 0,15% GDP của Australia mỗi năm và sẽ tạo ra khoảng 20.000 việc làm trong hơn 30 năm tới.
Tổng thống Mỹ Joe Biden nhiều lần nhấn mạnh rằng, thỏa thuận tàu ngầm của AUKUS không nhằm thách thức bất kỳ ai mà chỉ nhằm đảm bảo sự ổn định tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, trước khi thỏa thuận được công bố, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã ra tuyên bố cương quyết phản đối thỏa thuận tàu ngầm của khối AUKUS.
Phản ứng đầu tiên của Bắc Kinh sau khi thỏa thuận tàu ngầm hạt nhân được đưa ra là từ phái đoàn Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc. Cơ quan này chỉ trích động thái của Mỹ, Anh, Australia là “hành động bỏ bê nghĩa vụ với tư cách là cường quốc hạt nhân và là thành viên Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT), tạo ra nguy cơ phổ biến vũ khí hạt nhân nghiêm trọng”.