Liên hoan truyền hình toàn quốc lần thứ 38: Cuộc bứt phá ngoạn mục

GD&TĐ - Liên hoan truyền hình toàn quốc (LHTHTQ) lần thứ 38 thu hút sự tham gia của 114 đơn vị đến từ các tỉnh, thành trong cả nước, với 497 tác phẩm dự thi. 

Truyền hình thời đại số phải luôn thay đổi để hấp dẫn khán giả
Truyền hình thời đại số phải luôn thay đổi để hấp dẫn khán giả

Các tác phẩm bám sát đời sống xã hội cùng cách thể hiện sáng tạo, hiện đại, cập nhật công nghệ sản xuất truyền hình mới, góp phần mang lại sức hấp dẫn cho LHTHTQ năm nay.

Chung cuộc, BTC trao 30 giải Vàng, 58 giải Bạc và 128 bằng khen cho các tác phẩm xuất sắc.

Thay đổi đáp ứng cung - cầu

Đánh giá về kết quả của LHTHTQ lần thứ 38, ông Trần Bình Minh - Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam cho biết, số lượng cũng như chất lượng tác phẩm tham dự kỳ liên hoan năm nay cho thấy nỗ lực không ngừng nghỉ của những người làm truyền hình trong hành trình phục vụ công chúng.

“Mặt bằng chất lượng nội dung và thể hiện ở các tác phẩm được nâng cao, phản ánh phong phú những vấn đề thời sự của cả nước cũng như từng địa phương.

Đặc biệt, sự xuất hiện lần đầu của một số đài truyền hình trong thể loại phim tài liệu dài tập và phim truyền hình có sự đầu tư kĩ lưỡng, giàu sức sáng tạo, góp phần làm nên sự phong phú và nâng cao chất lượng của liên hoan”, ông Trần Bình Minh nhấn mạnh.

Chia sẻ về thực tế đang đặt ra nhiều thách thức, đòi hỏi ngành truyền hình không những phải đối diện mà buộc phải “lột xác” trước sự bùng nổ của công nghệ thông tin với sự hỗ trợ của công nghệ số, ông Nguyễn Thành Lương - Phó Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam nêu rõ phạm vi ảnh hưởng của truyền thống đang ngày càng bị thu hẹp, nếu không chủ động chuyển đổi, sẽ tụt hậu và mất khán giả.

“Không những cần ưu tiên đầu tư nguồn kinh phí cho cơ sở hạ tầng để phát triển, sản xuất nội dung số, các nhà đài cũng cần định hình tầm nhìn, điều kiện thay đổi, việc phải làm khi giải bài toán tồn tại hay không tồn tại” - ông Nguyễn Thành Lương trăn trở.

Những sự tôn vinh xứng đáng

Có thể hiểu được tâm tư của những người có trách nhiệm đối với tương lai của truyền hình. Đó là những tâm tư cần thiết để tìm hướng đi mới của kênh truyền thông quen thuộc này. Dẫu vậy, tạm gác lại những băn khoăn lo lắng, đêm chung kết LHTHTQ lần thứ 38 vẫn tràn ngập niềm vui của những người làm truyền hình.

Với 153 tác phẩm, thể loại phóng sự luôn thu hút nhiều tác phẩm tham gia dự thi nhiều nhất trong các kỳ liên hoan. Các tác phẩm dự thi đều bám sát các vấn đề thời sự nóng của đời sống xã hội, đã được đội ngũ phóng viên tìm tòi, phản ánh chân thực, khách quan.

Điều đó phản ánh qua việc 9 giải Vàng đều được trao cho những tác phẩm đã từng thu hút sự chú ý của công chúng, gồm: “Người thầy”, “Phức tạp trong hoạt động bảo kê ở chợ Long Biên”, “Lựa chọn nghiệt ngã”, “Sáp nhập xã, xóm, bản – khó từ đề án”, “Người mai mối “cuộc tình” nông dân – siêu thị”, “Đường của thầy”, “Vị ngọt cho đời”, “Tour du lịch 0 đồng”.

Theo nhà báo Nguyễn Đăng Học, Trưởng Ban giám khảo thể loại phóng sự của liên hoan, các phóng sự không chỉ thể hiện sự nỗ lực về mặt nghề nghiệp, mà còn ở sự dấn thân của các nhà báo đối với các đề tài nóng bỏng của cộng đồng, xã hội, của đất nước. Bên cạnh những tác phẩm đề cập đến những vấn đề vĩ mô có nhiều tác phẩm đề cập những câu chuyện cảm động, rất có ý nghĩa trong cuộc sống.

Thể loại phim tài liệu cũng được chú ý, trong đó nổi lên là những đề tài về cuộc sống đương đại, chiến tranh và cuộc sống hậu chiến. Nhiều Đài Truyền hình địa phương được đánh giá là có những bước tiến bộ về mặt kỹ thuật và cách thể hiện.

Kết quả ở thể loại này, các tác phẩm “Trở về Puria”, “Nửa thế kỷ thầm lặng”, “Người vẽ ước mơ”, “Những thanh niên làng Nam Ô”, “Lần theo dấu vết” là 5 tác phẩm giành được giải Vàng.

So với năm trước, số lượng tác phẩm dự thi ở thể loại sân khấu tăng mạnh ở liên hoan lần này. Không chỉ được đầu tư công phu, dàn dựng hiện đại về mỹ thuật, ánh sáng, âm thanh, các đề tài đi vào muôn mặt cuộc sống đã tạo nên điểm nhấn mang màu sắc riêng.

Tác phẩm “Chúng em ký tên dưới đây” đã giành giải Vàng thể loại này. Còn ở thể loại chương trình dành cho thiếu nhi, các tác phẩm “Vị quê nhà”, “Lớn lên em sẽ làm gì - Nghề lính cứu hỏa” được trao giải Vàng.

Cuối cùng, một thể loại truyền hình không thể bỏ qua: Phim truyền hình. Không ngoài dự đoán của công chúng, cùng với “Gạo nếp gạo tẻ” (phần I), “Ngày ấy mình đã yêu” - bộ phim dài 24 tập do Trung tâm Sản xuất phim truyền hình (VFC) - Đài Truyền hình Việt Nam - giành được giải Vàng. Đây là một trong những bộ phim remake, Việt hóa từ kịch bản phim “Discovery of Love” của Hàn Quốc, thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân và tạo ra những diễn đàn sôi động trên các trang mạng xã hội.

NSƯT Nguyễn Thanh Hải, Trưởng Ban giám khảo thể loại phim truyền hình cho hay: “Tại liên hoan này, có những tác phẩm đã rất mạnh dạn lựa chọn những đề tài gai góc.

Cũng có những bộ phim chỉ là câu chuyện dạt dào cảm xúc, nhẹ nhàng, tâm lý, tình cảm nhưng được thực hiện rất chuyên nghiệp, đầu tư kỹ lưỡng. Điều đáng mừng nhất là các nghệ sĩ đã thể hiện rất tốt vai diễn. Đây là một tín hiệu tốt để chứng minh phim truyện truyền hình đang có những thay đổi bứt phá, đáp ứng được kỳ vọng của công chúng”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tàu sân bay USS Harry S. Truman tại Biển Đỏ.

Mỹ phóng 200 tên lửa đối phó Houthi

GD&TĐ - Theo War Zone, Hải quân Mỹ phóng gần 400 quả đạn, trong đó có hơn 200 tên lửa, để đối phó các đòn tập kích của Houthi trong hơn 10 tháng qua.

Kế hoạch bí mật cứu Ukraine

Kế hoạch bí mật cứu Ukraine

GD&TĐ - Liên minh Quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã vạch kế hoạch chuẩn bị lực lượng gìn giữ hòa bình để cứu chính phủ Ukraine hiện nay.