Đây là hoạt động kỷ niệm 240 năm ngày sinh (1778 - 1858) của Uy viễn Nguyễn Công Trứ - người đã có đóng góp lớn trong quá trình phát triển nghệ thuật hát Ca trù.
Sân chơi nghệ thuật này tạo điều kiện để các nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên, khán giả giao lưu, trao đổi kinh nghiệm chuyên môn. Liên hoan là một minh chứng cụ thể hóa cam kết của ngành văn hóa với UNESCO về công tác bảo vệ di sản văn hóa thế giới, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể của Ca trù.
Tham gia Liên hoan Ca trù toàn quốc năm nay có các nghệ nhân, nghệ sỹ, nhạc công thuộc các Câu lạc bộ Ca trù đến từ 15 tỉnh, thành phố có di sản Ca trù được ghi trong Hồ sơ quốc gia gồm: Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và TPHCM.
Mỗi chương trình tham dự liên hoan có thời lượng từ 60 phút đến 90 phút và bắt buộc phải trình bày một tác phẩm của Nguyễn Công Trứ. Phần nội dung còn lại là các tiết mục tự chọn mang phong cách vùng miền. Theo qui định của BTC, các thể cách bắt buộc khi tham gia Liên hoan Ca trù bao gồm: Giáo hương, Dâng hương, Hát giai, Thét nhạc, Gửi thư, Bắc phản, Mưỡu - Hát nói, Tỳ bà hành, Nhịp ba cung Bắc, Ngâm thơ cô đầu, Ả Phiền 36 giọng, Hát đò đưa, Hát múa Bài bông, Hát múa Bỏ bộ, các thể cách trong hát múa Chúc hỗ.
Phần thi Tài năng Ca trù 2018 không có qui định bắt buộc. Kết thúc Liên hoan, BTC sẽ xét tặng giải thưởng A, B cho các đoàn và các đào nương, kép đàn, quan viên có thành tích xuất sắc.