Trước rất nhiều tình huống cần bản lĩnh cứng cáp, đứng mũi chịu sào thì trong vai trò thuyền trưởng đội bóng, ông chỉ biết đổ lỗi cho… học trò.
Mất kiểm soát phòng thay đồ
CLB Đà Nẵng có khởi đầu không tệ ở V-League 2021 với 3 chiến thắng liên tiếp và thường xuyên góp mặt ở tốp đầu. Tuy nhiên, các học trò của HLV Lê Huỳnh Đức ngày càng sụt giảm phong độ.
Sau khi để thua Viettel ở phút 90+3 bởi tình huống phản lưới nhà của thủ quân Hoàng Minh Tâm, đội bóng sông Hàn đã nối dài mạch không thắng tại V-League 2021 lên con số 5, trong đó thua tới 4.
Đặc biệt, đoàn quân của HLV Lê Huỳnh Đức đã thua cả ba trận đấu trên sân nhà trước HAGL 0-2 (vòng 8), Sài Gòn (vòng 11) và Viettel (vòng 12) với cùng tỉ số 1-2.
Những kết quả bết bát khiến đội bóng sông Hàn rơi xuống vị trí thứ 9 trên BXH, cùng điểm với Hà Nội (hạng 7) và Bình Định (hạng 8) nhưng xếp sau do thua về chỉ số phụ.
Dù chỉ cách đội xếp thứ 6 là B.Bình Dương có 1 điểm, nhưng SHB Đà Nẵng đã mất quyền tự quyết trong cuộc đua vào tốp 6 (tốp đua vô địch giai đoạn 2) khi chỉ còn có 1 vòng đấu nữa giai đoạn 1 sẽ khép lại. Tham vọng vô địch của lãnh đạo đội bóng đặt ra cho thầy trò Lê Huỳnh Đức coi như vỡ tan tành.
Thất bại trước Viettel cũng dập tắt những hy vọng mong manh về mối quan hệ ngày càng xấu đi giữa Lê Huỳnh Đức và CLB Đà Nẵng. Trước đó, sau trận thua 1-2 trước Sài Gòn ở vòng 11, HLV Lê Huỳnh Đức đã khiến sân Hòa Xuân rung chuyển khi tuyên bố ông bị cầu thủ “tạo phản”.
“Tôi không hiểu sao họ không làm theo ý của tôi. Tôi tập một đằng thì vô sân họ làm khác. Ví dụ tôi tập người này đá phạt, nhưng vô sân thì người khác thực hiện. Tôi không hiểu sao họ làm vậy. Họ không thực hiện đúng ý đồ của tôi” – Lê Huỳnh Đức cho biết.
Phát biểu của HLV Lê Huỳnh Đức chính thức trở thành đáp án về sự hoài nghi trước đó, “phòng thay đồ của Đà Nẵng có mất kiểm soát hay không”. Đồng thời, phát biểu trên cho thấy khoảng cách về sự gắn kết giữa ông và các cầu thủ đã bị đẩy đi khá xa, không thể cứu vãn.
Đó có thể là một trong những nguyên nhân khiến nội bộ của đội chủ sân Hòa Xuân bất ổn kéo dài trong gần 3 năm qua, kéo theo thành tích kém cỏi, không như sự kỳ vọng của lãnh đạo CLB Đà Nẵng.
Ngay từ trung tuần tháng 4 đã rộ lên thông tin Lê Huỳnh Đức xin nghỉ bởi tiếng nói của ông với học trò không còn trọng lượng và uy tín. Các cầu thủ Đà Nẵng không còn tuân thủ đấu pháp, yêu cầu của người cầm quân.
Lãnh đạo đội bóng sông Hàn bị đẩy vào tình thế phải thay tướng. Giải pháp dung hòa cho tất cả được thống nhất, ông Đức nộp đơn từ chức và lãnh đạo CLB Đà Nẵng chấp nhận.
Về hình thức, ông Đức xin nghỉ việc chứ không phải bị sa thải. Đà Nẵng cũng tránh được cái tiếng, bênh cầu thủ và đối xử phũ phàng với công thần.
Vì đâu nên nỗi?
Lê Huỳnh Đức được coi là công thần của bóng đá Đà Nẵng. Rời đội Ngân hàng Đông Á, Lê Huỳnh Đức chuyển về khoác áo SHB Đà Nẵng từ năm 2004 đến 2007. Trong bốn năm đá cho đội bóng sông Hàn, Lê Huỳnh Đức đã mang về cho CLB danh hiệu vô địch Đại hội TDTT toàn quốc vào năm 2005.
Sau đó, ông Đức theo học các lớp HLV chuyên nghiệp do AFC và FIFA tổ chức. Đỉnh cao trong sự nghiệp cầm quân của ông là cùng Đà Nẵng giành 2 chức vô địch V-League vào các năm 2009 và 2012, ngoài ra còn lên ngôi ở Cúp Quốc gia 2009.
HLV Lê Huỳnh Đức từng chia tay SHB Đà Nẵng khi mùa giải 2017 khép lại. Một năm sau, ông trở lại dẫn dắt đội bóng bên bờ sông Hàn. Liên tiếp hai mùa giải 2019 và 2020, SHB Đà Nẵng thi đấu thất vọng, luôn nằm trong vòng xoáy đua trụ hạng.
Đến mùa giải 2021, ông Đức được tạo mọi điều kiện để đua vô địch. Lần lượt những cầu thủ chất lượng được đưa về sân Hòa Xuân. Nhưng càng đá, đội càng trượt dài và mỗi lần thất bại, HLV Lê Huỳnh Đức lại đổ lỗi cho các học trò…
Chuỗi trận bết bát nhất của Đà Nẵng ở mùa giải này bắt đầu sau trận thua 0-2 trước HAGL. Ông chê cầu thủ mình bị tâm lý, tự thua chứ cầu thủ HAGL không chơi hay hơn.
Hoặc sau thất bại trên sân Bình Dương, trả lời câu hỏi “ông có tiếc không khi đội nhà thất bại?”, HLV Lê Huỳnh Đức nói: Nhìn thực tế, rõ ràng các tiền đạo của tôi “cùi” quá. Họ tấn công rất nhiều nhưng chẳng có được cú sút nào thì làm sao có bàn thắng được.
Trong khi B.Bình Dương chỉ có 1 cú sút thôi và họ có bàn thắng. Đó là điều thứ nhất”. Cũng ở trận này, ông Đức phát biểu: “Hậu vệ của tôi không đọc được tình huống nên để Tiến Linh thoải mái sút xa ghi bàn”.
Về quan hệ với các cầu thủ, ông Đức luôn có xung đột với tiền đạo, tuyển thủ quốc gia Hà Đức Chinh. Cũng sau trận thua B.Bình Dương, ông Đức phát biểu giống như “dìm hàng” tiền đạo của Đà Nẵng nhưng lại là sự lựa chọn hàng đầu của HLV Park Hang Seo.
“Hà Đức Chinh đang xuống phong độ, cậu ấy thường cần đến 8 - 9 trận đấu mới ghi 1 bàn. Khi tập, các tiền đạo của tôi dứt điểm rất nhiều, nhưng khi vào trận đấu họ lại quá cầu toàn, khiến cơ hội trôi qua. Tôi cho rằng đã đến lúc SHB Đà Nẵng phải thay đổi”. Đây là điều không hề lạ, vì trước đây, HLV Lê Huỳnh Đức vẫn thường chê Đức Chinh trong các phát biểu của mình.
Trong thời đại công nghệ, mạng xã hội và các trang tin mọc như “nấm sau mưa”, sống nhờ lượng view với những thứ giật gân thì phát biểu của ông Đức về Đức Chinh đã biến tướng thành hàng loạt cái tít hút người đọc: “HLV Lê Huỳnh Đức lại lên tiếng chê bai Hà Đức Chinh”, “SHB Đà Nẵng thua, HLV Lê Huỳnh Đức lại dè bỉu Hà Đức Chinh”; “Hà Đức Chinh bị HLV Lê Huỳnh Đức “chê te tua”, cần 9 trận mới ghi 1 bàn”; “Chê Đức Chinh, HLV Lê Huỳnh Đức tăng cường tiền đạo ngoại binh”…
Thực tế Chinh không phải là nguyên nhân chính, hay “tội đồ” cho những kết quả kém cỏi của Đà Nẵng. Vậy nên, ông Đức đã bao giờ tự đặt mình vào vị thế của học trò không?
Ngay cả khi Đà Nẵng giành chiến thắng, như trận thắng Hải Phòng 1-0 giai đoạn 2 vòng đua trụ hạng mùa giải 2020, ông Đức ví von Đức Chinh với siêu sao thế giới Ronaldo.
Nhưng tiền đạo quê Phú Thọ sẽ chẳng thể vui sau khi những đánh giá của người thầy ở Đà Nẵng. “Mùa giải năm nay tôi đã tạo điều kiện rất tốt cho Chinh vào sân thi đấu để có cơ hội lên tuyển.
Thế nhưng Đức Chinh chỉ chơi tấn công, việc tham gia hệ thống phòng ngự rất khó khăn. Ngôi sao hàng đầu thế giới như Ronaldo khi tấn công, còn phải chủ động phòng ngự nhưng Chinh ít làm điều đó”, HLV Lê Huỳnh Đức phân tích về học trò.
Cũng cần phải nói thêm, mặc dù Đức Chinh bị ông Đức chê lên, chê xuống, song anh thường xuyên được HLV Park Hang Seo triệu tập lên các đội tuyển quốc gia.
Tiền đạo trưởng thành từ lò PVF đã có những đóng góp đáng kể cho bóng đá Việt Nam dưới triều đại ông Park, từ tấm HCV lịch sử SEA Games 30 của U22 Việt Nam cho đến hành trình đứng đầu bảng G của đội tuyển quốc gia, tại vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á.
Hà Đức Chinh tuy chưa phải là ngôi sao hạng A, song anh đang là cầu thủ mang tính biểu tượng của bóng đá Đà Nẵng trong màu áo các đội tuyển quốc gia.
Hệ quả tất yếu
Thành tích kém cỏi của Đà Nẵng mùa này, kể cả 2 năm liên tiếp gần đây phải trụ hạng vất vả có nhiều nguyên nhân. Nhưng ở góc độ chuyên môn, là một HLV trưởng, ông Đức phải là người chịu trách nhiệm chính hơn là tìm kiếm đến sự đổ lỗi “khách quan” nào đó.
Nhất là, điều tối kỵ của người cầm quân là dồn sự chú ý và mũi dùi chỉ trích vào học trò sau những thất bại. Trong khó khăn, đội bóng bị bủa vây bởi sức ép của người hâm mộ, lãnh đạo và nhà tài trợ, rất cần người thuyền trưởng tài năng và trách nhiệm. Đòi hỏi này ông Đức đã làm tốt chưa?
Cựu danh thủ Lê Huỳnh Đức, khi còn thi đấu được đánh giá là mẫu tiền đạo tốt nhất của bóng đá Việt Nam sau thế hệ đàn anh Ba Đẻn, Cao Cường… Trong vai trò cầm quân, 2 chức vô địch V-League và 1 Cúp Quốc gia giai đoạn 2009 - 2012 cũng cho thấy năng lực của HLV sinh năm 1972.
Nhưng bóng đá ngày nay đòi hỏi nhiều, khắt khe hơn với vị trí HLV trưởng. Trong cương vị người thầy, không chỉ là những bài tập chuyên môn, còn là xử lý các vấn đề trong quan hệ với học trò, nhà tài trợ và cả truyền thông. HLV Park Hang Seo thành công rực rỡ với bóng đá Việt Nam, trong đó ông đã giải quyết rất tốt bài toán tâm lý với các học trò.
HLV Lê Huỳnh Đức từng nhấn mạnh vào việc các học trò đang phản ứng ngầm với cách huấn luyện của mình. Chuyện cầu thủ bất tuân mệnh lệnh của HLV không phải chuyện hiếm, nhưng đó có thể là 1 - 2 người.
Nhưng đa số cầu thủ của đội đều không thực hiện, thì điều đó có nghĩa là gì? Trong phát biểu của mình, ông Đức cũng thừa nhận các học trò có vẻ như không còn coi mình là thầy. Các cầu thủ Đà Nẵng có cố tình làm trái ý HLV?
Những câu hỏi đó dù đáp án là gì chăng nữa thì có trách nhiệm rất lớn của ông Đức trong vai trò người đứng đầu đội bóng về chuyên môn. Ông đã không giải quyết rốt ráo những biểu hiện, mầm mống trong tâm lý học trò.
Cựu danh thủ Lê Huỳnh Đức thừa nhận mình không phải là chuyên gia tâm lý để có thể giải quyết bài toán khủng hoảng của cầu thủ. “Ở nước ngoài còn có chuyên gia tâm lý chứ ở đây một mình tôi làm hết.
Khuôn mặt tôi lúc nào cũng ‘lãnh đạo’ mà người làm tâm lý phải nhẹ nhàng, tìm cách giải quyết vấn đề”, ông Đức từng chia sẻ.
Nhưng ông Đức không phải là tay mơ trong sân chơi chuyên nghiệp đầy rẫy thị phi, trắng đen lẫn lộn như V-League. Chỉ có điều, ông quá cứng nhắc, thậm chí bảo thủ trong cách ứng xử của mình. Những phát biểu của ông về tiền đạo Hà Đức Chinh là ví dụ sinh động.
Vậy nên, sự ra đi của HLV Lê Huỳnh Đức là hệ quả tất yếu từ chính quan điểm và hành xử của cựu danh thủ này. Một bài học đủ lớn cho ông thầy sinh năm 1972.