Lấy người mình yêu có thật sự hạnh phúc?

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Người ta thường bảo “lấy được người mình yêu thì dù rau cháo cũng hạnh phúc, không cần gì hơn”. Điều ấy có thực sự đúng?

Lấy người mình yêu có thật sự hạnh phúc?

Sau bao kiếp nạn, bây giờ mới bắt gặp một tâm hồn đồng điệu nên Lan yêu bằng tất cả tấm chân tình. Lan chọn lấy người mình yêu. Cô bảo, lấy được người mình yêu thì dù có vất vả cực nhọc cũng vẫn thích vì được sống chung một nhà.

Hàng ngày được ngắm nhìn người mình yêu, được ăn cùng mâm, ngủ cùng giường thì không gì hạnh phúc hơn. Cho dù người ta không yêu mình bằng mình yêu họ nhưng họ đã chấp nhận chung sống với mình, thì còn mong gì hơn.

Lan bất chấp cả thế giới. Bất chấp cả mọi gian khổ. Bất chấp mọi thách thức. Bởi vì, cô có được người mình yêu. Ở bên người ấy, chuyện to tát đến đâu, cũng trở nên nhỏ bé. Dù cuộc đời bầm dập đến thịt nát tan xương, cô vẫn tin, rằng mình hạnh phúc. Và sẵn sàng cho cuộc hôn nhân ấy, chỉ cần người ấy không buông bỏ, em nhất định không buông tay.

Thế nhưng, chỉ được một thời gian, lại thấy mình phải chịu thiệt thòi nhiều quá. Suốt ngày từ sáng đến tối, lúc nào cũng tất bật phải chăm lo cho họ, chạy theo sở thích của họ. Ngay cả buổi đêm, làm tình cũng vì họ, mong họ thỏa mãn, chứ mấy khi bản thân được mãn nguyện.

Ban đầu thì vui vẻ “cho đi” nhưng càng về sau, càng nuôi hy vọng một ngày nào đó mình cũng sẽ được “nhận lại” tình yêu như mình đối xử với họ. Thế nhưng, mong muốn là một chuyện, còn hiện thực hay không lại là chuyện khác. Cuối cùng, gây nên áp lực mệt mỏi cho bản thân. Mỗi ngày đều phải gồng mình cố gắng trong công việc, trau chuốt ngoại hình, rèn luyện nhẫn nại…

Trách nhiệm duy trì tình yêu sẽ đặt gánh nặng trên vai. Chẳng còn hồ hởi như thời gian đầu, chẳng còn cam tâm với nỗ lực mang đến niềm vui cho người khác nữa. Lâu dần, cảm thấy mệt mỏi, chán nản, thậm chí uất ức vì không được yêu lại. Cảm thấy tủi thân khi nhìn người ta được bạn đời quan tâm, chăm sóc. Còn bản thân thì ngược lại.

Bản năng con người là khát khao được yêu và được thương nên sẽ khó lòng cho phép bản thân chấp nhận việc cứ cho đi mãi mà không nhận lại bất cứ điều gì. Lan cảm thấy bức xúc, áp lực, buồn chán, bị rơi vào trạng thái trầm cảm, từ yêu trở nên ghét bạn đời. Bi kịch xảy ra với những cuộc cãi vã không ngừng. Bạn đời của cảm thấy cô thay đổi theo chiều hướng xấu, xa lạ, không còn đủ kiên nhẫn để vị tha, để bao dung.

Và rồi vào một ngày, Lan tức tưởi vì cảm thấy thời gian, công sức, tình cảm mình bỏ ra thật phí hoài. Cô thấy chán nản và không muốn nỗ lực nữa. Tình cảm có bắt đầu và cũng sẽ có kết thúc, cuối cùng, cô chọn ra đi. Kết thúc cuộc hôn nhân sau chuỗi ngày chỉ “cho đi”. Hôn nhân thất bại.

Lấy người mình yêu thật chất không hẳn là yếu tố quan trọng. Quan trọng là người ấy phải biết cảm thông, chia sẻ và trách nhiệm với nhau. Không hiểu nhau vẫn có thể yêu nhau, nhưng để tình yêu ấy đơm hoa kết trái bền lâu, lại là chuyện khác. Không có gì là hoàn hảo, cuộc sống lứa đôi lại càng không có sự vẹn toàn.

Lấy người mình yêu không phải là điều kiện cho một hôn nhân hạnh phúc. Quan trọng với phụ nữ là chọn được đàn ông tử tế và trách nhiệm. Quan trọng với đàn ông là chọn được đàn bà biết tôn trọng và biết chăm lo gia đình. Ở một chừng mực nào đó thì hạnh phúc chính là ở bên người cho mình cảm giác được an toàn, được an yên, được thanh thản. Ấy là đủ!

Bởi vì, tình yêu dẫu có say đắm đến đâu chăng nữa, rồi cũng trở nên vì nghĩa mà ở bên nhau. Người phù hợp nhất với mình là người tốt nhất. Cuối cùng, yêu sẽ biến thành thương, nghĩa làm cho người ta ở lại bên nhau. Con người ta thực ra cần người để thương và được thương mà thôi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh lớp 12 đăng ký phương thức xét tuyển sớm của Trường Đại học Công Thương TPHCM, tháng 4/2024. Ảnh: Mạnh Tùng

Điểm cao chẳng thể chủ quan

GD&TĐ - Dù đạt điểm cao ở các kỳ thi đánh giá năng lực, thí sinh vẫn cần tập trung tốt cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT, đồng thời đăng ký nguyện vọng hiệu quả nhất.