Cho đến nay, các nhà khoa học không thể lấy đủ năng lượng từ các giọt nước. Tuy nhiên hiện giờ họ thực hiện được bước đột phá trong lĩnh vực này.
Tuy nhiên, viễn cảnh trong đó những chiếc ô sản xuất ra điện đủ để sạc điện thoại thông minh, còn ở rất xa. Thế nhưng, các nhà khoa học đã tìm ra phương pháp lấy điện năng ở mức độ có khả năng sinh lợi từ những thiết bị tạo mưa nhân tạo.
Phương pháp nói trên có thể tạo ra điện năng từ một giọt nước mưa để thắp sáng 100 bóng đèn LED. Đây là bước nhảy vọt về hiệu suất.
“Các nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, giọt nước mưa với khoảng 100 micro lít nước, rơi từ độ cao 15 cm, có thể tạo ra hiệu điện thế 140V, đủ để thắp sáng 100 bóng đèn LED” – nhà khoa học Wang Zuankai ở ĐH Hồng Kông (Trung Quốc) cho biết.
Các nhà khoa học để ý đến phương pháp lấy điện năng này từ nhiều năm nay, tuy nhiên việc chuyển đổi năng lượng những giọt nước mưa thành điện năng tỏ ra khó hơn nhiều so với lấy điện năng từ thủy triều hoặc từ dòng nước chảy.
Một trong những phương pháp cải tiến áp dụng trong máy phát điện dựa trên những giọt nước mưa (DEG) là sử dụng màng polytetrafluoroethylene (PTFE). Màng PTFE này có thể tích lũy điện tích bề mặt, khi liên tục bị các giọt nước đập vào.
Các nhà khoa học thấy rằng, khi những giọt nước đập vào bề mặt và phát tán, chúng hoạt động giống như cầu nối, liên kết hai điện cực. Tiếp đó, “cây cầu từ giọt nước” tạo ra bề mặt của vòng khép kín, nhờ vậy toàn bộ năng lượng tích tụ sẽ được giải phóng. Các giọt nước đóng vai trò như những điện trở, còn bề mặt màng PTFE như tụ điện.
Phương pháp này có thể được áp dụng ở mọi nơi có nước đập vào bề mặt rắn, chẳng hạn như vỏ tàu thuyền, bên trong chai nước hay bề mặt ô che mưa.
Các nhà khoa học vẫn còn nhiều việc phải làm trước khi có được điện từ nước mưa để sạc điện thoại. Dự đoán, thiết bị sạc điện từ nước mưa đầu tiên sẽ xuất hiện sau 5 năm nữa.