"Lật mặt" những mánh khóe biến thiết bị vệ sinh rởm thành "hàng hiệu"

GD&TĐ - Những thiết bị vệ sinh giả, hàng nhái kém chất lượng đã và đang "móc túi" người tiêu dùng. Để hạn chế mua phải những mặt hàng này, người dùng cần kiểm tra tem chống hàng giả hoặc gọi lên tổng đài để đối chiếu mã xác thực.

"Lật mặt" những mánh khóe biến thiết bị vệ sinh rởm thành "hàng hiệu"
Nhan nhản thiết bị vệ sinh kém chất lượng

Để đáp ứng nhu cầu của con người, trên thị trường hiện nay xuất hiện sản phẩm thiết bị vệ sinh đa dạng cả về chủng loại, mẫu mã, nhãn hiệu và nguồn gốc xuất xứ. Tuy nhiên, đi kèm với các mặt hàng chính hãng, là vô số hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng, nhất là các loại phụ kiện và các thiệt bị đi kèm. 

Có thể kể đến những nhãn hiệu sứ vệ sinh nhập ngoại đã có mặt từ lâu và thu hút được sự quan tâm của phần lớn người tiêu dùng Việt Nam như Villerog & Boch (Đức), Toto (Nhật Bản), Cotto (Thái Lan), Ariston (Italia), Emily (Đài Loan), Champion (Thái Lan), Kelim (Hàn Quốc)... Các thương hiệu thiết bị vệ sinh này thường bị làm giả nhiều hơn bởi sự nổi tiếng của mình.

Theo lời chị Tú - chủ cửa hàng chuyên doanh sứ vệ sinh Cẩm Tú ở đường Lý Thường Kiệt, quận 10, TP.HCM, khách hàng thường chọn mua hàng ngoại bởi quan điểm “sính ngoại”. Đây là lý do để hàng nhái, hàng giả vẫn còn chỗ để tồn tại.

Chủ cửa hàng này cho biết thêm, đi kèm với thiết bị sứ vệ sinh là các thiết bị không thể thiếu như vòi lavabô, vòi xả, vòi sen... Với các thiết bị này, nếu không phải là người am hiểu, thì khó phân biệt được đâu là hàng thật, đâu là hàng nhái, bởi chúng giống nhau từ kiểu dáng, kích cỡ, nhãn mác đến lớp xi mạ bóng loáng.

"Lật mặt" những mánh khóe biến thiết bị vệ sinh rởm thành "hàng hiệu" ảnh 1

Thiết bị vệ sinh giả tràn lan

Được biết, hầu hết hàng nhái, giả mang nhãn hiệu cao cấp được nhập lậu từ Trung Quốc, còn hàng giá “bèo” thường có xuất xứ từ Chợ Lớn. Loại hàng rởm này rất nhanh hỏng, bởi các linh kiện bên trong đều được sản xuất từ vật liệu không đúng chủng loại.

Chẳng hạn, cốt vòi nước thay vì bằng inox thì được làm bằng nhựa cứng; van đóng-mở đúng kỹ thuật phải là gốm, thì được thay bằng nhựa giòn và các bánh răng giữa cốt cũng bị tình trạng tương tự, nên rất dễ gãy, vỡ hoặc khóa không chặt gây rò rỉ nước.

Nếu tinh ý, người dùng có thể nhận diện các thiết bị vệ sinh kém chất lượng thông qua lớp men, các chi tiết thiết kế bên ngoài, thậm chí dùng thử để kiểm tra chất lượng. Sau khi chọn sản phẩm chất lượng, giá thành hợp túi tiền, nên tìm đến các đại lý chính hãng. Các cơ sở này không chỉ đảm bảo nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm, chế độ bảo hành chuẩn, niêm yết giá công khai, mà còn cập nhập các đợt khuyến mãi của nhãn hàng cũng như dịp giảm giá riêng của showroom.

Theo chia sẻ của anh Thắng - hiện đang sống tại quận Gò Vấp (TP.HCM), gia đình anh mới mua bồn rửa mặt và bồn tắm thương hiệu Inax tại một cửa hàng trên đường Quang Trung (quận Gò Vấp, TP.HCM) được 2 - 3 tháng, nhưng lớp men đến nay đã ố vàng, loang lổ rất nhanh. Tại các vị trí như gờ bệ, nắp thoát nước, hiện tượng đóng cặn bẩn màu đen rất khó vệ sinh, kể cả đã sử dụng các dung dịch tẩy rửa chuyên dụng. Trong khi đó, vòi nước thì tậm tịt khó sử dụng, nước chảy ra từ vòi thường có mùi hôi hoặc bị vẩn đục.

"Lật mặt" những mánh khóe biến thiết bị vệ sinh rởm thành "hàng hiệu" ảnh 2

Các linh kiện thiết bị vệ sinh đi kèm rất dễ bị làm giả, nên người tiêu dùng cần hết sức chú ý khi mua

“Khi phát hiện những hiện tượng trên, gia đình tôi có gọi điện cho cửa hàng, đại diện cửa hàng cũng cho nhân viên tới để ghi nhận, nhưng đợi mãi vẫn không thấy câu trả lời và cách giải quyết của cửa hàng như thế nào. Tôi tiếp tục gọi điện hỏi, thì cửa hàng bảo đã gửi thông tin về hãng và phải chờ kết quả của hãng mới đưa được ra phương án giải quyết”, anh Thắng nói.

Trước hiện tượng này, các chuyên gia trong lĩnh vực sản xuất thiết bị vệ sinh cho biết, những hiện tượng trên là các dấu hiệu cho thấy, đây là các sản phẩm bị làm nhái, làm giả kém chất lượng.

Cách nhận biết và lựa chọn thiết bị vệ sinh đảm bảo chất lượng

Theo các chuyên gia, việc để tình trạng hàng giả, hàng nhái trà trộn vào thị trường đã ảnh hưởng lớn tới uy tín thương hiệu của những doanh nghiệp làm ăn chân chính. Đồng thời, quyền lợi của người tiêu dùng cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Các chuyên gia cũng khuyến cáo, khi phát hiện các thiết bị vệ sinh giả trong gia đình, cần lập tức ngưng sử dụng và tiến hành thay thế ngay bằng các sản phẩm chính hãng để tránh các ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của thành viên trong nhà. Vì các sản phẩm làm giả thường chứa lượng lớn các kim loại nặng, có khả năng hòa tan vào trong nước, gây ra nhiều loại bệnh nguy hiểm.

Để tránh "tiền mất tật mang" khi mua phải thiết bị vệ sinh kém chất lượng, người tiêu dùng cần tỉnh táo trong việc lựa chọn mặt hàng. Nên tìm tới các hệ thống phân phối chính hãng, các đại lý ủy quyền có quy mô lớn và uy tín đã được khẳng định để mua. Khi mua sản phẩm phải hết sức chú ý đến các linh kiện được kèm theo xem có đồng bộ, đúng hãng sản xuất của các thiết bị vệ sinh mà mình đã mua không, tránh trường hợp “râu ông nọ cắm cằm bà kia”.

Người mua cũng cần biết rằng, thiết bị vệ sinh hàng thật logo được in rất sắc nét và rõ ràng. Tem được in trên sản phẩm ghi đầy đủ thông tin về thông số kỹ thuật cơ bản, nguồn gốc xuất xứ. Đối với hàng chính hãng luôn có phiếu bảo hành trong khi hàng giả hàng nhái thì không. Logo, tem và các yếu tố bên ngoài của thiết bị vệ sinh nhái không đồng bộ, không đúng quy cách.

Việc quan trọng không kém để có thể nhận biết sản phẩm kém chất lượng đó chính là về chất lượng sản phẩm nhìn ngoài đồng bộ từ phần sứ, bề mặt men, từ phụ kiện, bộ lõi bên trong.

Theo VietQ.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.