Lãnh đạo Trường ĐH Hà Tĩnh nói gì về nhiều giảng viên không hoàn thành nhiệm vụ?

GD&TĐ - Theo đại diện Trường Đại học Hà Tĩnh, việc đánh giá xếp loại viên chức và lao động năm học 2023 - 2024 là đúng quy định và phù hợp thực tế đơn vị.

Trường Đại học Hà Tĩnh (thuộc xã Cẩm Vịnh, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh).
Trường Đại học Hà Tĩnh (thuộc xã Cẩm Vịnh, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh).

Nhiều giảng viên bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ

Ngày 20/5, Trường Đại học Hà Tĩnh có Văn bản số 49/TB-TĐHHT - Kết luận của hiệu trưởng về xếp loại viên chức năm học 2023 - 2024, áp dụng cho giảng viên chưa thực hiện kế hoạch đào tạo bồi dưỡng.

Theo thông báo, xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ đối với các giảng viên có cam kết đi đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ trước tháng 11/2024. Xếp loại hoàn thành nhiệm vụ đối với các giảng viên có cam kết đi đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ trước tháng 5/2025 và xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ đối với giảng viên không có cam kết đi đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ.

Ngày 27/6, Trường Đại học Hà Tĩnh đã ban hành Quyết định về việc đánh giá, xếp loại chất lượng đơn vị, viên chức và lao động hợp đồng năm học 2023 - 2024. Theo quyết định này, trong tổng số 276 viên chức và lao động hợp đồng đang công tác tại trường, có 52 người hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, 199 người hoàn thành tốt nhiệm vụ, 6 người hoàn thành nhiệm vụ, không xếp loại thi đua 8 người và 11 người không hoàn thành nhiệm vụ.

Trong số 11 người không hoàn thành nhiệm vụ, có 9 người thuộc diện đi học tiến sĩ trong năm 2023 nhưng những giảng viên này không ký cam kết đi học tiến sĩ.

lanh dao truong dai hoc ha tinh noi gi (1).jpg

Ngay sau khi được ban hành, quyết định này khiến nhiều người nằm trong danh sách xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ tỏ ra không đồng tình.

“Với ngành của tôi, nếu học tiến sĩ trong nước mất khoảng 500 triệu đồng, còn nếu ra nước ngoài sẽ tốn kém hơn. Quá trình học tiến sĩ nhanh nhất cũng mất 3 năm, chậm sẽ khoảng 4 năm. Theo quy định để được hưởng chính sách hỗ trợ phải có những năm trước đó hoàn thành tốt nhiệm vụ, dưới 40 tuổi, trong khi đó, tôi đã trên tuổi 40 và những năm trước tôi chỉ được xếp hoàn thành nhiệm vụ”, một giảng viên cho biết.

Đúng quy định và phù hợp thực tiễn

lanh dao truong dai hoc ha tinh noi gi (3).jpg
Trường Đại học Hà Tĩnh hiện có 33 tiến sĩ và hơn 10 giảng viên đang theo học trình độ tiến sĩ. Ảnh: HTU

Ngày 5/7, ông Đoàn Hoài Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Tĩnh có văn bản gửi Sở Thông tin và Truyền thông Hà Tĩnh về sự việc.

Theo đó, ông Sơn cho rằng, các hình thức xử lý nghiêm nhằm đáp ứng yêu cầu đặt ra của giáo dục đại học, nhu cầu về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của Hà Tĩnh, đặc biệt là sự sống còn, phát triển của Trường Đại học Hà Tĩnh.

Lý giải cho việc này, ông Sơn thông tin, năm 2014, nhà trường đã phải dừng đào tạo 14 mã ngành đại học do chưa đủ cán bộ giảng viên đứng mã ngành theo quy định của Thông tư 08/2011/TT-BGDĐT ngày 17/2/2011 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Để từng bước nâng cao trình độ chuyên môn, năm 2015, nhà trường đã ban hành Quyết định số 556/QĐ-TĐHHT, ngày 28/5/2015 về đào tạo bồi dưỡng cán bộ viên chức.

Tại quyết định ghi rõ, tất cả các giảng viên và cán bộ kiêm giảng đang trong độ tuổi bắt buộc phải đi học, những người nhiều tuổi được ưu tiên trước. Đối với giảng viên và cán bộ kiêm giảng được tuyển dụng từ năm 2008 về sau, nếu khi tuyển dụng có bằng đại học, kỹ sư thì sau 5 năm phải có bằng thạc sĩ, sau 15 năm phải có bằng tiến sĩ. Đối với những người đã có bằng thạc sĩ thì sau 10 năm phải có bằng tiến sĩ.

Cũng theo đại diện Trường Đại học Hà Tĩnh, năm 2022, Bộ GD&ĐT đã có thông tư (thay thế cho Thông tư 22/2007) yêu cầu, mỗi mã ngành đào tạo đại học phải có ít nhất 5 tiến sĩ; đào tạo thạc sĩ phải có ít nhất 5 tiến sĩ, trong đó có 1 giáo sư hoặc phó giáo sư; đào tạo tiến sĩ phải có ít nhất 1 giáo sư hoặc 2 phó giáo sư và 3 tiến sĩ...

Bên cạnh đó, theo lộ trình Trường Đại học Hà Tĩnh sẽ sáp nhập trở thành thành viên của Trường Đại học Quốc gia Hà Nội theo đề án UBND Hà Tĩnh đã trình với Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD&ĐT.

Tại tờ trình gửi các cấp, UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng nêu rõ, Trường Đại học Hà Tĩnh sẽ tập trung thực hiện kế hoạch đào tạo bồi dưỡng đã ban hành nhằm tăng tỷ lệ tiến sĩ, đến năm 2026 đạt 50 - 60% giảng viên có trình độ tiến sĩ, phấn đấu đến năm 2030 có trên 70% giảng viên có trình độ tiến sĩ, phó giáo sư và giáo sư... mở được ít nhất 10 ngành đào tạo thạc sĩ, 5 mã ngành đào tạo tiến sĩ.

Được biết hiện nay, Trường Đại học Hà Tĩnh có khoảng hơn 170 giảng viên. Tuy nhiên, nhà trường chỉ có 33 tiến sĩ và hơn 10 giảng viên đang theo học trình độ tiến sĩ…

“Tỷ lệ này mới chỉ đáp ứng mức tối thiểu là 20% theo quy định của Bộ GD&ĐT. Nếu không chuẩn bị nguồn nhân lực thì về lâu dài nhà trường và địa phương sẽ rất bị động, khó thực hiện các mục tiêu chiến lược”, một cán bộ Phòng Tổ chức - Hành chính (Trường Đại học Hà Tĩnh) thông tin.

Để tạo điều kiện cho tất cả cán bộ giảng viên Trường Đại học Hà Tĩnh yên tâm học tiến sĩ, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã đưa danh sách tất cả các ngành mà nhà trường đào tạo tiến sĩ vào “ngành nghề tỉnh cần” và hưởng chế độ theo Nghị quyết 46/NQ- HĐND với mức hỗ trợ đào tạo là 150 triệu đồng.

Ngoài chính sách khuyến khích phát triển nguồn nhân lực của tỉnh Hà Tĩnh, trong quy chế chi tiêu nội bộ, nhà trường cũng đã có nội dung hỗ trợ cho công tác đào tạo bồi dưỡng.

Đối với người thi đậu đi học nghiên cứu sinh hỗ trợ 3 triệu đồng, bảo vệ thành công luận án tiến sĩ hỗ trợ 100 triệu đồng, khi có quyết định thành lập Hội đồng bảo vệ cấp cơ sở nhà trường cho tạm ứng 50% kinh phí này; được phong hàm phó giáo sư thưởng 100 triệu đồng, được phong hàm giáo sư thưởng 200 triệu đồng...

“Việc đánh giá xếp loại chất lượng viên chức và lao động hợp đồng năm học 2023 - 2024 là đúng quy định và phù hợp với thực tiễn của nhà trường hiện nay. Trên thực tế theo Điều 23 Nghị định 90/2020/NĐ-CP quy định “Căn cứ điều kiện cụ thể của cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý công chức, viên chức ban hành hoặc giao người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng công chức, viên chức ban hành Quy chế đánh giá phù hợp với đặc thù của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình”, Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Tĩnh thông tin.

Trường Đại học Hà Tĩnh thành lập năm 2007 trên cơ sở sáp nhập và nâng cấp Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Tĩnh. Năm 2023, UBND Hà Tĩnh bắt đầu xây dựng đề án chuyển đổi cơ chế hoạt động Trường Đại học Hà Tĩnh trở thành trường đại học thành viên của Đại học Quốc gia Hà Nội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

PGS.TS Đỗ Duy Cường thăm khám cho bệnh nhân mắc sởi. Ảnh: BVCC

Gia tăng bệnh sởi ở người lớn

GD&TĐ - Gần đây, số ca mắc sởi có xu hướng gia tăng trên phạm vi nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt ở những nơi đông dân cư.