Anh đang phải đối mặt áp lực lớn từ các nhà lãnh đạo Châu Âu trong việc nhanh chóng khởi động tiến trình đàm phán rời EU theo Điều 50 trong Hiệp ước Lisbon để giải quyết những bất ổn chính trị và kinh tế do cú sốc Brexit gây ra.
Tuy nhiên, Anh có vẻ đang muốn trì hoãn quá trình này. Phát biểu trước lãnh đạo các doanh nghiệp, Bộ trưởng Tài chính Anh George Osborne cho rằng, nước này không nên bắt đầu giai đoạn kéo dài 2 năm để khởi động các thủ tục chính thức rời EU cho đến khi mô hình quan hệ mới giữa hai bên được hình thành một cách rõ ràng.
Thủ tướng Anh David Cameron (trái) gặp Chủ tịch Ủy ban Châu Âu (EC) Jean-Claude Junckertại Brussels, Bỉ hôm 28-6. Ảnh: Reuters
“Anh, xin hãy nhanh chóng ra đi”
Ngày 28-6, giới lãnh đạo EU tiếp tục thúc giục Anh nhanh chóng làm thủ tục “ly hôn”. “Anh, xin hãy nhanh chóng ra đi” là thông điệp mà EU gửi đến London.
Tại phiên họp Nghị viện Châu Âu ngày 28-6, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker ra tuyên bố thúc giục Thủ tướng Anh David Cameron nhanh chóng tiến hành đàm phán về việc rời EU trong thời gian sớm nhất có thể. “Chúng ta không thể bị lôi kéo vào bất ổn kéo dài”, ông Juncker nói trong bài phát biểu bị gián đoạn khi phiên họp bùng nổ nhiều tranh cãi. Một nhân vật trung tâm trong chiến dịch “Rời khỏi EU”, lãnh đạo đảng Độc lập Anh (UKIP) Nigel Farage, bị la ó và bị gọi là một kẻ nói dối khi sử dụng “kiểu tuyên truyền của Đức Quốc xã”.
Thủ tướng Cameron, người đã tuyên bố sẽ từ chức sau “cơn địa chấn” Brexit, đã đến Brussels, Bỉ. Nhà lãnh đạo Anh đã gặp ông Juncker, các đối tác Châu Âu khác trước khi tham dự hội nghị thảo luận về Brexit trong bối cảnh London hy vọng sẽ đàm phán một thỏa thuận mới với EU trước khi kích hoạt tiến trình đàm phán rời đi. Trong khi đó, các nhà lãnh đạo EU khẳng định, đó không phải là một lựa chọn. “Không có đơn thông báo, không có đàm phán”, ông Juncker nhấn mạnh. Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Donald Tusk cũng khẳng định, các cuộc đàm phán với Anh về quy chế tương lai sau Brexit sẽ chỉ được tiến hành sau khi London nộp đơn xin ra khỏi khối liên minh này theo Điều 50 Hiệp ước Lisbon.
Lời thúc giục của EU được đưa ra sau khi người được cho sẽ kế nhiệm Thủ tướng Anh David Cameron, cựu Thị trưởng London Boris Johnson, đứng đầu chiến dịch ủng hộ Brexit, cho rằng, nước Anh không cần vội vàng. Ông Johnson từng cam kết với người dân xứ sở sương mù sẽ tiếp tục giữ lại những đặc quyền của Anh trong EU, ngay cả khi không còn nằm trong EU. Đáp trả trước những tuyên bố này, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho rằng, Anh cần thực tế hơn. Nhà lãnh đạo Đức nhấn mạnh một quốc gia rời khỏi ngôi nhà chung không thể kỳ vọng “rũ bỏ trách nhiệm, trong khi vẫn giữ lại những đặc quyền”.
Củng cố EU khi không có Anh
Bóng ma Brexit vẫn tiếp tục gây ra những hỗn loạn kinh hoàng trên khắp Châu Âu.
Thị trường tài chính phục hồi nhẹ vào ngày 28-6 sau khi con số kỷ lục 3 tỷ USD cổ phiếu toàn cầu bị xóa sổ; và đồng bảng Anh giảm xuống mức thấp nhất trong 31 năm qua. Trong khi đó, các doanh nghiệp đã công bố đóng băng việc tuyển dụng và có thể cắt giảm việc làm, dập tắt hy vọng về một nền kinh tế Anh phát triển mạnh bên ngoài EU. Bộ trưởng Tài chính Anh George Osborne tiếp tục nỗ lực làm dịu thị trường khi tuyên bố ông sẽ phải cắt giảm chi tiêu và tăng thuế để bảo đảm ổn định tài chính.
Thủ tướng Merkel hôm 28-6 tiếp tục lên tiếng trấn an khi cho rằng, EU có thể vượt qua vụ Brexit nhờ những quyết định thống nhất trong 27 nước thành viên. “Bà đầm thép” còn nhấn mạnh, EU cũng đủ mạnh để bảo vệ thành công những lợi ích của khối này trên thế giới trong tương lai.