Hôm trước, có vô số những bình luận trên mạng “ném đá” ca sĩ Hoàng Bách chỉ vì một cái tít báo “Tôi cho hai con xưng hô mày tao với mình”. Thật ra, nếu chậm lại có khi chỉ một hai phút thôi, để đọc cả bài báo, thì hẳn sẽ hiểu thực ra đó là cách nam ca sĩ chơi với con, đóng vai bạn với con và là cách anh vượt qua trầm cảm.
Cũng thời điểm đấy, đám tang cô ca sĩ Hàn Quốc Go Hara được tổ chức. Thần tượng của giới trẻ, đang lúc đỉnh cao, nhưng cô cũng rơi vào trầm cảm và tự sát khi mới 28 tuổi.
Đừng nghĩ trầm cảm chỉ rơi vào những người nổi tiếng. Như Hoàng Bách nói, trầm cảm không trừ bất kỳ ai. Người phụ nữ sinh con rồi trầm cảm. Người già trầm cảm vì cô đơn.
Bạn học sinh, sinh viên trầm cảm vì áp lực học hành, bị bạn bè xa lánh, vì bố mẹ ly dị. Người trẻ trầm cảm vì công việc, thất tình... Có vô vàn lý do. Và trầm cảm, như người ta vẫn nói, là “sát thủ thầm lặng”, rất dễ đẩy người ta đến chỗ tự tử.
Tổ chức Y tế Thế giới ước tính có khoảng 3,5 triệu người Việt mắc trầm cảm, tương đương 4% dân số. Một thống kê của Bệnh viện Bạch Mai ở Hà Nội cho biết có khoảng 40.000 ca tự tử mỗi năm do trầm cảm, hơn một nửa trong số đó không thể ngăn chặn.
Trong khi đó, chúng ta vẫn không ý thức được thế nào là trầm cảm. Đường dẫn tới vực sâu có khi chỉ bắt đầu từ những dấu hiệu rất bình thường, như những cơn đau đầu, mất ngủ, buồn bã, và nó ăn dần ăn mòn tâm trí, cảm xúc người ta lúc nào không hay.
Điều kinh khủng là tình trạng trầm cảm trong học sinh đang gia tăng. Năm 2018, Đại học Y Dược TPHCM đã tiến hành khảo sát hơn 1.000 học sinh tại 3 trường THPT lớn tại TPHCM. Kết quả là tỷ lệ stress ở học sinh chiếm hơn 35%, lo âu là 59% và trầm cảm là 38,7%. Không ít trường hợp mắc cả ba triệu chứng trên.
Áp lực trong cuộc sống thì có quá nhiều. Cũng vì áp lực đó mà chúng ta đang mất dần khả năng chia sẻ. Hoàng Bách đáng lẽ cần được lắng nghe, thì cuối cùng anh lại phải hứng chịu những lời chỉ trích tàn nhẫn.
Và thậm chí khi nhìn lại ngay quanh mình, dường như chúng ta cũng hay bị cuốn vào những việc đâu đâu mà không để ý đến việc lắng nghe chính người thân bạn bè, thậm chí cả con cái.
Có lúc, câu hỏi “bạn ổn không?” lại giúp một người bạn trút ra bao khó khăn kìm nén bấy lâu. Cuộc trò chuyện với con cái trên đường đi học về, lắng nghe con mà không áp đặt, cũng giúp bố mẹ và con chia sẻ với nhau nhiều điều, như một liệu pháp tâm lý cho cả trẻ con và người lớn. Sự tin cậy sẽ là cái neo cho những người có dấu hiệu trầm cảm ngay từ đầu.
Ai cũng thấy Go Hara xinh đẹp, quyến rũ, tài năng nhưng họ không biết những tổn thương tâm lý của cô. Một người bạn trẻ của tôi than thở, bạn thì có nhiều nhưng lúc bế tắc không biết tìm đâu một bờ vai tin cậy bởi ai cũng bận. Có khi đứng giữa buổi tiệc mà thấy cô đơn giữa đám đông.
Hay trường hợp bố mẹ ở ngay cùng nhà con mà không hề biết đứa con đầy nhạy cảm sắp bước vào tuổi teen của mình đang bất ổn tâm lý, dồn nén thêm bởi những trận cãi vã của bố mẹ, để đến khi tìm thì chỉ thấy. Chúng ta lên mạng, nghe đủ thứ, rồi vội vã phán xét, chỉ có điều không chịu lắng nghe bằng trái tim.