Giờ đây, người ta đã phục tráng dòng bưởi này trước nhu cầu về sản vật đặc sản, giàu nét văn hóa, tâm linh của người Việt.
Sản vật có giá trị tâm linh
Giống bưởi Luận Văn nổi tiếng từ xa xưa. Vì lẽ, bưởi Luận Văn là sản vật ngon, nên được người dân trong vùng để dành dâng lên vua, đặc biệt là thời hậu Lê.
Những ngày áp Tết, không khí khá tập nập, rộn ràng ở làng Luận Văn bởi những người thu mua bưởi. Thương lái ở nhiều nơi về Luận Văn mua bưởi để đưa đi bán, phục vụ người dân có nhu cầu trong những ngày Tết cổ truyền. Những năm gần đây, nhiều gia đình nông dân ở xã Thọ Xương giàu lên nhờ trồng bưởi. Giá trị canh tác mỗi ha bưởi tiến vua giờ đây đã tăng lên vài trăm triệu đồng.
Bưởi Luận Văn không chỉ được cung cấp cho thương lái, mà nhiều gia đình còn mang ra bán lẻ ở ngoài chợ. Chợ Bái Thượng (xã Xuân Bái, giáp với xã Thọ Xương) là nơi được người dân bán bưởi nhiều nhất.
Người ta bày bưởi trên những chiếc thúng, chiếc mẹt nan để bán ở trong chợ và cả vệ đường. Những ngày cận Tết, chợ Bái Thượng và khu vực lân cận dọc Quốc lộ 47, bưởi Luận Văn được bày bán vô số. Những quả bưởi màu đỏ căng tròn, trông rất bắt mắt được người dân mua về để bày mâm ngũ quả, dâng bàn thờ tổ tiên trong những ngày Tết.
Vợ chồng anh Nguyễn Văn Hành ở làng Luận Văn trở thành người chuyên thu gom bưởi tiến vua để cung ứng cho thị trường.
Anh Hành dẫn tôi đến nhà ông Lê Viết Huấn (gần 70 tuổi), ở làng Luận Văn. Ngôi nhà của ông Huấn rất khang trang, ngăn nắp và đầy đủ tiện nghi. Khi bước vào cổng, mùi thơm thoang thoảng của giống bưởi tiến vua tỏa ra, mang lại cảm giác khoan khoái. Ngỡ chúng tôi là người đi mua bưởi, ông Huấn bảo: “Tiếc quá, các anh đến muộn rồi. Vì người ta đã đặt tiền hết và đang thu hái dần từ nay đến ngày 30 Tết”.
Qua câu chuyện, chúng tôi biết ông Huấn là người rất am tường về nguồn gốc lẫn ý thức bảo tồn, chăm sóc giống bưởi quý hiếm ấy. Ông Huấn tâm sự: “Giống bưởi đỏ ở vùng đất quê tôi vốn dĩ là giống bưởi quý hiếm. Cũng chính vì là sản vật đặc sản, là miếng ăn ngon. Vì thế, thời xưa, người dân đã dùng bưởi dâng lên nhà vua thưởng lãm.
Bưởi tiến vua khi nhỏ cũng có vỏ màu xanh như các loại bưởi thông thường. Đến khoảng tháng 10 - 11 âm lịch, bưởi tiếp tục có sự thay đổi về màu sắc. Toàn bộ quả bưởi từ vỏ đến tép bưởi đều chuyển sang màu đỏ gấc. Vỏ bưởi mỏng, múi bưởi đỏ hồng, mọng nước, ngọt, hương thơm đặc trưng và trông rất đẹp”.
Theo ông Huấn, ngoài giá trị thuần túy là loại của ngon, vật lạ mới được dùng để tiến vua, thì bưởi Luận Văn còn được người dân thờ cúng tổ tiên trong dịp Tết âm lịch. Bởi lẽ, quả bưởi Luận Văn có màu đỏ được cho là sẽ đem lại may mắn, thịnh vượng nên được nhiều người mua để bày mâm ngũ quả.
“Tuy nhiên, do thời gian và điều kiện chăm sóc, bảo tồn giống bưởi quý hiếm này không được tốt, nên đã có thời điểm hầu như bị mai một. Rất may, cách đây vài năm, Nhà nước đã có dự án bảo tồn giống bưởi này ở địa phương chúng tôi”, ông Huấn cho hay.
Hồi sinh
Là người có tâm nguyện muốn gìn giữ được giống bưởi quý hiếm, nên ông Huấn bỏ công tìm tòi tài liệu, nghiên cứu “cái cốt” của giống bưởi Luận Văn, nhưng đến nay ông vẫn chưa tìm ra. Ông vẫn canh cánh trong lòng và luôn đặt ra một giả thuyết rằng có thể giống bưởi này liên quan đến điều kiện thổ nhưỡng của địa phương.
Bởi, ông Huấn cũng đã ghép cành, nhân giống bưởi này cho nhiều người mang đi nơi khác trồng. Tuy nhiên, khi ăn bưởi Luận Văn được trồng ở nơi khác, vẫn có một cảm giác không ngon, ngọt như bưởi ở quê.
Nhận thấy giá trị to lớn của sản vật quý giá của giống bưởi Luận Văn, UBND huyện Thọ Xuân đã hỗ trợ xã Thọ Xương xây dựng cơ sở hạ tầng, chỉ dẫn địa lý và quy hoạch vùng phát triển. Huyện cũng có cơ chế khuyến khích các hộ dân trong xã đẩy mạnh khôi phục, nhân rộng vùng trồng bưởi Luận Văn.
Từ năm 2005, bưởi Luận Văn được đưa vào chương trình khôi phục và phát triển cây ăn quả đặc sản của tỉnh Thanh Hóa. Sau đó, người ta đã bình tuyển được cây đầu dòng, phục tráng để nhân rộng. Đến năm 2010 toàn huyện trồng mới được 2.000 cây. Từ năm 2010, nguồn giống hàng năm phần lớn được lấy từ cây đầu dòng do Viện Nghiên cứu rau quả - Học viện Nông nghiệp Việt Nam cung cấp.
Năm 2011, một nhóm nghiên cứu về bưởi Luận Văn đã tổ chức hội nghị tại xã Thọ Xương. Tại cuộc hội nghị này, người ta đã thử nếm và cùng đánh giá chất lượng cảm quan nhiều mẫu bưởi được lấy tại các điểm khác nhau. Nhiều đại biểu còn chia sẻ ý kiến của mình về thực trạng trồng bưởi tại địa phương, góp ý việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm sau này.
Nhiều chuyên gia đánh giá, bưởi Luận Văn có lợi thế rất lớn là chín vào đúng dịp Tết cổ truyền. Hương vị của bưởi rất thơm, lại có màu đỏ đẹp mà không giống bưởi nào có được… Vì vậy, giống bưởi này có thể cạnh tranh với nhiều giống bưởi khác trên toàn quốc, đặc biệt ở góc độ giá trị tâm linh.
Ông Phạm Đình Lực – Chủ tịch UBND xã Thọ Xương, cho biết: Năm 2020, trên địa bàn xã đã trồng, thâm canh được 35 ha bưởi Luận Văn. Trong đó, đa phần được người dân trồng chuyên canh theo mô hình vườn đồi. Một số diện tích được trồng xen canh trong vườn các hộ gia đình. “Bưởi tiến vua được xã Thọ Xương phát triển nhiều ở làng như Luận Văn, May, Thủ Trinh và một số thôn khác. Năm nay, tại thời điểm này đang khan hiếm bưởi, vì thương lái các nơi về đặt hàng rất nhiều”, ông Lực cho biết.
Cũng theo Chủ tịch UBND xã Thọ Xương, do giá trị kinh tế từ cây bưởi mang lại rất cao, nên chính quyền địa phương đang đặt ra mục tiêu sẽ tăng diện tích canh tác. “Theo nghị quyết của Hội đồng Nhân dân xã, từ nay đến 2025, Thọ Xương sẽ phấn đấu tăng diện tích trồng bưởi Luận Văn lên 25 ha nữa. B
ởi lẽ, bưởi Luận Văn đem lại giá trị kinh tế gấp nhiều lần so với cây trồng khác. Năm nay, theo đánh giá sơ bộ, mỗi ha bưởi Luận Văn đã cho thu nhập từ 600 - 700 triệu đồng. Nếu so với các loại cây trồng khác, thì hiếm có loại quả nào ở địa phương này đem lại lợi nhuận cao như vậy”, ông Lực khẳng định.
Ở Thọ Xương bây giờ, có nhiều gia đình trở nên giàu có nhờ trồng bưởi tiến vua. Điển hình như, gia đình ông Lê Minh Tâm (thôn 8, Thọ Xương), có vườn bưởi khoảng chừng ngàn gốc. Ông Tâm cho hay, ông dành toàn bộ khu vườn trên 2 ha để trồng bưởi Luận Văn. Đến nay, khoảng 1.000 gốc bưởi đã được gần chục năm tuổi.
“Bưởi Luận Văn không như giống bưởi khác, vì phải trồng từ năm thứ 5 trở đi mới cho thu hoạch ổn định. Về giá trị kinh tế, bình thường bưởi có giá 60.000 đồng/quả. Tuy nhiên, vào những ngày áp tết, giá bưởi bán có thể lên tới 200.000 đồng - 300.000 đồng/quả. Giống bưởi này có một điều đặc biệt là, vào thời điểm cận Tết Nguyên đán, bưởi mới chín và lưu giữ được rất lâu”, ông Tâm chia sẻ.
Theo khảo sát tại nhiều hộ trồng bưởi ở Thọ Xương, năm nay giá bưởi Luận Văn có sự chênh lệch nhau tùy vào mẫu mã, chất lượng quả. Anh Nguyễn Văn Hành cho biết: “Ngoài thị trường hiện nay giá khoảng 200.000 đồng/quả, đến Tết Nguyên đán giá có thể lên đến 250.000 - 300.000 đồng/quả hoặc có thể đắt hơn. Đặc biệt, những cặp bưởi đẹp có thể được bán với giá 500.000 – 700.000 đồng”.
Giờ đây, ở xã Thọ Xương nói chung và làng Luận Văn nói riêng giờ đây, nhiều gia đình nông dân đã trở trên khấm khá cũng nhờ vào trồng bưởi tiến vua. Mỗi năm, nguồn thu nhập từ giống bưởi quý này đã đem lại sự sung túc cho bà con nơi đây. Nhờ có sự “hồi sinh” giống bưới tiến vua, đã góp phần giúp người dân nơi đây nâng cao đời sống. Vùng quê nông thôn, nơi có giống bưởi tiến vua – bưởi Luận Văn đang đổi thay từng ngày.