Cụ thể, ĐH Quốc gia TP.HCM nằm trong nhóm 701-750 của bảng xếp hạng, ĐH Quốc gia Hà Nội được xếp vào nhóm 801-1000.
Đây là lần đầu tiên Việt Nam có cơ sở giáo dục đại học có tên trong bảng xếp hạng quốc tế. Tin vui này cũng đã được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thông báo trong phiên chất vấn sáng qua (6/6). Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khi tổng kết phiên chất vấn của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã chúc mừng ngành Giáo dục vì tin vui này.
Đây là kết quả từ nỗ lực của giáo dục đại học Việt Nam trong thời gian qua.
Trước đó, 6 cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam đã có tên trong bảng xếp hạng QS Châu Á gồm: ĐHQG Hà Nội (vị trí thứ 139), ĐHQG TP.HCM (vị trí 142), Trường ĐH Bách khoa Hà Nội (thuộc nhóm 291-300), Trường ĐH Cần Thơ (thuộc nhóm 301-350) và ĐH Huế (nhóm 351-400), ĐH Đà Nẵng (vị trí 417).
Theo bảng xếp hạng QS thế giới năm nay, các trường đại học của Mỹ chiếm các vị trí top đầu, gồm Viện Công nghệ Massachusetts của Mỹ (xếp thứ nhất); vị trí tiếp theo là ĐH Stanford, ĐH Harvard và Viện Công nghệ California.
Ở Châu Á, Singapore là quốc gia đạt thứ hạng cao nhất với ĐH Công nghệ Nanyang (vị trí 11) và ĐH Quốc gia Singapore (vị trí 15). Trung Quốc, ĐH Thanh Hoa lọt top 20 (vị trí 17), Nhật Bản thấp hơn với ĐH Tokyo (vị trí 23).
QS là một trong những bảng xếp hạng có uy tín trên thế giới, bên cạnh các bảng xếp hạng khác như Times Higher Education (THE), Webometrics và ARWU của Trường ĐH Giao thông Thượng Hải.
Theo Dân trí, năm 2018, QS xem xét dữ liệu của 4.763 trường đại học từ 151 quốc gia. Sau vòng sơ loại còn 1.233 trường được đối sánh tiếp. Có 60 đại học lần đầu lọt top 1.000, trong đó ĐHQG TP.HCM và ĐHQG Hà Nội.
Dữ liệu xếp hạng của QS dựa trên ý kiến khảo sát của 1,2 triệu các nhà khoa học và 200 nghìn các nhà tuyển dụng; số bài báo Scopus tính trong 5 năm (2011-2016) còn số trích dẫn tính cho giai đoạn 2012-2017.