Bệnh nhân được ghép phổi là Ly Chương Bình. Cả hai lá phổi được ghép đều lấy từ nguồn cho sống là bố và bác ruột của cậu bé.
GS Đỗ Quyết - Giám đốc Học viện Quân y - cho biết: Hồi tháng 11/2016, bệnh nhân Ly Chương Bình được chẩn đoán giãn phế quản bẩm sinh lan tỏa 2 phổi. Ngoài ra, cháu còn bị biến chứng suy hô hấp, tam phế mạn, suy dinh dưỡng độ III, có chỉ định tuyệt đối ghép phổi.
Sau khi thuyết phục gia đình bệnh nhân, bố ruột cháu Ly Chương Bình là anh Ly Cù G (SN 1989) và bác ruột Ly Cù T (sn 1987, Quản Bạ, Hà Giang) đã đồng ý thực hiện ca ghép phổi, do các bác sĩ Bệnh viện Quân y 103, Học viện Quân y phối hợp với các chuyên gia của Bệnh viện Đại học Okayama (Nhật Bản) tiến hành.
Ngày 21/2, ca phẫu thuận đã tiến hành thành công sau thời gian mổ kéo dài 10 tiếng, từ 7.30 – 17/30. Hiện cả bác và bố ruột bệnh nhân - 2 người cho phổi sống đầu tiên tại Việt Nam đều ổn định.
Cháu Ly Chương Bình đang tiếp tục theo dõi, các chỉ số đều ổn định và đang được điều trị tích cực. Theo chuyên gia của Nhật, sau ca ghép phổi trẻ có thể sống đến 60, 70 thậm chí 80 tuổi.
Các chuyên gia cho rằng ghép phổi từ người cho sống là một kỹ thuật rất khó. (Ảnh do Bệnh viện Quân y 103 cung cấp)
Còn với sức khỏe của 2 người cho phổi, GS. Đỗ Quyết cho biết, phổi gồm 2 buồng phổi, trong đó buồng phổi bên trái gồm 2 thùy, buồng phổi bên phải có 3 thùy.
Phổi chỉ còn 1 thùy có thể giãn nở chiếm đầy khoang phổi (có thể cắt 1 thùy bên trái hoặc bên phải), các chức năng phổi phục hồi rất nhanh. Vì thế, sau cắt một phần phổi, chức năng phổi, người bệnh nhanh chóng trở về bình thường.
GS Đỗ Quyết cho biết, ghép phổi từ người cho sống là một trong những kỹ thuật rất khó bởi phổi không giống các tạng khác, là cơ quan hô hấp đảm bảo oxy cho cơ thể.
Do đó, mỗi ca phẫu thuật đòi hỏi phải lựa chọn đánh giá tình trạng phổi của người cho, của người nhận. Nếu nguồn cho là phổi đang nhiễm khuẩn thì rất khó để tiến hành. Nếu mang lá phổi không thực sự là khỏe này ghép vào người khác sẽ dẫn tới cơ hội nhiễm trùng cao.
GS. Oto Takahiro, Giám đốc Trung tâm Ghép tạng - Bệnh viện Đại học Okayama (Nhật Bản) tin tưởng sau ca phẫu thuật đầu tiên này, ca phẫu thuật thứ 2 các bác sĩ Việt Nam có thể thực hiện tốt. Tỷ lệ sống sót sau 5 năm được ghép tại đây là 80%, cao hơn nhiều so với tỷ lệ chung của thế giới.