Lần đầu tiên phát hiện Thỏ vằn ở Khu bảo tồn Sao la Huế

Lần đầu tiên phát hiện Thỏ vằn ở Khu bảo tồn Sao la Huế

(GD&TĐ) - Ngày 12/6, ông  Lê Ngọc Tuấn, Giám đốc Khu bảo tồn Sao la Thừa Thiên - Huế cho biết: Trong những đợt tuần tra giám sát đa dạng sinh học mới đây, cán bộ khu bảo tồn đã bất ngờ phát hiện 1 cá thể Thỏ vằn tại tiểu khu rừng 405 - Khu bảo tồn Sao la Thừa Thiên - Huế.

123
Thỏ vằn được phát hiện tại Khu bảo tồn Sao la Thừa Thiên - Huế

Thỏ vằn có tên khoa học là Nesolagus Timminsi, là một trong hai loài thỏ duy nhất có sọc. Đây là loài thú cổ còn sót lại.

Việc phát hiện mới loài Thỏ vằn (Nesolagus Timminsi) tại khu vực rừng thuộc Khu bảo tồn Sao la Thừa Thiên - Huế  là một bất ngờ và thú vị lớn.

Đây là cũng là vấn đề cần lưu tâm cho những người làm công tác bảo tồn.

Tiến sĩ Phạm Trọng Ảnh - Phòng Động vật học có xương sống, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật - cho biết: Thỏ vằn chỉ mới được phát hiện khoảng chục năm nay. Chúng chỉ có ở Việt Nam, Lào, phỏng đoán, hiện chỉ còn từ 100-200 con ngoài tự nhiên.

Riêng tại vùng Đông Dương, Thỏ vằn được các nhà khoa học Nga tìm thấy tại Lào năm 1996 và đến năm 2000 tiếp tục tìm thấy chúng ở Việt Nam ở Khu Bảo tồn thiên nhiên Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình) và Pù Mát (Nghệ An).

Kết quả đề tài “Nghiên cứu Thỏ vằn Việt Nam” mới đây nhất của nhóm các nhà khoa học thuộc Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật cho thấy Thỏ vằn là loài đặc hữu chỉ có ở Lào và Việt Nam.

 “Trong quá trình điều tra, chúng tôi cũng gặp một số con Thỏ vằn bị dính bẫy của người dân, bởi chúng khu trú ở rìa rừng. Điều đó đã làm suy giảm nghiêm trọng quần thể của loài thỏ quý hiếm này. Thế nhưng, cho đến nay chưa có công trình nào lớn nghiên cứu đầy đủ về Thỏ vằn.

Do đó, chưa đánh giá được hiện trạng của loài này còn bao nhiêu cá thể. Ước lượng chỉ còn có khoảng 100 - 200 cá thể” - Tiến sĩ Ảnh nói.

Theo TS Đặng Tất Thế - Phòng Hệ thống học phân tử và di truyền bảo tồn, thành viên nhóm nghiên cứu: Thỏ là loài nổi tiếng về khả năng sinh sản nhanh, chúng đạt đến tuổi trưởng thành sớm và đẻ thường xuyên.

Thế nhưng, chưa rõ vì sao loài Thỏ vằn này lại ngược lại, chỉ có quần thể rất nhỏ, nhỏ về mặt số lượng, nhỏ về mặt phân bố và đẩy loài này đứng trước nguy cơ tuyệt chủng mà chưa có sự lý giải thỏa đáng.

“Việc thiếu các đề tài nghiên cứu chi tiết, cụ thể không chỉ đối với loài này mà còn nhiều loài quý hiếm khác là vấn đề báo động trong công tác bảo tồn loài hiện nay” – Tiến sĩ Thế nhấn mạnh.

123
Mang đỏ được phát hiện tại khu bảo tồn Sao la Thừa Thiên - Huế ngày 20/5

Trước đó, trong một lần trên dường đi đặt bẫy ảnh tại những cánh rừng già tiểu khu rừng 353 - Khu bảo tồn Sao la vào ngày 20/5, các nhân viên khu bảo tồn hết sức thú vị trước những hình ảnh bình yên thật hiếm có, đó là một chú Mang đỏ đang nằm nghỉ bên dòng suối mát.

Sau khi hồi hộp tiến sát đến khoảng cách chừng 1m để ghi lại hình ảnh, thì chú Mang mới phát hiện ra có sự hiện diện bóng dáng của con người và hốt hoảng bỏ chạy.
 
Dãy Trường Sơn ở miền Trung Việt Nam và Nam Lào với những dãi núi trải dài, địa hình đồi dốc hiểm trở là môi trường sống lý tưởng của muôn loài. Trong đó, Khu bảo tồn Sao la Thừa Thiên Huế nằm trong hành lang đa dạng sinh học của vùng trung Trường Sơn, nơi có tính đa dạng sinh học cao còn sót lại.

Đây còn là môi trường sống quan trọng của một số loài đặc hữu như: Sao la (Pseudoryx nghetinhensis), Mang lớn (Muntiacus vuquangensis), Mang trường sơn (Muntiacus truongsonensis), Gà lôi lam mào trắng (Lophura edwardsi), Voọc chân xám  (Pygathryx nemaeus cinerea) và Trĩ sao (Rheinartia ocellata).

Minh  Ngọc

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ