Làm thế nào để ‘hồi sinh’ cuộc hôn nhân tẻ nhạt?

GD&TĐ - Tôi và anh quyết định sống riêng từ khi kết hôn nên chúng tôi không có sự hỗ trợ của gia đình. Tôi không gặp phải vấn đề gì nếu như anh không thường xuyên mang việc ở công ty về nhà. 

Làm thế nào để ‘hồi sinh’ cuộc hôn nhân tẻ nhạt?

Tôi biết anh chăm chỉ làm việc cũng chỉ mong kiếm được nhiều tiền để tôi và các con sau này có một cuộc sống đầy đủ. Nhưng anh đam mê công việc đến mức không có lúc nào ngẩng lên để nhìn tôi. Điều này khiến tôi nghĩ anh là người đàn ông ích kỷ. Nhưng mỗi khi nghe tôi phàn nàn, anh lại cho rằng tôi thật vô lý. 

Chúng tôi ngày càng lạnh nhạt và xa cách, tôi nghĩ mình đã chịu đựng quá đủ. Tôi thực sự không còn cảm thấy hứng thú với anh nữa. Người ngoài nhìn vào sẽ chỉ thấy anh là một người đàn ông tốt và một người cha tốt, nhưng anh không còn điều gì khiến tôi cảm thấy cuốn hút nữa. 

Suy nghĩ của chúng tôi quá khá khác nhau, chúng tôi hầu như không nói về bất cứ điều gì khác ngoài những thứ như hóa đơn điện nước, các khoản biếu nội biếu ngoại, mua sắm vật dụng trong nhà,...

Trong nhiều năm, anh không bao giờ chủ động đề nghị một cuộc hẹn hò riêng với tôi. Thậm chí, tôi chán nản đến mức nghĩ rằng dù anh có làm điều đó đi chăng nữa, tôi cũng không đồng ý vì tôi biết kiểu gì anh cũng sẽ xách theo chiếc laptop và cắm mặt vào công việc thay vì trò chuyện với tôi. 

Dù đã nhiều tuổi nhưng tôi vẫn nuôi dưỡng những khao khát rất phụ nữ. Tôi luôn nhìn thấy những người đàn ông biết quan tâm và hỏi han vợ hàng ngày. Tôi xem phim mà cứ bị hút vào những người đàn ông như vậy. Tôi từng yêu anh rất nhiều, tôi luôn nhớ điều đó, nhưng tôi không nghĩ mình còn đủ kiên nhẫn với tình yêu này. 

Điều duy nhất khiến tôi muốn níu giữ cuộc hôn nhân này có lẽ là thời gian đã có với nhau. Nếu bỏ qua thói nghiện việc của anh thì chúng tôi là một cặp vợ chồng lâu năm, tính cách khá hợp nhau. Chúng tôi không cãi nhau nhiều và cùng nhau nuôi dạy những đứa trẻ tuyệt vời.

Thi thoảng, tôi tự nhủ có lẽ mình chỉ nên hạnh phúc với những gì mình có, nhưng tôi không thể giả vờ không quan tâm đến sự lạnh nhạt của anh. Thời gian càng trôi đi, tôi càng thấy mệt mỏi. 

Ly hôn hay không ly hôn? Tôi gần như phát điên khi ý nghĩ này liên tục xuất hiện. Mẹ tôi khuyên tôi bình tĩnh để gìn giữ gia đình: “Con à, phụ nữ ngoài 50 tuổi mà ly hôn thì sau này con tính sao? Thời gian của mẹ cũng không còn nhiều đâu, chẳng ai biết ngày mai thế nào. Nhưng mẹ trân trọng từng ngày mình được sống khỏe mạnh, để đến khi nhắm mắt, mẹ không có gì phải hối tiếc. 

Con cứ nghĩ mà xem, thực ra con không có lý do gì để chán nản cả. Chồng con đam mê công việc, đó là điều tốt đấy chứ. Nghe mẹ nhé con, đừng đòi hỏi gì ở người khác, chỉ cần những người con yêu thương đang sống khỏe mạnh và tích cực là được rồi”.

Nghe lời mẹ, tôi cố gắng suy nghĩ tích cực hơn để có thể tiếp tục đồng hành với anh. Tôi từng coi anh là mục đích sống, và có lẽ bây giờ tôi cũng nên như vậy. Ly hôn chắc chắn là điều mà tôi không muốn làm trong suốt phần đời còn lại của mình. 

Tôi tự hỏi liệu anh có cảm thấy như vậy không. Sẽ như thế nào khi chúng tôi mở một cuộc đối thoại kỷ niệm khoảng thời gian tôi và anh đã có với nhau và mở ra một cuộc thảo luận về những gì mỗi người mong muốn trong những năm còn lại của mình? Nếu tôi cho anh biết rằng tôi không hài lòng với hiện tại, anh có thể thay đổi vì tôi không? 

Mọi thứ dường như đang diễn ra không thật sự xứng đáng với mối quan hệ lâu dài của chúng tôi. Nhưng rất có thể anh cũng cảm thấy không hài lòng và không biết phải làm gì với điều đó. Tôi nghĩ mình không thể biết trừ khi bắt đầu giao tiếp với anh. Tôi biết nhiều cặp vợ chồng là bạn bè của tôi, họ đã trò chuyện cùng nhau để hàn gắn lại tình cảm đã phai nhạt.

Có một số người vẫn muốn duy trì hôn nhân, nhưng họ thay đổi kỳ vọng về đối phương. Có những người quyết định rằng ly thân hoặc ly hôn là lựa chọn tốt nhất cho họ. Còn với tôi, tôi sẽ tìm ra con đường nào dành cho mình, ít nhất là một cuộc trò chuyện chứ không phải là một quyết định đơn phương. Tôi tin rằng nếu mình và anh cởi mở với nhau, cùng nhau khám phá các lựa chọn, và cuối cùng đi đến quyết định phù hợp, thì cơ hội giữ được mối quan hệ sẽ lớn hơn đáng kể.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

PGS.TS Đỗ Duy Cường thăm khám cho bệnh nhân mắc sởi. Ảnh: BVCC

Gia tăng bệnh sởi ở người lớn

GD&TĐ - Gần đây, số ca mắc sởi có xu hướng gia tăng trên phạm vi nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt ở những nơi đông dân cư.