(GD&TĐ) - Trong xã hội ngày nay xuất hiện ngày càng nhiều những người mẹ đơn thân. Đó là những phụ nữ có hoàn cảnh éo le hoặc không thích ràng buộc. Họ đã chọn cách làm mẹ đơn thân và nuôi con một mình.
Cách đây 15 năm, chị Thu vào diện quá lứa lỡ thì đã nhận nuôi cháu H.A từ trại trẻ mồ côi. Hồi còn nhỏ H.A rất ngoan, luôn gần gũi, tình cảm với mẹ và học hành chăm chỉ. Gần đây, một số bạn bè cùng lớp trêu chọc cháu là đứa con rơi, không cha, không mẹ được mẹ Thu xin từ trại trẻ mồ côi. Điều đó làm cháu tủi thân, suy nghĩ nhiều rồi xa lánh mọi người và bỏ học. H.A đang ở lứa tuổi dậy thì, có nhiều thay đổi về tâm sinh lý nên chị Thu rất khó chia sẻ với con gái. Điều đó càng làm mối quan hệ hai mẹ con rơi vào khủng hoảng.
Hoàn cảnh của mẹ con chị Liên, cũng khá vất vả. Chị sinh bé Tuấn khi đã ngoại tứ tuần trong hoàn cảnh đơn thân, côi cút. Cha mẹ đẻ của chị lúc đó cũng đã khuất núi, các anh chị em thì chẳng ai đoái hoài đến chị. Sự kỳ thị của những người xung quanh, những khó khăn trong việc giáo dục cậu con trai khi bắt đầu tập ăn, tập nói đã làm chị mệt mỏi và rơi vào trạng thái cô độc. Gần đây chị lại thường xuyên lo lắng với câu hỏi của cậu con trai về bố.
Trường hợp của D thì khác, D từng chia sẻ trên facebook: “Hôm nay dẫn cu Bin đi học, vừa tới cổng, một cậu bé cùng lớp chạy lại bảo: “Mẹ tao nói mày không có bố, không được chơi với tụi tao”. Cu Bin dõng dạc: “Tao không có bố nhưng mẹ ngày nào cũng đưa, đón tao đi học, còn mày có bố, mẹ mà chỉ có chú xe ôm chở thôi”, hạnh phúc vô cùng”. Dòng tâm sự của D, một bà mẹ đơn thân có con trai 9 tuổi làm ấm lòng cộng đồng “single mom”.
D. làm việc ở một ngân hàng tại, là một mỹ nhân chính hiệu, cao 1,72 cm, trắng nõn nà, là tiểu thư nhà giàu, bao người đeo đuổi thế nhưng cô lại làm mọi người kinh ngạc khi âm thầm đi thụ tinh nhân tạo rồi sinh con một mình. Bị gia đình phản đối, D. mua nhà ra ở riêng, thuê vú em về chăm con cùng cô. Cô thẳng thắn trao đổi với con vì sao không có bố và cậu bé tuy mới 9 tuổi nhưng rất hiểu vấn đề. Vì thế khi ra ngoài, những người “độc miệng” hay nói này nọ, con trai D. không hề buồn mà luôn tự hào vì có người mẹ như D.
Với Gia Linh thì lại khác. Gia Linh là một cô gái xinh đẹp, thành đạt, làm nhân viên kế toán cho cơ quan nhà nước, ngoài ra cô còn làm giám đốc của một công ty tư nhân chuyên kinh doanh nội thất. Hiện tại Gia Linh đã mua được một căn hộ chung cư cao cấp, có xe hơi mới nhưng vẫn đi về một mình ở cái tuổi quá băm.
Gia đình, họ hàng sốt ruột, hễ cứ nhắc đến chuyện chồng con với Linh là cô lại gạt phắt đi và nói: “Con ở một mình sung sướng, thoải mái thế này, việc gì mà con phải lấy chồng cho rước nợ vào thân. Con thích có con lúc nào, nên lúc ấy, lo gì!”.
Gia Linh nói cứng vậy thôi để cho cha mẹ và mọi người trong gia đình khỏi thúc giục chứ thực ra cô đang vướng vào mối tình với một đại gia đã có vợ và 2 con gái. Nhiều lần anh ta đề nghị Gia Linh sinh cho anh ta một cậu quý tử nhưng vì còn phân vân nên cô chưa quyết định gì.
Nhưng chỉ sau một thời gian không lâu, Gia Linh nói với gia đình là chuyển công tác vào thành phố Hồ Chí Minh một vài năm, nhưng thực ra là Linh vào để sinh con. Sau ba năm xa nhà, bỗng một hôm cô bế bé trai bụ bẫm, kháu khỉnh hơn 2 tuổi về nhà, khiến cả nhà được một phen sửng sốt.
Sự kiện Linh không chồng mà có con làm nảy sinh nhiều lời đồn đoán, thậm chí còn có cả lời ác khẩu. Còn Gia Linh thì lặng im chẳng thèm tranh cãi nửa lời, cô vẫn vui vẻ hồn nhiên và hãnh diện mỗi khi nhắc đến cậu con trai.
Đa phần những bà mẹ đơn thân đều gặp khó khăn trong việc nuôi dạy trẻ, đặc biệt là khi trẻ nước vào tuổi dậy thì. Tất cả những điều đó đã làm các bà mẹ đơn thân lo lắng và đôi khi stress trầm trọng. Bởi vậy, trước khi quyết định việc đơn thân có con, các bà mẹ cũng cần chuẩn bị về điều kiện kinh tế, kiến thức, tâm lý khi trẻ sống với mình mà không có cha. Việc chuẩn bị kỹ sẽ giúp các chị có thể hòa nhập tốt với cuộc sống mới, và đủ sức ứng phó với những thách thức. Các chị cần chia sẻ khó khăn của mình với những người thân, hoặc có thể đến với các trung tâm tham vấn tâm lý để được giúp đỡ.
Linh Linh