Làm gì để virus cúm gia cầm không lây sang người?

GD&TĐ - Thời tiết hiện nay đang trong giai đoạn chuyển mùa và thay đổi bất thường thuận lợi cho virus cúm gia cầm phát triển.

Biểu hiện của bệnh cúm gia cầm cũng giống cúm mùa. Ảnh minh họa
Biểu hiện của bệnh cúm gia cầm cũng giống cúm mùa. Ảnh minh họa

Dịch cúm trên gia cầm vẫn xảy ra rải rác tại các địa phương. Bên cạnh đó, thời tiết hiện nay đang trong giai đoạn chuyển mùa và thay đổi bất thường thuận lợi cho virus cúm gia cầm phát triển.

Nguy cơ lây nhiễm lớn

Bộ Y tế vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường phòng chống cúm gia cầm lây sang người.

Thông tin từ đầu mối Điều lệ y tế quốc tế (IHR) Campuchia, từ ngày 23/11 đến nay, Bộ Y tế Campuchia ghi nhận thêm 2 trường hợp nhiễm cúm A(H5N1) tại tỉnh Kampot. Tích lũy từ đầu năm đến nay, Campuchia đã ghi nhận 6 trường hợp nhiễm cúm A(H5N1). Trong đó, có 3 trường hợp tử vong.

Kampot (Campuchia) là tỉnh giáp với biên giới phía Tây Nam của Việt Nam. Trong điều kiện giao lưu thương mại ngày càng rộng mở giữa Việt Nam và các nước trên thế giới, nguy cơ cúm gia cầm có thể xâm nhập vào nước ta và lây nhiễm sang người là rất lớn, đặc biệt là các tỉnh có đường biên giới với các quốc gia đang có dịch.

Tại Việt Nam, thông tin từ Cục Thú y - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dịch cúm trên gia cầm vẫn xảy ra rải rác tại các địa phương. Bên cạnh đó, thời tiết hiện nay đang trong giai đoạn chuyển mùa và thay đổi bất thường thuận lợi cho virus cúm gia cầm phát triển.

Đồng thời, người dân có xu hướng tăng nuôi gia cầm để chuẩn bị phục vụ dịp Tết Nguyên đán năm 2024. Do đó, hoạt động vận chuyển và buôn bán gia cầm có thể gia tăng, luôn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cúm gia cầm sang người.

Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cúm gia cầm là một loại bệnh cúm do virus gây ra cho các loài chim và có thể xâm nhiễm một số loài động vật có vú. Virus này được phát hiện lần đầu tiên tại Italy cách đây hơn 100 năm và giờ đây xuất hiện ở hầu hết các nơi trên thế giới. Virus cúm gia cầm thuộc nhóm virus cúm A của họ Orthomyxoviridae.

Vỏ của virus cúm A bản chất là glycoprotein bao gồm 2 kháng nguyên: Kháng nguyên ngưng kết hồng cầu H (Hemagglutinin) và kháng nguyên trung hoà N (Neuraminidase). Có 15 loại kháng nguyên H (H1-H15) và 9 loại kháng nguyên N (N1-N9).

Những tổ hợp khác nhau của hai loại kháng nguyên này tạo nên các phân týp khác nhau của virus cúm A. Từ năm 1997, sự bùng phát của virus H5N1 đã làm nhiễm bệnh và chết hàng chục triệu gia cầm. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), từ tháng 12/2003 - 19/6/2008, có 243 người tử vong do cúm gia cầm trong số 385 ca nhiễm H5N1 tại 15 nước, chủ yếu ở châu Á.

Indonesia là nước có nhiều ca tử vong nhất do H5N1 với 110 người chết trong 135 ca nhiễm. Từ năm 1997, các phân týp virus cúm gia cầm khác cũng đã được phát hiện ở người như H7N2, H7N3, H7N7, H9N2.

Biểu hiện giống cúm mùa

Theo bác sĩ Phan Văn Mạnh - Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, biểu hiện của bệnh cúm gia cầm cũng giống như cúm mùa. Tuy nhiên, mức độ nghiêm trọng và tỷ lệ tử vong có xu hướng cao hơn, dù còn tùy thuộc vào chủng virus.

Người nhiễm cúm gia cầm có thể không có triệu chứng, hoặc các biểu hiện nhẹ của triệu chứng cúm (như sốt, ho, chảy mũi, nghẹt mũi, đau họng, đau mỏi cơ, đau đầu, viêm kết mạc). Các dấu hiệu ít phổ biến hơn bao gồm tiêu chảy, buồn nôn, nôn hoặc co giật. Các biểu hiện nặng hơn có thể gặp là khó thở hoặc viêm phổi, tiến triển suy hô hấp với tỷ lệ tử vong cao.

Khi có biểu hiện lâm sàng, kèm theo tiền sử tiếp xúc với người đang mắc cúm gia cầm hoặc tiếp xúc với gia cầm trong khu vực có dịch, kể cả đi du lịch đến vùng lưu hành cúm gia cầm, cần nghi ngờ nhiễm bệnh. Đồng thời, phải đến ngay cơ sở y tế có khả năng xét nghiệm cúm để được khám và chẩn đoán kịp thời.

Bác sĩ Mạnh cho biết, Oseltamivir (Tamiflu) là thuốc đặc hiệu để điều trị cúm gia cầm, cần được dùng càng sớm càng tốt. WHO khuyến cáo không sử dụng corticosteroid, liệu pháp miễn dịch thụ động hay kháng sinh nhóm macrolid trong các trường hợp cúm.

Việc sử dụng kháng sinh khi bệnh nhân không có tình trạng bội nhiễm vi khuẩn cũng không cần thiết và làm gia tăng tình trạng kháng thuốc kháng sinh. Vì vậy, người bệnh không tự ý mua thuốc uống khi có các biểu hiện nhiễm cúm mà cần đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị đúng.

“Các điều trị bổ trợ cơ bản trong điều trị cúm mà người dân có thể tự thực hiện tại nhà là nghỉ ngơi, cung cấp đầy đủ nước và dinh dưỡng, hạ sốt bằng thuốc hạ sốt paracetamol khi sốt trên 38,5 độ C, cân bằng dịch và điện giải bằng cách uống oresol”, bác sĩ Mạnh khuyến cáo.

Để chủ động ngăn chặn bệnh cúm gia cầm xâm nhập vào Việt Nam và lây nhiễm sang người, Cục Y tế dự phòng đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố quan tâm chi đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường giám sát chặt chẽ người nhập cảnh.

Từ đó, nhằm phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ/mắc bệnh, nhất là người giết mổ, buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm sống, người có tiền sử đến từ khu vực đang có dịch (gồm dịch trên gia cầm và ở người).

Đồng thời, cần kịp thời lấy mẫu xét nghiệm gửi về các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur để xét nghiệm chẩn đoán xác định; quản lý ca bệnh (nếu có) và xử lý không để bệnh lây lan ra cộng đồng. Tăng cường giám sát các trường hợp viêm đường hô hấp cấp tính, hội chứng viêm phổi nặng do virus và hội chứng cúm để phát hiện kịp thời ca bệnh cúm A(H5N1).

Các bệnh viện sẵn sàng thu dung, cách ly, điều trị theo quy định của Bộ Y tế và thông báo kịp thời cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật để có các biện pháp phòng, chống dịch kịp thời.

Tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan y tế, cơ quan thú y và chính quyền địa phương trong việc giám sát phát hiện dịch cúm trên gia cầm đặc biệt tại các cửa khẩu và các chợ gia cầm sống, kịp thời chia sẻ thông tin và xử lý triệt để ổ dịch.

Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương tăng cường tuyên truyền biện pháp phòng lây nhiễm cúm gia cầm sang người tại khu vực có gia cầm ốm, chết và những vùng có nguy cơ cao. Luôn sẵn sàng thuốc, vật tư, hóa chất, phương tiện hỗ trợ kịp thời cho địa phương triển khai các biện pháp xử lý ổ dịch.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thức ăn Hạt cho mèo