Trước đó bà Nguyễn Thị Thanh Hằng, Giám đốc, giáo viên dạy tiếng Anh tại Trung tâm Mun Art Academy đã bị cô Ng.Th.Tr.Th., là phụ huynh của một học sinh tát vào mặt. Rồi bà Phan Thị Nghĩa (trú phường Trung Đô,TP. Vinh) xông vào trường học, đánh nữ giáo viên thực tập suýt sảy thai tại Trường Mầm non Việt-Lào, phường Trung Đô, TP Vinh, Nghệ An)…
Không ai dám chắc sẽ không còn xảy ra những sự việc tương tự đau lòng, nhức nhối như trên nữa trong trường học, môi trường giáo dục? Vậy nguyên nhân từ đâu và làm cách nào để ngăn chặn được những hành vi bất chấp đạo lý coi thường pháp luật này.
Là giáo viên dạy giáo dục công dân có 34 năm công tác, trước việc đồng nghiệp mình bị xúc phạm, tôi chợt lo nghĩ không biết mình “có bị” như đồng nghiệp mình không? Rất khó để trả lời câu hỏi này, nhưng bản thân luôn cố gắng và tự nhắc mình phải xử sự đúng mức trong mọi giao tiếp và luôn phải làm chủ bản thân trước mọi tình huống để tránh những hậu quả khôn lường có thể xảy ra trong cuộc sống nói chung, và trong nhà trường nói riêng. Vậy vì sao lại xảy ra những vụ phụ huynh xúc phạm thân thể, tinh thần của giáo viên? Theo cá nhân tôi có những nguyên nhân sau:
Về mặt tâm lý, hầu hết cha mẹ nào cũng đều rất mực yêu thương chăm lo cho con em mình, nhất là trong thời đại ngày nay mỗi gia đình có rất ít con, do vậy việc bao bọc con luôn trên mức cần thiết, thái quá. Mỗi khi có vấn đề gì xảy ra với con mình thì lập tức trút mọi sự tức giận lên thầy cô từ hành vi thô bạo, đến lời nói thiếu văn hóa là vậy.
Về mặt nhận thức, phụ huynh học sinh bao gồm nhiều thành phần trong xã hội, mỗi phụ huynh có trình độ, nhận thức ở mức độ khác nhau, nên việc ứng xử cũng khác nhau. Đa phần các phụ huynh xúc phạm thân thể thầy cô đều nhận thức vấn đề chỉ có một chiều, không tìm hiểu nguyên nhân sự việc và thiếu bình tĩnh, nên dẫn đến xảy ra những việc đáng tiếc. Nếu phụ huynh biết kiềm chế, tìm hướng giải quyết tích cực thì sẽ không có vấn đề đáng trách xảy ra, nhiều phụ huynh vì quá nghe lời con, thiếu suy nghĩ và còn dùng bạo lực để giải quyết vấn đề, khiến sự việc đi quá xa giới hạn không thể kiểm soát được hành vi là vậy.
Về mặt pháp lý, các vụ việc xúc phạm giáo viên của phụ huynh chưa được xử lý một cách “thấu tình đạt lý”, chỉ dừng lại ở mức hành chính có tính tuyên truyền, tính giáo dục là chính mà cần phải có thêm tính bắt buộc cấm mọi hành vi xúc phạm đến thân thể, danh dự, tinh thần nhà giáo. Vấn đề này cần được trở thành một điều luật riêng, làm căn cứ xử lí nghiêm minh những hành vi vi phạm của phụ huynh đối với thầy cô - nhưng điều này vẫn còn quá xa vời.
Vậy cần phải làm gì để giúp thầy cô giáo không phải vừa dạy vừa lo sợ “phụ huynh thiếu kiềm chế”? Việc thầy cô bị phụ huynh xúc phạm chúng ta cần nhìn nhận vấn đề xuất phát từ hai phía mới mong có giải pháp giúp ngăn chặn những việc đáng tiếc xảy ra giữa thầy cô với phụ huynh học sinh.
Về phía thầy cô, nên và luôn ghi nhớ phải lấy tình yêu thương để giáo dục các em, dù trong bất kì hoàn cảnh nào thầy cô giáo cần đặt chữ “tâm” lên hàng đầu. Theo đó, từ lời nói đến cử chỉ hành vi đều phải hướng đến mục tiêu động viên, giúp đỡ các em hơn là sự trách phạt dễ dẫn đến sai lầm về mặt sư phạm, đồng thời thầy cô cũng tập cho mình bằng được cách làm chủ bản thân trong mọi tình huống, như vậy mới tránh những sai lầm không đáng có từ thầy cô.
Ví dụ như việc em M.T.T.T, học sinh lớp 1A1 Trường tiểu học Quang Trung, quận Ngô Quyền (Hải Phòng) bị bắt đứng ngoài nắng khi đi học sớm 15 phút, nếu cô chủ nhiệm xử lý học sinh đi học sớm bằng cách cho các em vào phòng đợi (phòng bảo vệ, phòng giáo viên, phòng hội đồng…) thì nhân văn biết mấy, và sẽ không khiến dư luận phẫn nộ.
Về phía phụ huynh, rất mong các bậc phụ huynh hãy tìm hiểu sự việc một cách cụ thể, rồi phản ảnh với nhà trường để giải quyết, tránh hiện tượng “nghe lời con lon xon mắng người”. Nếu nhà trường không giải quyết thỏa đáng, phụ huynh khiếu nại lên cơ quan cấp trên để xem xét. Phụ huynh không vì con em mình mà xúc phạm thầy cô, bởi đạo lý từ nghìn xưa, truyền thống của dân tộc ta: “nhất tự vi sư bán tự vi sư” “muốn sang thì bắt cầu Kiều muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”.… đến nay vẫn còn nguyên giá trị.
Và để thầy cô an tâm giảng dạy, hạn chế nạn phụ huynh “tấn công” giáo viên, nhà trường cần phải có sự phối hợp mật thiết với phụ huynh trong việc giáo dục các em một cách thiết thực, không chỉ là hình thức nhằm tạo sự đồng thuận, đồng tình và ủng hộ của quý phụ huynh. Đây là trách nhiệm của hiệu trưởng thể hiện vai trò của mình là người lãnh đạo tốt, quản lý giỏi, quản trị tài và Ban đại diện cha mẹ học sinh cũng cần thể hiện vai trò là cầu nối giữa thầy cô với phụ huynh thật bền vững, tốt đẹp như “Cầu Kiều” góp phần hạn chế những đáng tiếc xảy ra trong nhà trường.