(GD&TĐ) - Sự phát triển của văn hóa nghe nhìn cộng với việc gần như học cả ngày đã khiến cho HS, nhất là các em ở thành thị mất dần thói quen đọc sách. Điều này cũng ảnh hưởng trực tiếp đến việc các em không mặn mà đến thư viện tìm đọc hoặc tra cứu tài liệu phục vụ học tập cũng như vốn sống cho bản thân.
Thầy Hoàng Hùng Quán, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Hưng Đạo, TP Bắc Ninh cho biết: “Đầu tư sách không khó nhưng cái khó là cần có người đọc, tìm ra biện pháp để thu hút người đọc. Văn hóa đọc hiện nay đang bị mai một dần. Không chỉ HS mà đến thầy cô giáo cùng lười đến thư viện. Đã vậy, thông tin ngày nay phong phú qua phương tiện truyền thông, do đó không hấp dẫn HS đọc sách”.
Nhiều bậc phụ huynh cũng như thầy cô giáo đều băn khoăn bởi ngày nay HS rất lười đến thư viện đọc sách báo hay tra cứu tài liệu. Mặc dù, những năm gần đây, hệ thống thư viện trong các nhà trường đã được quan tâm và đầu tư, bổ sung thêm đầu sách. Tuy nhiên, muốn tra cứu tài liệu, HS có thể sử dụng thành thạo máy tính ở gia đình, như thế vừa thuận tiện, lại nhanh, đỡ tốn thời gian, đa số phụ huynh và HS có chung suy nghĩ như vậy.
Có con năm nay vào lớp 9, chị Chu Thị Phong ở khu Dịch Vọng, Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết, khi hỏi con gái có hay xuống thư viện đọc sách không, cháu trả lời rất thật: Từ khi chuyển cấp vào học ở trường mới đến nay con chưa hề đến thư viện lần nào. Nguyên do trong thời khóa biểu của HS không có tiết thư viện, toàn là giờ học chính nên tan học cũng đã hết giờ thư viện.
Nhiều thư viện ĐH được đầu tư thích đáng song vẫn “vắng khách” |
Với học sinh các lớp lớn hơn, thói quen đến thư viện của các em gần như không có. Đặc biệt, với các em cuối cấp, lịch học dày đặc đã khiến cho con trẻ không còn thời gian đọc và càng không còn thói quen đến thư viện trường. Thùy Linh, đang học lớp 12 Trường THPT Lê Quý Đôn- Đống Đa - Hà Nội chia sẻ: Ngoài buổi học chính, em tham gia các lớp luyện thi đại học, có hôm gần 10 giờ đêm mới tan học. Lịch học kín cả ngày nghỉ thứ 7 và chủ nhật nên không có thời gian dành cho thư viện. Song, nếu cần tra cứu tài liệu em sẽ sử dụng Internet, vừa nhanh, thông tin lại phong phú, tìm gì cũng có.
Trong khoảng 5 năm trở lại đây, một số thư viện đại học được nâng cấp nhờ nguồn kinh phí nhà nước, nhờ vốn vay Ngân hàng thế giới và nhờ tài trợ của nước ngoài. Dự án Giáo dục Đại học 1 đã đầu tư cho thư viện của 25 trường đại học với gần 1/3 tổng số tiền của Dự án (Dự án Giáo dục Đại học 1 có tổng kinh phí dự toán là 103 triệu USD). Những thư viện này đã bắt đầu tổ chức và hoạt động theo mô hình của những thư viện hiện đại. Tuy nhiên, sự đổi mới đó vẫn chưa đủ, nguồn tài nguyên thông tin trong các thư viện này vẫn chưa được cải thiện đáng kể.
Nhiều trường ĐH, CĐ đã đầu hàng chục tỉ đồng cho việc xây dựng hệ thống thư viện hiện đại, khang trang. Trong số đó phải kể đến là Trung tâm thư viện ĐH Bách khoa, KTQD, ĐHQG Hà Nội… được xem là những thư viện trường học hàng đầu Việt Nam. Thế nhưng SV chăm chỉ tới thư viện là vào các mùa thi cuối kỳ tháng 12 và tháng 6, vào các ngày thường, thư viện lại vắng như chùa Bà Đanh.
Mặt khác, do CNTT phát triển, văn hóa nghe nhìn đã lấn át khiến cho văn hóa đọc sách của con người trong xã hội hiện đại, trong đó có cả HS, SV bị mai một dần. Nhiều bạn trẻ ngày nay quen với việc tìm kiếm tài liệu trên mạng chứ không quen đến thư viện tìm kiếm. Và có một lý do không thể phủ nhận đó là hình như các thầy cô giáo vẫn còn mang thói quen cũ dạy học chay, không tạo cho HS có thói quen đọc thêm tài liệu phục vụ bài học chính trên lớp.
Có thể nói, đây chính là những nguyên nhân chính khiến cho thư viện trường học vắng bóng HS, SV.
K.K
TIN LIÊN QUAN |
---|