(GD&TĐ) - Sáng ngày 21/2/2012, tôi đi ngang qua Trường Mầm non TT Thiên Nga-TP Đà Nẵng nằm trên đường Phan Văn Trị, bỗng nhận ra khung cảnh bên trong im lìm khác hẳn ngày thường. Ngạc nhiên, tôi bước vào bên trong, thì thấy chỉ có khoảng trên dưới 10 cháu đang ngồi quây quần với nhau giữa lớp học.
Nhà tôi ở cách đó chỉ một con đường, nhưng thường ngày, không khí đông vui, tấp nập của một ngôi trường bề thế nhất khu phố đã buộc tôi phải chú ý vì sao ngôi trường bỗng dưng vắng lặng đến như thế. Mới chợt nhớ ra, cách đây chưa đầy tuần lễ, tại Trường đã xảy ra vụ một cháu bé 21 tháng tuổi tử vong vì bệnh Chân-Tay-Miệng Miệng và Báo Giáo dục và Thời đại cũng như nhiều tờ báo khác đã đưa tin. Nhưng theo như hầu hết các tin, bài đã đưa thì không có việc Trường MNTT Thiên Nga phải đóng cửa không hoạt động. Các cơ quan Y tế chức năng của TP Đã tiến hành và hoàn tất quy trình xử lý dịch bệnh tại Trường và văn bản của Sở Giáo dục và Đào tạo TP Đà Nẵng cũng chỉ yêu cầu nhà trường tạm cho nghỉ 10 ngày đối với nhóm trẻ Mickey 2 ( nhóm trẻ có cháu bé tử vong). Tôi liền bước vào Trường tìm gặp cô Hiệu trưởng, thì được cô thông tin với một vẻ mặt vô cùng ảm đạm: “Những hôm đầu mới xảy ra vụ việc, phụ huynh ở các nhóm trẻ khác vẫn đưa cháu đến trường bình thường, vậy mà chỉ sau ngày 18, khi một tờ báo đăng tải vụ việc với nhiều tình tiết sai sự thật, đã gây hoang mang cho hàng loạt phụ huynh, nên từ trên 200 cháu, đến hôm nay nhà trường chỉ còn có hơn 10 cháu”…
(ảnh minh họa: Internet) |
Người dân Phường Khuê Trung chắc không ai không biết đến trường MN TT Thiên Nga như là hiện tượng về quy mô phát triển. Trong khi nhiều trường MN TT khác trên địa bàn phường phải chật vật lắm mới thu hút được học sinh, thì ngôi trường này chỉ sau hơn một năm thành lập, từ 25 cháu đã phát triển lên tới trên 200 cháu. Có thể đó là do Trường có diện tích đến 1560 mét vuông, với nguồn vốn đầu tư 14 tỷ có đầy đủ các trang thiết bị hiện đại phục vụ cho dạy và học như Camera, Phòng CNTT, Hệ thống báo cháy, mạng, điện thoại nội bộ cùng cách bài trí bắt mắt…Vậy mà nay, ngôi trường có nguy cơ phải đóng cửa. Sau khi cô hiệu trưởng cho tôi xem tờ báo công an địa phương đăng sai sự thật, tôi giật mình! Nếu không là người biết rõ về ngôi trường, chính bản thân tôi, trong cương vị người biên tập sẽ không mấy quan tâm đến sự thận trọng cần thiết khi xử lý tin bài của phóng viên và cộng tác viên đưa đến. Và kết quả sẽ là : Bút sa…gà chết!
Không ai có thể phủ nhận vai trò của báo chí đối với dư luận xã hội. Hàng loạt vụ việc được báo chí phanh phui trên mặt báo thời gian qua đã có tác dụng định hướng dư luận, góp phần làm trong sạch xã hội, nhất là đối với những vụ việc tiêu cực gây tác hại lớn như vụ cưỡng chế đất đai trái phép ở Đầm Tiên Lãng- Hải Phòng hay vụ hành hạ con nuôi ở Quảng Ngãi. Từ sự xác định được sứ mệnh cao cả của “ vũ khí sắc bén trên mặt trận phò chính trừ tà” như vậy, các nhà báo chân chính đều xung trận khi cần thiết và thận trọng đến từng chi tiết, từng câu, chữ. Tiếc thay, một bộ phận phóng viên thiếu cái tâm nghề nghiệp hoặc là non nớt nghiệp vụ đã không tính đến hậu họa do chính mình đem lại, gây tổn thất cho xã hội, cho con người.
Có lần, tôi nghe một chủ doanh nghiệp tâm sự: “Nếu chọn phải ra tòa hay lên mặt báo thì tôi chấp nhận việc ra tòa chứ không lên báo. Vì ra toà thì trắng đen rõ rệt còn đã lên báo thì có cải chính cũng sự đã rồi”…Vậy làm gì để bút sa mà gà không chết? Câu trả lời xin được sự trả lời của chính lương tâm của những người làm báo, chứ không phải chỉ là viết báo, vì làm báo ắt phải có một công đoạn công phu, từ lắng nghe dư luận công chúng, điều tra kỹ lưỡng, chọn lọc thông tin đến sự thận trọng trong từng chi tiết. Lại có trường hợp, “bút sa gà không chết” nhưng tác động của nó lại âm ỉ từ bên trong, như một thứ axit ăn mòn đời sống tâm hồn và tình cảm của con người mà không dễ thấy. Xin được đơn cử một ví dụ: mới đây, có một tờ báo ở chuyên mục “ đường dây nóng” đăng một dòng tít “ Cha lăng nhăng bị…con đánh ngất xỉu”-một cái tít nhạo báng một cách lãnh cảm nhưng nội dung bài báo sau đó là tường thuật một vụ tại Xã Xuân Thới Thượng, Huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh, cả người vợ và các con dã hành hạ chồng và cha của họ một cách dã man y như thời trung cổ suốt cả một đêm mà hàng xóm chứng kiến không một ai dám can thiệp. Tôi tìm kỹ cả bài báo hi vọng sẽ có một dòng thể hiện thái độ của người viết nhưng không hề có. Mấy hôm nay, tôi vẫn chờ đợi xem tờ báo này có đăng tiếp thông tin về kết quả xử lý của cơ quan chức năng này đối với những người đã gây thương tích nặng nề cho nạn nhân bị tra tấn hay không mà chưa thấy…Như vậy, trong trường hợp này, tác giả bài viết phản ánh khách quan sự việc nhưng đã không hề tính đến sự phản cảm đối với dư luận, trước cái ác “hoành hoành” một cách quá dễ dàng và sự thờ ơ của con người trước cái ác đó. Trong khi, chỉ cần tác giả thể hiện chính thái độ phê phán của bản thân mình hay là sự phẫn nộ của những người được chứng kiến thì kết quả lại rất khác!
Thanh Huế