Làm bố theo chuẩn mực

GD&TĐ - Dành thời gian cho con, quan tâm đến con để con học được sự mạnh mẽ, bản lĩnh và tấm lòng bao dung là việc mà các ông bố cần làm cho con mình ngay từ những năm tháng đầu đời…

Làm bố theo chuẩn mực

Sai lầm từ đâu?

Rời nhà bác sĩ tâm lý, anh Đức Khang (ngõ Trung Phụng - Khâm Thiên - Hà Nội) im lặng không nói gì. Lời ông bác sĩ như một luồng điện xuyên qua giác quan của anh. “Tôi nghĩ anh cần xem lại vai trò làm bố của mình với con trai anh. Đến gặp tôi rồi mà anh vẫn còn lớn giọng đổ lỗi cho vợ trong toàn bộ câu chuyện này thì thật sự tôi khó mà chữa trị được cho con anh chị. Anh đã đánh mất đặc quyền làm bố của mình mà vẫn chưa nhận ra ư?”.

Vân vê tờ giấy có những câu hỏi mà ông bác sĩ tên tuổi ở bệnh viện sức khỏe tâm thần đưa cho lúc ra về, anh Khang mới nhận ra lỗ hổng quá lớn trong vấn đề nuôi dạy con của mình.

Cả một quá trình con trai anh từ đứa trẻ ham học, thông minh, cởi mở đến một đứa con trai ù lỳ, hay cáu giận, chẳng thích học hành, mê game và hay dối trá để xin tiền, thậm chí còn hay ăn trộm tiền của mọi người trong nhà.. anh đã phó thác hoàn toàn cho vợ.

Anh nghĩ mình lăn lộn mê mải kiếm tiền lo mua nhà, sắm xe đẹp và thỉnh thoảng cao giọng vạch hướng chỉ đạo cho vợ con phải thế nào là đã làm tròn phận sự của người trụ cột trong gia đình. Đến khi con hư thì anh Khang lại tìm giải pháp mạnh để kỷ luật, gò cậu con trai 16 tuổi vào khuôn phép.

Trước khi miễn cưỡng đi gặp bác sĩ tâm lý sau hai tuần điều trị cho con ở bệnh viện, trong đầu anh vẫn chỉ loanh quanh với suy nghĩ phải kiềm tỏa cậu con trai bằng biện pháp gì mà quên mất một điều quan trọng nhất là tìm hiểu nguyên nhân thực sự con hư tại đâu.

Khi vị bác sĩ ái ngại hỏi vợ chồng anh: Theo anh chị, cháu làm những điều sai trái là vì cháu muốn hay vì cháu chưa biết cách sống tích cực, chưa có đủ kỹ năng phòng tránh cái tiêu cực, thì anh giật mình bởi anh thiếu hẳn sự lắng nghe, kiên nhẫn, bao dung với con.

Bố là hình mẫu cho con

Theo các chuyên gia giáo dục phân tích thì sau 12 tuổi, chúng ta học bằng những biến cố và như vậy thì sẽ có nhiều thứ phải trả giá đau đớn. Dạy con là đặc quyền của cha mẹ. Chúng ta nên hiểu đúng về đặc quyền đó, là quyền lợi đặc biệt chứ không phải là trách nhiệm đặc biệt.

Điều đáng buồn hiện nay là bản thân nhiều ông bố đang làm bố chưa được chuẩn bị kiến thức, chuẩn bị tâm thế cho cuộc sống gia đình. Các ông bố cần quan tâm con không phải là chiều chuộng và cưng nựng mà là làm đúng vai trò của ông bố, dẫn đường đầy hiểu biết, bao dung và mạnh mẽ.

Thành công của người làm bố là đứa bé kính trọng bố, biết phân biệt phải trái, đúng sai trước khi làm điều gì. Hãy để tuổi thơ của con trôi đi với những hình ảnh thần tượng đầu đời của nó chính là bố mẹ mình.

“Ấn tượng về bố sâu sắc nhất là khi ôn thi, vào những ngày nóng nực nhất thì lại bị cắt điện, bố đã ngồi quạt suốt đêm cho tôi ngủ. Cả đời tôi không bao giờ quên hình ảnh tận tâm tận tụy của bố nên dù học trường Y vất vả khổ cực thế nào tôi cũng quyết tâm theo đuổi để thực hiện bằng được mong muốn của bố mình…” - Bác sĩ Trưởng khoa Gây mê - Hồi sức, Quang Hải - Bệnh viện Xanh Pôn chia sẻ.

Luật sư Trần Đình Thắng - Giám đốc Công ty Luật KOCI - Đoàn Luật sư Hà Nội cũng đồng tình: Vai trò của người bố rất quan trọng trong việc nuôi dạy con cái vì cả con trai và con gái đều chịu ảnh hưởng rất lớn từ tư cách, lối sống và đạo đức của người bố. Là bố thì không khó nhưng làm bố chuẩn mực để con cái noi theo thì rất khó.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.