Dưới đây là 5 thay đổi diễn ra trong não bộ đàn ông khi họ trở thành những ông bố:
Bộ não của bố cũng giống như não bộ của mẹ
Chăm sóc con nhỏ sẽ “tạo lại dáng” cho não bộ của các ông bố, khiến nó giống như bộ não của các bà mẹ khi xét tới mức độ gắn kết về nhận thức và tình cảm với con.
Trong một nghiên cứu gần đây, các nhà nghiên cứu đã xem xét hoạt động não bộ của 89 người mới trở thành cha mẹ khi họ xem các đoạn phim, một số đoạn có cả cảnh về những đứa con của người tham gia nghiên cứu.
Nghiên cứu kiểm tra những bà mẹ chịu trách nhiệm chính trong việc chăm con (người chăm chính), những ông bố phụ mẹ chăm con và những ông bố chăm con không có sự giúp đỡ của phụ nữ.
Theo kết quả công bố trên tờ Proceedings of the National Academy of Sciences, cả 3 nhóm cha mẹ đều cho thấy kích hoạt những hệ thống não bộ liên quan tới xử lý các vấn đề tình cảm và sự đồng cảm xã hội.
Cụ thể, bố là người chăm chính cũng thể hiện cùng loại kích hoạt xử lý tình cảm như ở những bà mẹ là người chăm chính. Kết quả gợi ý rằng có một hệ thống trong não bộ chịu trách nhiệm cho việc chăm con ở cả hai giới.
Các bà mẹ trải qua thay đổi hormone khi mang thai, sinh con và nuôi con bằng sữa mẹ. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng đàn ông cũng trải qua những thay đổi hormone khi trở thành bố.
Các nghiên cứu ở động vật và con người cho thấy các ông bố “mới” cũng tăng lượng hormone estrogen, oxytocin, prolactin và glucocorticoids, theo một nghiên cứu tổng quan mới đây do Elizabeth Gould và các cộng sự từ Đại học Princeton thực hiện.
Các nhà nghiên cứu cho biết việc thường xuyên tiếp xúc với mẹ và bé gây ra những thay đổi hormone ở các ông bố. Ở loài người, các ông bố tình cảm với con hơn thường có lượng oxytocin cao hơn.
Ảnh hưởng của việc làm bố tới lượng testosteron không rõ ràng. Các ông bố bị giảm lượng testosterone, khiến họ hiền hòa hơn và trở nên gần gũi các con hơn. Các nhà nghiên cứu nói rằng vẫn chưa rõ mức độ ảnh hưởng của những thay đổi trong nồng độ testosterone là nguyên nhân hay hệ quả của hành vi làm bố.
Theo các nhà nghiên cứu, chính việc tiếp xúc với trẻ sơ sinh đã điều chỉnh hệ thống nội tiết tố và kích hoạt hệ thống thần kinh ở các ông bố theo cùng một cách với các bà mẹ.
Oxytocin thúc đẩy tình cảm cha con
Trong khi những ông bố tham gia vào việc chăm con cho thấy tăng lượng oxytocin, điều ngược lại cũng xảy ra, chính hormone này lại làm tăng hành vi chăm con của họ.
Trong nghiên cứu mới đây, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng việc ngửi hormone này khiến các ông bố gắn kết với con hơn khi chơi cùng nhau, và ngược lại họ cũng nhận được phản hồi từ lũ trẻ. Tuy nhiên hormone này có vô số tác dụng mà không phải tất cả đều tích cực.
Xuất hiện những nơron thần kinh mới
Làm bố cũng ảnh hưởng tới lượng nơron trong não các ông bố, khiến phát triển những nơron thần kinh mới, ít nhất các nghiên cứu ở động vật đã cho thấy điều này.
Các nhà nghiên cứu nói rằng những nơron mới này có thể phản hồi lại những thay đổi mới trong môi trường do sự xuất hiện của những đứa con mới sinh.
Các nghiên cứu cho thấy những con chuột đồng bố tiếp xúc với chuột con phát triển tế bào ở vùng đồi hải mã trong não liên quan tới trí nhớ. Các nhà nghiên cứu khác cho thấy các nơron mới trong khu vực khứu giác trong não chuột bố cho phép nó nhận ra chuột con.
Nhạy cảm với giọng của con
Bản năng làm mẹ khiến các bà mẹ vô cùng tài ba trong việc nhận ra tiếng khóc của con mình. Một nghiên cứu mới đây gợi ý rằng trên thực tế, các ông bố cũng giỏi không kém gì mẹ.
Để so sánh, các nhà nghiên cứu yêu cầu 27 ông bố và 29 bà mẹ tìm giọng con trong 5 giọng trẻ khác nhau. Trung bình, 90% các ông bố bà mẹ đều nhận ra giọng con và tỷ lệ này là tương đương ở cả 2 giới.