Làm 'bác sĩ' chữa bệnh cho tôm, cá học ngành nào?

GD&TĐ -  Sự bùng nổ của các doanh nghiệp nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu thủy sản khiến nhu cầu nhân lực ngành Bệnh học thủy sản ngày càng "hot".

Bệnh học thủy sản là ngành học thú vị, tốt nghiệp sinh viên trở thành “bác sĩ” chữa bệnh cho tôm, cá.
Bệnh học thủy sản là ngành học thú vị, tốt nghiệp sinh viên trở thành “bác sĩ” chữa bệnh cho tôm, cá.

Nhân lực quan trọng phát triển kinh tế

Thủy sản ngày càng đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam khi giá trị xuất khẩu đạt gần 9 tỷ USD/năm, chiếm hơn 20% tổng giá trị xuất khẩu nông sản.

Việc thâm canh hóa các mô hình nuôi và biến đổi khí hậu bất thường khiến vấn đề dịch bệnh thủy sản ngày càng diễn biến phức tạp, gây thiệt hại kinh tế cho người nuôi. Chính vì vậy, nhu cầu nguồn nhân lực được đào tạo bài bản về Bệnh học thủy sản để phục vụ quản lý các mô hình nuôi, sức khỏe động vật thủy sản ngày càng cấp thiết đối với ngành thủy sản nói chung và các doanh nghiệp nói riêng.

Thông tin từ Trường ĐH Cần Thơ, ngành Bệnh học thủy sản đào tạo kỹ sư có khả năng xét nghiệm/chẩn đoán, phòng và trị một số bệnh phổ biến trên các đối tượng nuôi thủy sản, quản lý và vận hành cơ sở sản xuất và kinh doanh thủy sản, phòng thí nghiệm bệnh thủy sản và có khả năng tham gia ở lĩnh vực kinh doanh dịch vụ thuốc và hóa chất sử dụng trong nuôi trồng thủy sản.

Sinh viên được học kiến thức về chẩn đoán các bệnh thường gặp ở động vật thủy sản; xét nghiệm bệnh ở động vật thủy sản; quản lý dịch bệnh tổng hợp trong nuôi thủy sản; quản lý và sử dụng thuốc và hóa chất trong nuôi thủy sản. Đồng thời sinh viên còn có kiến thức về sản xuất giống và nuôi một số đối tượng nuôi thủy sản chủ lực như tôm biển, tôm càng xanh và cá tra…

Quá trình học, sinh viên có cơ hội tham gia thực hành thực tập tại các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh giống, thương phẩm, thuốc, chế phẩm và các trang thiết bị liên quan. Đặc biệt, sinh viên được chú trọng nâng cao kỹ năng tiếng Anh, tăng cường kỹ năng mềm cần thiết về giao tiếp, làm việc nhóm, giải quyết vấn đề, tổ chức công việc và quản lý thời gian.

Không chỉ vậy, sinh viên ngành Bệnh học thủy sản sẽ được tham gia các hoạt động ngoại khóa, có cơ hội vừa học vừa đi thực tế ở các trang trại, doanh nghiệp, tham gia câu lạc bộ chuyên ngành thủy sản, các dự án khởi nghiệp thủy sản… Sinh viên còn được trau dồi kỹ năng nghề nghiệp thông qua các hoạt động rèn nghề, thực tập giáo trình và thực tập nghề nghiệp, tham gia các nhóm nghiên cứu khoa học và nhóm phát triển kỹ năng mềm.

Hiện nay, theo học ngành Bệnh học thủy sản, người học có thể làm các vị trí công việc như: Kỹ sư chuyên về xét nghiệm/chẩn đoán bệnh thủy sản; Kỹ sư phụ trách bệnh thủy sản, quản lý các vùng nuôi thủy sản; Chủ cơ sở sản xuất và kinh doanh thủy sản; Giảng viên các trường đại học, cao đẳng, trung cấp đào tạo về thủy sản…

Các địa chỉ làm việc của người học ngành Bệnh học thủy sản là Chi cục nuôi thủy sản; Chi cục thú y; Trường đại học, cao đẳng, trung cấp… đào tạo về thủy sản; Các công ty sản xuất và kinh doanh giống thủy sản; Các công ty sản xuất và kinh doanh thức ăn thủy sản; Các công ty sản xuất và kinh doanh thuốc thú y thủy sản; Tự tổ chức sản xuất và kinh doanh thủy sản…

Nghiên cứu, phát triển nuôi tôm siêu thâm canh trong hệ thống tuần hoàn tại Khoa Thủy sản (Trường ĐH Cần Thơ).
Nghiên cứu, phát triển nuôi tôm siêu thâm canh trong hệ thống tuần hoàn tại Khoa Thủy sản (Trường ĐH Cần Thơ).

Các trường đào tạo “bác sĩ” chữa bệnh tôm, cá

Trong nhóm ngành Thủy sản, Bệnh học thủy sản là một ngành học mới. Hiện một số trường đại học có đào tạo ngành Bệnh học thủy sản như: Trường ĐH Nha Trang; Trường ĐH Nông Lâm - Đại học Huế; Trường ĐH Nông Lâm TPHCM; Trường ĐH Cần Thơ… Điểm chuẩn của ngành Bệnh học thủy sản dao động trong khoảng 14 - 16 điểm (theo hình thức xét kết quả thi THPT) và 18 - 22,75 điểm (theo hình thức xét học bạ THPT).

Ngành Bệnh học thủy sản có thể xét tuyển bằng nhiều phương thức, trong đó phương thức xét tuyển bằng điểm Kỳ thi tốt nghiệp THPT; Xét tuyển bằng điểm học bạ THPT thường sử dụng các Tổ hợp xét tuyển như: Toán, Lý, Hóa (A00); Toán, Hóa, Sinh (B00); Toán, Sinh, Tiếng Anh (B08); Toán, Hóa, Tiếng Anh (D07)…

Năm 2022, điểm chuẩn ngành Bệnh học thủy sản của Học Viện Nông Nghiệp Việt Nam 15 (Điểm thi tốt nghiệp THPT); Đại học Nông Lâm - Đại học Huế 15 (Điểm thi tốt nghiệp THPT); Đại học Cần Thơ 15,5 (Điểm thi tốt nghiệp THPT); Đại học Nông Lâm - Đại học Huế 18 (Học bạ); Đại học Cần Thơ 22,75 (Học bạ)…

Ngành Bệnh học thủy sản cần ở sinh viên một số tố chất như: Thích thu thập hay nghiên cứu các khía cạnh khác nhau của thiên nhiên; Thích các hoạt động ngoài trời (cắm trại, leo núi, làm vườn, lặn biển); Có khả năng nhớ tên và phân loại các loài động thực vật; Thích chăm sóc vật nuôi, cây trồng; Nhạy cảm và hòa hợp với thiên nhiên; Yêu thiên nhiên, môi trường; Thích xem các chương trình, thông tin về thế giới tự nhiên…

Để theo học tốt ngành Bệnh học thủy sản, sinh viên cần trau dồi những môn học chính như: Toán học, Ngoại ngữ và Sinh học… Việc giỏi môn Toán giúp sinh viên có kỹ năng phân tích, tổng hợp, đánh giá dữ liệu và thông tin, giải quyết những vấn đề thực tế hay trừu tượng trong lĩnh vực. Có kỹ năng ngoại ngữ, người học có thể hiểu được các ý chính của một báo cáo hay bài phát biểu chuyên ngành bằng tiếng nước ngoài trong lĩnh vực này. Có thế mạnh về Sinh học sẽ giúp sinh viên có khả năng nghiên cứu và chuyển giao các hoạt động về bệnh học thủy sản, quản lý dịch bệnh thủy sản…

Theo PGS.TS Kim Văn Vạn, Khoa Thủy sản (Học viện Nông nghiệp), ngành Bệnh học thủy sản xuất phát từ nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao, những năm qua sinh viên tốt nghiệp ngành bệnh học thủy sản được các doanh nghiệp đón nhận, nhiều sinh viên đi làm từ khi thực tập tốt nghiệp. Lợi thế của ngành là có sự kết hợp với các doanh nghiệp để áp dụng lý thuyết, kiến thức vào thực tế sản xuất, đảm bảo chất lượng sản phẩm…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ