(GD&TĐ) - “Với nhiều giải pháp triển khai mang tính đột phá, phù hợp với từng vùng, miền, đối tượng, đến thời điểm này, về cơ bản, mọi công tác chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2011 đã hoàn tất theo đúng kế hoạch” – ông Đỗ Văn Hán, Giám đốc Sở Giáo dục – Đào tạo Lai Châu khẳng định.
Chỉ đạo quyết liệt
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Đỗ Văn Hán cho biết, năm 2010, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT của tỉnh đạt khá cao (cấp THPT: 92,14%; GDTX: 57,09%). Với kết quả đó, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2011 là một thách thức lớn đối với ngành GD tỉnh Lai Châu.
Để giữ vững và nâng cao tỷ lệ đỗ tốt nghiệp trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, với phương châm “kỳ thi tốt nghiệp này phải thực sự an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế, đạt kết quả cao và phản ánh đúng thực trạng chất lượng giáo dục”, ngành GD&ĐT tỉnh Lai Châu đã đề ra và tổ chức thực hiện các giải pháp mang tính đột phá.
Cụ thể, ngành đã chỉ đạo quyết liệt phân loại đối tượng học sinh và tổ chức tốt công tác dạy và học theo đối tượng, vùng miền ngay từ đầu năm. Tổ chức hiệu quả công tác thanh, kiểm tra các đơn vị trong việc thực hiện kế hoạch dạy học. Di chuyển học sinh ở vùng khó khăn về vùng thuận lợi để tổ chức ôn thi và tham gia dự thi (di chuyển 33 học sinh của Trường THPT Dân tộc Nội trú Ka Lăng (xã Ka Lăng, huyện Mường Tè) về Trường THPT huyện Mường Tè để các em ôn thi…
Song song với đó, Sở GD&ĐT Lai Châu đã thành lập 11 hội đồng coi thi tại 7 huyện, thị xã với 2.259 thí sinh/101 phòng thi, trong đó: giáo dục trung học phổ thông 1.456 thí sinh; GDTX 839 thí sinh); 1 hội đồng in, sao đề thi; 1 hội đồng chấm thi… Đồng thời, hoàn tất công tác ghép dữ liệu thi, chuyển các loại hồ sơ thi đến các địa điểm đặt Hội đồng coi thi. Kiểm tra công tác chuẩn bị thi tại các trường THPT, các trung tâm GDTX. Trong đó, đặc biệt chú trọng việc trang bị kiến thức, chuẩn bị tâm lý cho học sinh và các điều kiện về cơ sở vật chất để tổ chức kỳ thi.
“Tính đến thời điểm này về cơ bản mọi công tác chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2011 của tỉnh đã cơ bản hoàn tất, đảm bảo đúng kế hoạch” – đồng chí Đỗ Văn Hán khẳng định.
Phân loại đối tượng học sinh để tổ chức ôn thi giúp các em nắm vững bài học. |
Thực hiện nghiêm túc
Các trường THPT, trung tâm GDTX trong tỉnh đã hoàn thành chương trình dạy học theo đúng khung chương trình giáo dục THPT, GDTX hiện hành và kế hoạch năm học 2010 – 2011. Các đơn vị trường học cũng đã phân loại đối tượng học sinh lớp 12 và tổ chức ôn thi, trang bị kiến thức, chuẩn bị tâm lý cho người học theo đúng các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo phù hợp với tình hình thực tế. Đồng thời, hoàn tất công tác tiếp nhận hồ sơ đăng ký dự thi của thí sinh; nhập dữ liệu và chuyển dữ liệu thi về Sở theo đúng quy định và kế hoạch của Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh năm 2011.
Ngoài ra, các trường học còn chủ động phối hợp với các lực lượng trên địa bàn chuẩn bị về cơ sở vật chất và các điều kiện khác để tổ chức kỳ thi. Đến thời điểm này, một số đơn vị đã tham mưu với chính quyền địa phương thành lập Ban Chỉ đạo thi cấp huyện như: huyện Than Uyên, thị xã Lai Châu…
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2011, Trường THPT Than Uyên có 193 học sinh dự thi tốt nghiệp. Để đạt chất lượng cao trong quá trình dạy và học, ngay từ đầu năm học, nhà trường đã lựa chọn những giáo viên có chuyên môn vững trực tiếp tham gia giảng dạy khối lớp 12, ôn thi tốt nghiệp và ôn thi các trường chuyên nghiệp cho học sinh. Đến nay, nhà trường đã hoàn thành thi học kỳ II, dành toàn bộ thời gian ôn thi tốt nghiệp cho các em vào các buổi sáng và 1/2 số buổi chiều trong tuần, còn lại dành thời gian luyện thi các trường chuyên nghiệp. Trong quá trình ôn thi, nhà trường tổ chức cho học sinh thi thử một số môn để giúp các em cọ xát, rèn kỹ năng làm bài. Nhà trường còn tổ chức họp phụ huynh để tư vấn, vân động phụ huynh quan tâm, tạo điều kiện về thời gian, chất lượng dinh dưỡng cũng như sức khỏe để các em tham gia ôn tập và đạt kết quả cao nhất.
Phấn đấu đạt tỷ lệ tốt nghiệp từ 85% trở lên (vượt 4% trở lên so với năm 2010), cán bộ giáo viên trường THPT Dân tộc Nội trú tỉnh Lai Châu đã thực hiện theo phương châm “Học đến đâu, ôn đến đó”.Ngoài tổ chức ôn thi tốt nghiệp theo bộ đề, các giáo viên phụ trách ôn thi tốt nghiệp của còn sử dụng phương pháp dạy học thông qua các câu hỏi trắc nghiệm, từ đó bắt buộc các em phải học bài kỹ, hiểu vấn đề, nắm vững kiến thức. Ngoài ra, các thầy, cô giáo còn tổ chức phân loại đối tượng học sinh, tăng cường kiểm tra bài học trên lớp cũng như kiểm tra bài cũ…
Giờ ôn tập môn ngoại ngữ của lớp 12 cận chuyên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (thị xã Lai Châu, tỉnh Lai Châu). |
Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp phụ thuộc vào nhiều yếu tố
Những năm học qua, Sở GD – ĐT Lai Châu đã tổ chức ra đề kiểm tra chất lượng học kỳ, kiểm tra cuối năm học đối với các khối lớp đầu cấp và lớp cuối cấp chung cho toàn tỉnh. Đặc biệt, kỳ kiểm tra chất lượng học kỳ II đối với lớp 12 với mức độ yêu cầu của đề, hình thức kiểm tra, thời gian làm bài, phạm vi kiến thức tương đương với đề thi tốt nghiệp THPT.
Ông Đỗ Văn Hán cho biết thêm: “Qua kỳ kiểm tra chất lượng học kỳ II năm học 2010 – 2011, theo báo cáo tổng hợp kết quả của Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục (Sở GD&ĐT) thì chất lượng học sinh, học viên lớp 12 năm nay có phần thấp hơn so với năm học 2009 – 2010. Tuy nhiên, đây mới chỉ là đánh giá chủ quan vì kết qủa kỳ thi tốt nghiệp THPT còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó phải kể đến sự cố gắng, nỗ lực của thầy và trò trong thời gian ôn, luyện thi”
Đối với học sinh Lai Châu, chất lượng các môn thi khoa học tự nhiên thường có tỷ lệ thấp hơn các môn khoa học xã hội qua các kỳ thi, kiểm tra, đặc biệt sự chênh lệch giữa môn tiếng anh với các môn khoa học xã hội. Kỳ thi lần này ngoài môn thi địa lý (bắt buộc), một số trường đã đề nghị thay thế môn thi tiếng anh bằng môn lịch sử. Thi theo hình thức tự luận nên có thể nói 2 môn thi này là lợi thế cho học sinh.
Chỉ còn chưa đầy 10 ngày nữa là kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2011 chính thức diễn ra, để đạt được kết quả cao, ngoài việc trang bị tốt kiến thức, kỹ năng làm bài đối với từng bộ môn, mỗi học sinh cần tạo tâm thế vững vàng trước khi bước vào kỳ thi; bình tĩnh, tự tin, phân bổ hợp lý và tận dụng hết quỹ thời gian trong quá trình làm bài. Và điều quan trọng hơn cả là cần có chế độ ăn uống, nghỉ ngơi, học tập hợp lý, đảm bảo sức khỏe bước vào kỳ thi đạt hiệu quả cao nhất.
Hà Anh