Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), các bà mẹ nên nuôi con hoàn toàn bằng sữa của mình trong 6 tháng đầu. Việc cho con bú có thể kéo dài cho đến khi bé được 1-2 tuổi vì lúc này trong sữa mẹ vẫn chứa những chất dinh dưỡng rất tốt cho cơ thể bé. Ngoài thời điểm này, sữa mẹ không còn chất dinh dưỡng.
Từ đó có thể thấy, sữa mẹ ẩn chứa nhiều lợi ích tuyệt vời đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Trong đó có thể kể đến một số lợi ích to lớn nhất như:
- Tạo miễn dịch khi con ốm
- Tự động cung cấp nhiều nước hơn vào những ngày trời nóng
- Chống vi khuẩn
- Thuốc giảm đau tự nhiên
Sữa mẹ có lợi ích tuyệt vời với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
Tuy nhiên, không phải vì thế mà mọi người có thể coi "sữa mẹ" như một loại "thuốc tiên" có thể giúp điều trị bách bệnh. Mà sữa mẹ chỉ tốt cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ nếu được dùng đúng cách và đúng lúc.
Bác sĩ Ngô Đức Hùng - Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai cũng đã từng khẳng định: "Sữa mẹ luôn là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho con. Tuy nhiên tốt nhất không có nghĩa là duy nhất, có tốt nhất thì cũng có tốt nhì. Sữa mẹ cũng chỉ là một loại thức ăn cho bé. Chúng ta chỉ nên hiểu đúng, hiểu đủ chứ đừng hiểu quá rồi thần thánh hóa sữa mẹ.
Sữa mẹ tốt là đương nhiên nhưng nó không thể chữa được ung thư hay tốt đến mức phải cho bú tới tận 5, 6 tuổi. Sữa mẹ sau 24 tháng cũng không còn cung cấp đủ dinh dưỡng cần thiết cho bé nữa”.
Sữa mẹ không thể chữa đỏ mắt, hết đau mắt
Không chỉ trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ mà ngay đến cả người lớn, tất cả các bệnh trên cơ thể, đặc biệt là về bộ phận quan trọng như mắt cần phải được thăm khám và điều trị bằng các loại thuốc do bác sĩ có chuyên môn kê.
Tuy nhiên, rất nhiều bà mẹ do còn quá trẻ thiếu kiến thức, kinh nghiệm nuôi con kết hợp với lòng thương con vô điều kiện mong muốn chữa khỏi bệnh về mắt cho con nhanh chóng đã nghe theo lời mách bảo của mọi người mà dùng sữa mẹ nhỏ vào mắt để chữa bệnh về mắt như đau mắt, đỏ mắt dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.
Điển hình như trường hợp mới đây nhất của bé L.V.K. (7 tháng tuổi) đã phải bỏ mắt trái vì hoại tử mà nguyên nhân chính là do mẹ nhỏ sữa mẹ vào mắt để chữa bệnh đỏ mắt.
Bé K. phải bỏ một bên mắt vì mẹ nhỏ sữa vào mắt.
Trước đó, bé K. nhập viện trong tình trạng mắt bị phù nề, giác mạc mắt trái bị hoại tử toàn bộ.
Sữa mẹ giúp đốt ngón tay mọc lại?
Chuyện tưởng chừng như có câu trả lời quá hiển nhiên này lại khiến nhiều bà mẹ phải băn khoăn suy nghĩ về tính chính xác của nó.
Sự phát triển của các đốt ngón tay được hình thành từ khi trẻ mới bắt đầu sinh ra. Thông thường, khi các đốt ngón tay vô tình bị đứt thì không thể mọc lại. Tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu khoa học, trong một vài trường hợp cụ thể sẽ có những điều bất ngờ xảy ra.
Theo bác sĩ Christopher Allan, đến từ Trung tâm Y tế về Tay tại Đại học Washington (Mỹ), trong một vài thí nghiệm mà ông đã từng quan sát, ông phát hiện ra rằng nếu phần đầu của ngón tay bị đứt thì có thể mọc lại. Cụ thể, theo các báo cáo của các bác sĩ trên thế giới, những trường hợp tương tự ở trẻ nhỏ: đầu ngón tay sẽ luôn mọc trở lại nếu vết cắt chưa đến hết móng tay. Còn nếu ngón tay bị cụt ở vị trí thấp hơn thì hầu như không thể mọc lại được.
Đốt ngón tay ở vị trí màu da cam có thể mọc lại.
Tuy nhiên, việc mọc lại của phần ngón tay bị mất cần phải được nghiên cứu và theo dõi từ các bác sĩ chứ tất cả những biện pháp dân gian mà cha mẹ thực hiện theo sự mách bảo của người khác đều khuyến cáo không được áp dụng. Nhất là trường hợp khoảng thời gian cách đây vài tháng, các bà mẹ rộ lên thông tin sữa mẹ có tác dụng giúp đốt ngón tay mọc lại.
Bác sĩ Nguyễn Thị Thủy, Bệnh viện Phụ sản TW cũng cho rằng: “Sữa mẹ là tốt nhất thì không có ai tranh cãi, nhưng những vấn đề dùng sữa mẹ để chữa bệnh thì không được, bệnh thì phải đi khám, phải chữa bằng thuốc, chứ sữa mẹ chỉ là nguồn dinh dưỡng”.
Sữa mẹ không chữa được ngạt mũi, sổ mũi cho trẻ
Không chỉ nhỏ sữa mẹ vào mắt, một số bà mẹ còn lan truyền cách nhỏ sữa mẹ vào mũi sẽ có tác dụng trị ngạt mũi, sổ mũi cho trẻ. Tuy nhiên, theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, nguy hiểm nhất của việc nhỏ sữa mẹ vào mũi trẻ không điều tiết được tốc độ, lượng sữa có thể gây sặc cho trẻ. Trẻ sơ sinh bị sặc sữa, sữa rơi vào đường thở, nếu không được sơ cứu đúng cách có thể đe dọa tới tính mạng.
Việc vệ sinh mũi cho trẻ nên được thực hiện bằng nước muối sinh lý và khăn sạch.
Ngoài ra, các bác sĩ khuyến cáo cũng không nên dùng sữa mẹ để lau mắt, mũi cho trẻ vì sữa mẹ chứa nhiều chất dinh dưỡng chính là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển rất nhanh gây ra các bệnh lý về mắt, mũi.
Để vệ sinh mắt mũi cho trẻ cha mẹ chỉ nên dùng nước muối sinh lý theo hướng dẫn của bác sĩ nhi khoa. Với các bệnh nặng hơn cần ngay lập tức đưa bé đi khám chuyên khoa.